Mỗi câu trả lời của ChatGPT tốn gần 4 lít nước
(DNTO) - Đây là mặt trái đáng lo ngại của công nghệ mới khi việc gia tăng ứng dụng công nghệ lại ảnh hưởng lớn hơn tới môi trường.
Bài toán số và xanh
Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế mới 2024 chủ đề về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hôm 16/10, TS Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Vietnam, Cambodia và Lào cho biết AI đang là công nghệ nổi bật toàn cầu, đang dần được sử dụng phổ biến trong mọi lĩnh vực đời sống. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ cũng kéo theo việc gia tăng năng lượng, nhiên liệu, điều này lại đi ngược với xu hướng xanh hóa.
“Mỗi lần chúng ta hỏi ChatGPT và công cụ này ra được câu trả lời tiêu tốn gần 4 lít nước, mức tiêu thụ năng lượng cũng gấp 10 lần so với tìm kiếm trên công cụ truyền thống như Google. Các trung tâm dữ liệu vốn là những nơi ngốn năng lượng, giờ tăng cường sử dụng AI thì mức độ tiêu thụ năng lượng tăng hơn gấp nhiều lần”, ông Nam nói.
Điều này đặt áp lực cho các đơn vị cung cấp hàng tỷ con chip mỗi năm như Qualcomm. Các công ty này buộc đặt ra mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng trên mỗi con chip để các doanh nghiệp khi ứng dụng vào sản phẩm có thể giảm năng lượng tiêu hao.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết một thực tế là nhiều năm nay, khi nói về chuyển đổi số, người ta chỉ quan tâm đến tốc độ tính toán nhanh hơn bao nhiêu nhưng ít quan tâm đến việc tiêu thụ năng lượng tăng theo như thế nào.
Ví dụ mỗi năm, số lượng thiết bị điện thoại di động là hàng tỷ chiếc, năm 2023 là 1,2 tỷ chiếc. Nếu mức tiêu thụ nhiên liệu của một con chip giữ nguyên, thì tổng năng lượng tiêu thụ lớn lên thế nào khi dự kiến năm 2029 có 39 tỷ thiết bị sử dụng internet vạn vật IoT.
“Nếu không quan tâm đến việc giảm năng lượng sử dụng của các con chip thì hậu quả rất nặng nề, như là mặt trái của kinh tế số”, ông Cương phân tích.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết chuyển đổi số và chuyển đổi xanh có quan hệ chặt chẽ. Muốn chuyển đổi xanh tốt thì phải ứng dụng công nghệ, thực hiện tốt chuyển đổi số; ngược lại, muốn chuyển đổi số tốt thì phải xanh hóa.
Một thực tế là chúng ta càng sản xuất hiện đại bao nhiêu thì tốn năng lượng bấy nhiêu. Chính Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thừa nhận, chúng ta đang bắt đầu dùng 5G, nhưng năng lượng tiêu tốn gấp 3 lần mức tiêu thu năng lượng của cả 2G, 3G, 4G cộng lại. Gần đây, Việt Nam có định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, xây dựng trung tâm dữ liệu… cũng tương tự như vậy, cũng phải giải quyết bài toán năng lượng.
“Malaysia muốn thành lập 2 trung tâm dữ liệu. Các chuyên gia ước tính sơ bộ 1 trung tâm dữ liệu ngốn 12% tổng năng lượng quốc gia của Malaysia. Vậy Việt Nam tính toán như thế nào. Bài toán chuyển đổi số phải gắn với chuyển đổi xanh là như vậy”, ông Lực đặt vấn đề.
Những việc không thể chậm trễ
Trước mắt, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng có nhiều việc để làm, nhưng doanh nghiệp đang mong chờ 2 chính sách.
Một là Danh mục phân loại xanh, dù đã 2 năm đưa ra bàn thảo nhưng hiện tại chưa ban hành. Từ Danh mục phân loại xanh mới có thể có cơ chế cho tài chính xanh, tín dụng xanh và nhiều cơ chế khác cho doanh nghiệp.
Thứ hai là Đề án Kinh tế tuần hoàn được Thủ tướng Chính phủ ban hành từ tháng 6/2022. Tuy nhiên từ đó đến nay vẫn chưa có chương trình hành động cụ thể để phát triển kinh tế tuần hoàn như thế nào.
“Việc chậm trễ ban hành các chính sách dẫn tới chúng ta mất nhiều cơ hội. Nếu chúng ta làm tốt hơn, việc tăng trưởng kinh tế 6.5-7% là hoàn toàn khả thi”, ông Lực nhận định.
Ở góc độ những người làm chính sách, TS.Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện CIEM cho biết doanh nghiệp đã “khó lại thêm khó” khi nhiều thị trường đang gia tăng các quy định như Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) hay quy định về bảo mật dữ liệu cá nhân, tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam.
Mặc dù Việt Nam nỗ lực để sớm ban hành các chính sách cho chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, nhưng Viện trưởng CIEM cũng nhìn nhận thẳng thắn rằng cộng đồng doanh nghiệp chưa hiểu nhiều, chưa đầu tư nhiều, chưa triển khai nhiều, và chưa hưởng lợi nhiều.
Đối với các cơ quan hoạch định chính sách, đây chính là một thực tế đáng lo ngại, không chỉ về chất lượng của các văn bản mà còn về việc thiếu các thực tiễn ở cấp độ doanh nghiệp để xây dựng các chính sách cụ thể, “sát sườn” hơn. Việc thiếu thông tin, chia sẻ về những bài học thành công và thất bại của các doanh nghiệp đi trước cũng sẽ khiến các doanh nghiệp phải mày mò, tốn chi phí, thậm chí ngại đầu tư cho chuyển đổi.
“Chẳng hạn, nếu không có thông tin, phối hợp từ các doanh nghiệp thì các cán bộ, công chức sẽ không bao giờ tự nghiên cứu, tự cụ thể hóa được các tiêu chuẩn riêng cho dự án kinh tế tuần hoàn trong một lĩnh vực cụ thể. Ngay cả CIEM rất nhiều kinh nghiệm về sử dụng các mô hình định lượng để đánh giá tác động của chính sách, song cũng phải đối mặt với không ít khó khăn để “lượng hóa” tác động của đề xuất chính sách cho kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là đối với doanh nghiệp”, bà Minh nêu thực tế.
Vị này nhấn mạnh việc chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cần được nhìn như một quá trình, trong đó điều kiện tiên quyết là phải có quan hệ đối tác lành mạnh, thực chất và bền chặt giữa các cơ quan hoạch định chính sách, cộng đồng doanh nghiệp và các viện nghiên cứu.