Tốn hàng triệu USD đầu tư xanh nhưng doanh nghiệp có thể hòa vốn sau vài năm
(DNTO) - Khi những doanh nghiệp vừa và nhỏ khi phải cân nhắc giữa lợi nhuận ngắn hạn và sự bền vững dài hạn thì các doanh nghiệp lớn cho thấy việc chuyển đổi xanh là khoản đầu tư cần thiết.
Làm sớm sẽ lợi sớm
Là một ngành có mức phát thải lớn, thép thuộc nhóm ngành sẽ bị áp thuế theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU tới đây. Vì vậy những công ty trong ngành thép như NS BlueScope Việt Nam cho biết công ty có lộ trình giảm phát thải carbon từ rất sớm theo con đường chung là ESG. Mục tiêu doanh nghiệp này đặt ra là năm 2030 sẽ giảm 30% phát thải carbon trên một đơn vị sản phẩm.
Vừa qua, nhà máy NS BlueScope Việt Nam tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã nhận được chứng nhận ResponsibleSteel. Đây cũng là đơn vị đầu tiên trong ngành thép tại Việt Nam và nhà máy thép mạ đầu tiên tại Đông Nam Á đạt chứng nhận này.
Chia sẻ kinh nghiệm từ doanh nghiệp của mình, ông Trương Anh Hải, Phó Tổng Giám đốc phụ trách An toàn, Sức khỏe, Môi trường & Cộng đồng, NS BlueScope Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp nên có lộ trình ngay từ bây giờ và bắt đầu triển khai từ những điều nhỏ nhất đơn giản nhất. Nên xác định rằng việc đầu tư vào phát triển bền vững là câu chuyện dài hạn, vì vậy doanh nghiệp cần bỏ qua câu chuyện lợi nhuận ngắn hạn để tiến xa hơn.
“Đừng nhìn vốn đầu tư ban đầu 2-3 triệu USD và ngần ngại. Theo tính toán của ban tài chính công ty chúng tôi, sau 3-5 năm có thể hòa vốn, khi đó chúng ta sẽ đạt được nhiều lợi ích mang tính dài hạn”, ông Hải nói.
Vị này khuyến nghị các doanh nghiệp nên tích cực sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng tái chế để sớm đạt mục tiêu giảm phát thải. Ví dụ trong ngành thép, với 1 tấn thép tái chế sẽ giảm 2.5% lượng phát thải carbon, theo Hiệp hội thép thế giới. Ngoài ra, trong quá trình doanh nghiệp thực hành ESG, cần phải lôi kéo sự tham gia và kết nối của tất cả nhân viên từ giám đốc, đội ngũ vận hành bởi các công việc sẽ liên quan đến nhau.
“Một người vận hành xử lý nước thải, nếu không xử lý tốt chất lượng nước xả thải ra môi trường, thì có thể ảnh hưởng đến yếu tố E (môi trường). Trường hợp mạnh ai người đó làm, có thể dẫn đến việc thực hiện ESG không được bền vững”, ông Hải nói.
Cửa sáng từ trái phiếu xanh
Trước bối cảnh nhu cầu đầu tư vào các dự án bền vững đang ngày càng tăng cao trên thị trường vốn toàn cầu, theo ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Khối Nghiệp vụ Doanh nghiệp và Tư vấn Giải pháp tại FPT Digital cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng định hình và chuẩn bị để tiếp cận xu hướng huy động vốn qua trái phiếu xanh.
Ông Minh lấy ví dụ của 2 doanh nghiệp Việt Nam đã thành công trong việc này. Đó là công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVN Finance) phát hành trái phiếu xanh hơn 1.700 tỷ đồng, bảo lãnh một phần bởi GuarantCo (là công ty dịch vụ bảo lãnh đa quốc gia) với giá trị 50 triệu USD (tương đương 1.150 tỷ đồng).
Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có một đợt phát hành trái phiếu được bảo lãnh bởi tổ chức quốc tế uy tín, điều này đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng xanh, mở ra hướng phát triển bền vững cho các dự án xanh.
Thứ hai là Ngân hàng BIDV, ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam phát hành thành công trái phiếu xanh theo bộ Nguyên tắc Trái phiếu Xanh của ICMA lên tới 2.500 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên thị trường vốn Việt Nam chứng kiến đợt phát hành trái phiếu trong nước có Khung Trái phiếu Xanh được xếp hạng cao bởi tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu như Moody’s.
Theo ông Minh, mặc dù thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam đang trong giai đoạn với quy mô và loại hình còn hạn chế, các tổ chức phát hành chưa thực sự quan tâm đầy đủ đến việc huy động vốn thông qua trái phiếu xanh hay đầu tư vào các sản phẩm và dự án theo định hướng bền vững. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường tiềm năng, có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
“Tính đến tháng 10/2022, thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam đã phát hành được 5 đợt với tổng giá trị khoảng 200 triệu USD, phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng đối với năng lượng tái tạo và các dự án có tính bền vững”, ông Minh ví dụ.
Để đảm bảo tính tuân thủ, minh bạch và hiệu quả trong việc sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu xanh, vị chuyên gia khuyến nghị các dự án được tài trợ cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế hoặc quốc gia về trái phiếu xanh như bộ Nguyên tắc Trái phiếu Xanh của ICMA và Tiêu chuẩn Trái phiếu Khí hậu Quốc tế của CBI. Điều này đảm bảo rằng dự án đáp ứng các yêu cầu về tính bền vững và minh bạch.
Ngoài ra, nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu xanh phải được quản lý tách biệt, minh bạch và chỉ được sử dụng cho các dự án đủ điều kiện. Có thể áp dụng các biện pháp quản lý tài chính như tài khoản ngân hàng riêng biệt hoặc hệ thống theo dõi chi tiêu. Doanh nghiệp cần thiết lập các chỉ số quan trọng và theo dõi liên tục để đánh giá hiệu quả của dự án, bao gồm cả tác động môi trường và xã hội. Điều này giúp đảm bảo rằng dự án đạt được các mục tiêu đã đề ra.
“Doanh nghiệp cần công bố báo cáo định kỳ về tiến độ thực hiện dự án, sử dụng nguồn vốn và các tác động môi trường, xã hội thực tế. Báo cáo nên được xác minh bởi bên thứ ba độc lập để đảm bảo tính trung thực và minh bạch”, ông Minh nhấn mạnh.