Khi hàng đã thẳng, lối đã thông…

(DNTO) - Tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 12 diễn ra sáng 18/7, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khái quát tinh thần thời đại bằng một hình ảnh đầy biểu tượng, từ “vừa chạy vừa xếp hàng” sang “hàng thẳng, lối thông, đồng lòng cùng tiến”. Câu nói không chỉ thể hiện nhãn quan chính trị sắc bén, mà còn đánh dấu bước ngoặt trong công cuộc xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy và hệ thống chính trị nước ta.
Giai đoạn “vừa chạy, vừa xếp hàng”: Một chiến lược thực tiễn trong cải cách thể chế
Khái niệm “vừa chạy vừa xếp hàng” từng được sử dụng như một hình ảnh ẩn dụ gần gũi, phản ánh tinh thần quyết đoán và linh hoạt của Đảng, Nhà nước ta trong tổ chức thực hiện các chủ trương lớn về đổi mới hệ thống chính trị và tổ chức bộ máy. Tinh thần ấy đặc biệt thể hiện rõ kể từ khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Nghị quyết 18 là cột mốc quan trọng trong tiến trình cải cách thể chế của nước ta. Lần đầu tiên, Đảng đặt ra yêu cầu cải tổ toàn diện tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị. Trong bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng, yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đặt ra sức ép rất lớn lên bộ máy hành chính công vốn còn cồng kềnh, chồng chéo, hiệu quả chưa cao.
Tuy nhiên, Nghị quyết được ban hành trong điều kiện thực tiễn chưa đồng bộ. Hệ thống thể chế vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Một số quy định pháp luật chưa được sửa đổi kịp thời để tương thích với các yêu cầu đổi mới. Tổ chức bộ máy ở nhiều nơi vừa thiếu tính linh hoạt vừa thiếu nhân lực chất lượng cao. Trong khi đó, đòi hỏi từ thực tiễn lại rất cấp thiết, không cho phép chờ đợi thêm.
Chính trong hoàn cảnh đó, Trung ương đã lựa chọn một hướng đi mang tính đột phá: Vừa triển khai, vừa thử nghiệm, vừa tổng kết - tức là “vừa chạy vừa xếp hàng”. Đây là phương thức hành động phù hợp với đặc điểm của một quốc gia đang chuyển giai đoạn - từ mô hình quản lý truyền thống sang mô hình quản trị hiện đại, từ bộ máy hành chính nặng về mệnh lệnh sang phục vụ và dẫn dắt phát triển.
“Vừa chạy vừa xếp hàng” là biểu hiện sinh động của một quá trình cải cách không giáo điều, không cầu toàn, biết chấp nhận thực tế và chủ động thích ứng. Thay vì đợi đủ mô hình lý tưởng, Đảng ta đã chỉ đạo triển khai từng bước, từng phần, từng địa bàn, để từ thực tiễn điều chỉnh dần thể chế, từ hành động thực tế mà khẳng định hiệu quả.
Từ việc hợp nhất các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện; thí điểm mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện; tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đạt tiêu chuẩn theo quy định; sắp xếp lại các ban, ngành có chức năng tương đồng… tất cả đều diễn ra trong trạng thái “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”, với tinh thần quyết liệt, khẩn trương nhưng thận trọng.
Giai đoạn ấy đòi hỏi bản lĩnh chính trị rất cao của Đảng và người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền. Đòi hỏi sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Quan trọng hơn, nó đòi hỏi sự chia sẻ, ủng hộ và niềm tin của Nhân dân vào quyết tâm đổi mới của Đảng.
Với tư duy “dám làm trước, điều chỉnh sau”, Việt Nam đã khẳng định được một mô hình cải cách thể chế phù hợp với đặc thù quốc gia, không rập khuôn máy móc, cũng không mạo hiểm thiếu kiểm soát. Mô hình đó giờ đây đang bước sang giai đoạn vận hành ổn định, tạo tiền đề cho sự phát triển đột phá, đồng bộ và hiệu quả trong thời kỳ mới.

Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 12, khóa XIII. Nguồn: VGP.
Bước chuyển sang “hàng thẳng, lối thông”: Thành quả của sự lãnh đạo kiên định và hành động nhất quán
Sau gần 7 năm triển khai Nghị quyết 18, đặc biệt trong giai đoạn “tăng tốc” từ cuối năm 2024 đến nay, cùng nhiều chủ trương đổi mới đồng bộ trong hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước, đến nay, có thể khẳng định: giai đoạn “vừa chạy vừa xếp hàng” về cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử. Mô hình tổ chức đã được định hình, cơ cấu bộ máy đã tinh gọn hơn, phương thức lãnh đạo, điều hành có chuyển biến tích cực, và quan trọng nhất, là niềm tin vào đổi mới đã lan tỏa sâu rộng trong toàn hệ thống và toàn xã hội.
Thời điểm ngày 1/7/2025 - chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại 34 tỉnh, thành phố không chỉ là một mốc hành chính, mà là mốc đánh dấu sự chuyển giai đoạn: từ cải cách sang vận hành; từ tổ chức sang phát huy hiệu lực; từ thiết kế cơ cấu sang quản trị phát triển.
Chính trong bối cảnh đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu lên một hình ảnh giàu tính biểu tượng: “Hàng thẳng, lối thông, đồng lòng cùng tiến”. Đây không đơn thuần là một cách nói tu từ, mà là một chỉ dấu rõ ràng về yêu cầu vận hành một nền quản trị quốc gia hiện đại, thống nhất và hiệu quả trong giai đoạn phát triển mới.
“Hàng thẳng” là biểu hiện của kỷ luật, của sự đồng bộ trong tổ chức - nơi từng mắt xích của hệ thống phải được bố trí hợp lý, đúng vị trí, đúng năng lực và đúng nhiệm vụ. Không còn chỗ cho lỏng lẻo, chồng chéo hay đùn đẩy trách nhiệm. Trong một hệ thống hàng thẳng, mỗi cán bộ, mỗi đơn vị đều có vị trí cụ thể, có chức năng rõ ràng và không ai đứng ngoài guồng máy vận hành đất nước.
“Lối thông” là biểu trưng của thể chế khai phóng - khi hành lang pháp lý đã dần hoàn chỉnh, các chướng ngại thủ tục được tháo gỡ, các điểm nghẽn thể chế được xử lý, để từ đó, dòng chảy phát triển được lưu thông thông suốt. Đó là kết quả của quá trình rà soát, sửa đổi, ban hành và đồng bộ hóa hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian qua - từ đất đai, quy hoạch, đầu tư công đến tổ chức bộ máy, cải cách hành chính.
“Đồng lòng cùng tiến” không chỉ là đoàn kết trong nội bộ Đảng, giữa các cấp chính quyền, mà còn là sự thống nhất cao giữa ý Đảng và lòng dân. Đó là sự huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, của doanh nghiệp, nhân sĩ trí thức, công nhân, nông dân, thanh niên - tất cả cùng hướng về mục tiêu chung: phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Trong bối cảnh hệ thống chính trị nước ta đang dần hoàn thiện về thiết chế và tổ chức, yêu cầu đặt ra hiện nay là chuyển toàn bộ hệ thống sang trạng thái hành động đồng bộ, kỷ cương, chuyên nghiệp và hiệu quả. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cơ quan công quyền không thể hành xử tùy tiện, trì trệ, mà phải nhập cuộc với tâm thế chủ động, tư duy đổi mới và tinh thần phụng sự nhân dân.

Tổng Bí thư Tô Lam phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 12, khóa XIII. Nguồn: VGP.
Trạng thái mới đòi hỏi trách nhiệm mới, hành động mới
“Hàng thẳng, lối thông, đồng lòng cùng tiến” không chỉ là biểu tượng kết thúc một giai đoạn cải cách bộ máy, mà còn là lời hiệu triệu khởi đầu cho một giai đoạn phát triển cao hơn - nơi chất lượng quản trị quốc gia, năng lực thực thi chính sách và hiệu quả phục vụ người dân trở thành thước đo quan trọng nhất.
Ở trạng thái mới, không thể để tình trạng “trên thông, dưới tắc”, “trung ương rõ, địa phương lúng túng”, hoặc “chủ trương đúng, triển khai chậm”. Mọi cấp, mọi ngành phải thực sự là một mắt xích vững vàng trong cỗ máy vận hành đồng bộ. Mỗi hành động, mỗi chính sách cần được dẫn dắt bởi tinh thần đổi mới, gắn với kết quả thực chất, có thể đo lường, giám sát và đánh giá công khai.
Việc Hội nghị Trung ương 12 được tổ chức sớm hơn gần 3 tháng không phải ngẫu nhiên. Đó là biểu hiện rõ ràng của tinh thần chủ động, của trách nhiệm chính trị rất cao từ Trung ương trong việc xác lập nền tảng vững chắc cho Đại hội XIV và chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn tới; đồng thời cũng là lúc toàn bộ hệ thống chính trị cần bước vào “trạng thái hành động mới”, theo đúng tinh thần đã được Tổng Bí thư chỉ đạo: “Phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Không để bất kỳ lợi ích cục bộ, cảm tính cá nhân hay nể nang, né tránh làm ảnh hưởng tới chất lượng quyết sách”.
Từ hình ảnh “vừa chạy vừa xếp hàng” đến trạng thái “hàng thẳng, lối thông, đồng lòng cùng tiến” là hành trình của một hệ thống chính trị đang từng bước chuyển hóa từ thể chế vận hành truyền thống sang mô hình quản trị hiện đại, từ kiện toàn tổ chức bộ máy sang vận hành hiệu quả, từ xử lý tình huống sang dẫn dắt chiến lược. Và đó cũng là lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, thịnh vượng của đất nước, bằng thể chế vững vàng, bằng đội ngũ tinh nhuệ, bằng sự đoàn kết và bằng khát vọng lớn lao của toàn dân tộc về một nước Việt Nam hùng cường, thịnh trị, vì hạnh phúc của Nhân dân.