Doanh nghiệp Việt vẫn ít ‘xanh’
(DNTO) - Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu “đổi mới xanh” trong việc sử dụng nguyên liệu đầu vào, áp dụng quy trình tuần hoàn, còn số doanh nghiệp đổi mới công nghệ xanh chưa nhiều.
Đã "xanh" nhưng chưa đáng kể
Chia sẻ trong buổi công bố Báo cáo nghiên cứu “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam” ngày 26/7, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết sau cam kết Net Zero của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26, khái nhiệm chuyển đổi xanh được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp có thể bao gồm đổi mới thiết bị, quy trình sản xuất hàng hóa thân thiện hơn với môi trường, giảm khí thải nhà kính, tăng khả năng tái chế các sản phẩm hoặc tận dụng các vật liệu tái chế, sử dụng tài nguyên và năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Ông Cương cho biết qua quá trình làm việc với hàng chục doanh nghiệp tại 6 tỉnh thành phố, các cơ quan từ trung ương tới địa phương, nhóm nghiên cứu nhận thấy việc đổi mới sáng tạo xanh ở Việt Nam bước đầu được doanh nghiệp quan tâm.
Cụ thể, nhiều doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, hàng tiêu dùng, xử lý chất thải, năng lượng, chế biến thực phẩm... đã nhanh chóng chuyển đổi xanh để bắt kịp với sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng, đặc biệt các yêu cầu của thị trường quốc tế.
“Nhiều mô hình kinh tế thân thiện môi trường được đẩy mạnh áp dụng như kinh tế dưới tán rừng, kinh tế tuần hoàn, du lịch tái tạo, du lịch sinh thái, nông nghiệp xanh, giao thông xanh... cũng như thông qua thực hành ESG (đáp ứng tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị)”, ông Cương nhấn mạnh.
Tuy vậy, theo TS Nguyễn Thị Luyến, đại diện nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam chủ yếu “đổi mới xanh” trong việc sử dụng nguyên liệu đầu vào tại các doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, thực phẩm; hay áp dụng quy trình tuần hoàn như các doanh nghiệp nông lâm thủy sản. Còn số lượng doanh nghiệp có hoạt động ứng dụng và cập nhật công nghệ xanh còn khá thấp.
“Chủ yếu doanh nghiệp dừng ở việc điều chỉnh sản phẩm hiện có cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng hay điều kiện của địa phương. Các sáng kiến cải tiến kĩ thuật chủ yếu hướng tới khắc phục lỗi kĩ thuật hay cải tiến hệ thống sản xuất hiện có. Do vậy, các sản phẩm sản xuất ra có giá trị gia tăng không cao, sản phẩm tuy mới với doanh nghiệp nhưng ít mới với thị trường”, bà Luyến nói.
Đừng chỉ tập trung vào các doanh nghiệp khởi nghiệp
Để thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi xanh, đã có nhiều cơ chế, chính sách được đưa ra. Nổi bật là chính sách tài chính như ưu đãi, hỗ trợ về thuế phí đã góp phần thu hút nhiều nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, đặc biệt từ các doanh nghiệp, tập đoàn, các tổ chức quốc tế. Các nhóm giải pháp khác như hỗ trợ kỹ thuật, truyền thông, xúc tiến thương mại... đã khuyến khích nhiều doanh nghiệp đổi mới sáng tạo xanh.
Tuy vậy, theo TS. Tô Hoài Nam Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), hệ thống giải pháp, chính sách liên quan đến thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng tạo xanh vẫn chưa thực sự đồng bộ, nhất quán, thậm chí một số chính sách còn chậm được hướng dẫn và vẫn còn những khoảng trống pháp lý.
“Ví dụ hiện nay các văn bản pháp lý vẫn chưa đưa ra khái niệm, tiêu chí xác định thế nào là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo xanh. Hay các chính sách hỗ trợ vẫn chủ yếu là các chương trình tập huấn và đào tạo. Trong khi đó doanh nghiệp có nhu cầu lớn về hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, tài chính và kết nối chuỗi cung ứng”, ông Nam nói.
Đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Thị Luyến cho biết đã có một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất sản phẩm, dịch vụ xanh, tuy nhiên vẫn chưa thực sự tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp thay đổi dây chuyền công nghệ để tạo ra những chuyển biến đáng kể về và quy trình sản xuất.
“Các địa phương chủ yếu tập trung thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp chứ chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo tại chính các doanh nghiệp đang hoạt động”, bà Luyến nêu vấn đề.
Chưa kể, tín dụng xanh ở Việt Nam còn hạn chế, việc phát triển thị trường tài chính xanh còn nhiều khó khăn như thiếu vắng các bên tham gia cũng như nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu xanh. Vì vậy số lượng doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn xanh còn ít.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng trước mắt cần có quy định, bộ tiêu chí cụ thể hơn để xác định doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo xanh. Điều này là cơ sở xây dựng chính sách hỗ trợ cũng như tạo thuận lợi cho việc giải ngân tín dụng xanh. Về lâu dài, cần hoàn thiện hành lang pháp lý và hệ thống hỗ trợ toàn diện với các chính sách về thuế, tài chính, thị trường, đào tạo, nghiên cứu phát triển... để doanh nghiệp tự thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).
“Cùng với việc thúc đẩy phong trào khởi nghiệp như hiện nay, các bên cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng tạo xanh ngay trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tập trung vào các chính sách hỗ trợ hoạt động R&D, nâng cao trình độ và khả năng ứng dụng khoa học công nghệ trong các doanh nghiệp. Đây mới là cách hiệu quả để thúc đẩy doanh nghiệp tăng trưởng nhanh chóng dựa trên những ý tưởng và sáng kiến mới”, nhóm nghiên cứu CIEM khuyến nghị.