Mệnh lệnh ESG và những cuộc cải tổ sống - còn ở doanh nghiệp
(DNTO) - Năm 2024, yêu cầu phát triển bền vững đang đặt các doanh nghiệp trước lựa chọn sống còn: hoặc là thay đổi theo hướng xanh hơn, hoặc là phải rời khỏi thị trường.
Làn sóng xanh đổ dồn vào doanh nghiệp
“Nếu là gạo chúng tôi sẽ chọn gạo hữu cơ, nếu là nhựa chúng tôi sẽ chọn nhựa sinh học”, ông Nguyễn Hữu Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty TNHH Danelon (Droppii), một nền tảng thương mại điện tử nói về việc chọn các sản phẩm hàng hóa lên sàn của mình.
Droppii hiện có hơn 65.000 người bán hàng trực tuyến với năng lực phân phối hơn 135.000 SKU (đơn vị lưu kho) mỗi tháng. Sàn này cho biết yêu cầu ngày càng cao của đối tác, thị trường và khách hàng với vấn đề sản phẩm xanh, sạch... buộc các nhà bán hàng cũng khắt khe hơn trong việc lựa chọn nhà cung cấp.
Điều này đặt các nhà sản xuất vào lựa chọn phải chuyển hướng đầu tư công nghệ, thay đổi quy trình sản xuất, nghiên cứu sản phẩm mới, thân thiện với môi trường để được các nhà phân phối chấp nhận hoặc là bị từ chối.
“Hiện các sản phẩm nước lau sàn, rửa chén trên sàn tất cả đều là sản phẩm sinh học”, ông Sơn cho biết.
Năm 2024, từ châu Âu, Mỹ cho tới các nước phát triển ở châu Á dự kiến sẽ tung ra những đạo luật khắt khe nhằm kiểm soát hàng hóa. Yếu tố ESG (môi trường – quản trị - xã hội) đang trở thành thước đo của khách hàng, đối tác, các nhà đầu tư khi lựa chọn mua hàng, hợp tác, đầu tư hay định giá một doanh nghiệp. Điều này buộc các doanh nghiệp phải cải tổ, thậm chí tiến tới cuộc “thay máu” để có thể ở lại thị trường.
Thực tế trong nhiều năm phát triển và chuyển đổi sang hướng phát triển bền vững, ông Nguyễn Lê Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc An Phát Holdings, Chủ tịch An Phát Xanh, nhận thấy các thông tin thị trường thường được đối tác cung cấp thường xuyên nhưng nhiều khi doanh nghiệp không thực sự lắng nghe khách hàng, kể cả khách ngoại để chuyển đổi cho phù hợp và kịp thời.
“Khách hàng nói chúng tôi không muốn sản phẩm này nữa vì chính sách châu Âu, Mỹ đang thay đổi và người tiêu dùng cũng thay đổi. Nhưng phía doanh nghiệp mình thường trả lời rằng tôi chỉ sản xuất sản phẩm này thôi, anh không mua thì tôi bán cho người khác.
Cách tư duy đó sẽ giết chết bản thân mình. Đó là lý do chúng tôi phải thay đổi hoàn toàn tư duy của người bán hàng, bộ phận bán hàng của An Phát Xanh rằng, khi khách hàng, thị trường có nhu cầu mới, thông tin đó phải được chuyển về phía ban lãnh đạo và chúng tôi sẽ quyết định có đầu tư nghiên cứu và sản xuất ngay lập tức hay không”, ông Long nói.
Đặt radar ở mọi ngóc ngách
An Phát có nhiều sản phẩm nhựa sinh học, trước chủ yếu xuất khẩu B2B, nhưng từ năm 2021 đã chuyển sang xuất khẩu sang Mỹ thông qua sàn Amazon, tức chuyển sang B2C, sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng cuối.
Trên gian hàng của mình, mỗi ngày doanh nghiệp đều nhận phản hồi, đánh giá của khách hàng. Người Mỹ rất khó tính, sản phẩm chỉ cần sai sót nhỏ họ sẵn sàng đánh giá 1 sao. Nhiệm vụ của doanh nghiệp là không để điều đó xảy ra.
“Mỗi lần họ đánh giá 1 sao, chúng tôi phải tìm cách thuyết phục khách hàng rằng doanh nghiệp sẽ gửi sản phẩm khác tốt hơn và hãy đánh giá lại cho chúng tôi. Hàng tuần, hàng tháng chúng tôi phải kết nối tất cả những đánh giá đó, làm tiền đề để R&D, nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm của mình hơn. Đó là lý do giúp chúng tôi chuyển đổi sang sản phẩm cao hơn”, ông Long nói.
Kinh tế nhiều biến động, thị trường cũng biến động không ngừng, với nhiều chính sách mới được các Chính phủ liên tục tung ra để đảm bảo ổn định thị trường và bảo vệ người tiêu dùng ở mức cao hơn. Điều này buộc các doanh nghiệp luôn phải theo sát từng nhịp đập của thị trường để có ứng phó và chuyển dịch phù hợp.
“Nếu ngay ngày hôm nay, chúng ta muốn xuất khẩu hàng qua châu Âu, chắc chắn phải biết đến CBAM hay 2 đạo luật cạnh tranh sạch của Mỹ sắp tới sẽ được thông qua, 1 đạo luật Canada và thoả thuận giữa Nhật Bản và Việt Nam đã kí”, ông Phạm Đăng An, Phó Tổng Giám đốc Vũ Phong Energy group, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhấn mạnh.
Vị này cho biết câu chuyện sản xuất xanh hơn đang trở thành câu chuyện toàn cầu, không chỉ là câu chuyện của những khách hàng lớn mà cả doanh nghiệp nhỏ. Vị này khuyến nghị 3 chữ P mà doanh nghiệp cần lưu tâm:
Public Sector (Khu vực công): Các Chính phủ của các thị trường xuất khẩu đang có những chính sách gì. Ngay cả Việt Nam cũng đang có những cam kết mạnh mẽ về việc đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Các nước sẽ nhìn Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam xem họ có hành động gì để thực hiện cam kết đó.
Private Sector (Khu vực tư nhân): Các công ty đang có hành động gì để gì để có đơn hàng. Nhu cầu thị trường tiêu thụ đang giảm trong khi yêu cầu cao hơn với sản phẩm dịch vụ, doanh nghiệp phải thay đổi gì để cạnh tranh.
People (Cá nhân và cộng đồng) họ đang tập trung vào những vấn đề gì và có những hành động cụ thể gì đang thay đổi.