Bất ngờ với cách các tập đoàn lớn chuyển từ ‘nâu’ sang ‘xanh’
(DNTO) - Có doanh nghiệp lựa chọn đổi mới công nghệ, có doanh nghiệp xanh hoá năng lượng... Họ đang tìm mọi cách để “đổi màu” cho chính mình vì không muốn bị thị trường quay lưng.
Bắt đầu Net Zero từ năng lượng
Chiếm khoảng 17% tổng lượng khí thải cả nước, ngành thép thường mang tiếng xấu về phát thải carbon ra môi trường. Từ 1/10 năm nay, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU chính thức bước vào giai đoạn chuyển tiếp. Sắt thép là một trong 6 ngành hàng đầu tiên chịu tác động của CBAM trong giai đoạn đầu. Vì vậy, doanh nghiệp thép ở Việt Nam đang “chạy nước rút” để chuyển đổi, nếu không muốn mất đơn hàng triệu tấn từ EU.
Bà Lâm Tố Trinh, Phó Tổng Giám đốc Sáng tạo đổi mới và Phát triển kinh doanh, NS BlueScope Việt Nam cho biết lộ trình của tập đoàn là giảm phát thải carbon 12% vào năm 2020 và đến 2030 là giảm 30%.
“Sản xuất thép ở Úc phần nguyên liệu đầu vào phát thải rất lớn nên việc giảm 12% và 30% là con số rất lớn. Còn tại Việt Nam chỉ làm giải pháp thép nên chúng tôi đặt tham vọng lớn hơn là 50% đến 2030”, bà Trinh nói.
Theo vị này, giảm phát thải không dễ nhưng không tốn quá nhiều chi phí như mọi người vẫn nghĩ. Tại NS BlueScope Việt Nam, họ bắt đầu từ những việc nhỏ. Từ năm 2018, từ sáng kiến rất nhỏ của đội ngũ vận hành là làm sao giảm năng lượng ở các khâu, sau đó đến ý tưởng làm công trình xanh ở nhà xưởng tại Khu Công nghiệp Phú Mỹ 1.
Nhà máy thép làm công trình xanh rất khó vì tiêu hao rất nhiều điện. Tuy nhiên, kế hoạch xanh hoá nhà máy bị phá sản, tập đoàn phải chuyển sang hướng làm công trình xanh ở khối văn phòng. Ngoài ra, giảm tiêu hao năng lượng ở tất cả các quy trình chạy dây chuyền, nơi ngốn khá nhiều năng lượng. Tới năm 2023 tập đoàn này đã giảm tới 20% tổng tiêu thụ năng lượng.
“Muốn hướng đến nhưng không làm gì hết thì không bao giờ đạt được. Khi mình không làm được việc lớn thì mình chia nhỏ từng việc, đi từng chút để hướng đến việc lớn.
Tập đoàn Lego hiện là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam đặt mục tiêu Net Zero carbon. Mọi người thường nói Lego là doanh nghiệp lớn, họ có tiền nên mới làm được như vậy. Với doanh nghiệp nhỏ nếu chưa thể Net Zero carbon thì có thể bắt đầu với việc Net Zero trong năng lượng tiêu thụ ở các công trình, dây chuyền sản xuất, cũng là bước nhỏ mà chúng ta có thể làm được”, bà Trinh gợi ý.
Công nghệ và văn hoá kiểu gia đình
Với An Phát, 20 năm làm trong ngành nhựa, đại diện tập đoàn nhận thấy đây là xu hướng downtrend cho những ngành nhựa ít công nghệ nhưng lại là uptrend cho nhựa công nghệ cao. Tổng lượng nhựa thế giới vẫn tăng vì đó là xu thế phát triển. Nhưng trong sự phát triển đó loại bỏ dần sản phẩm không thân thiện môi trường.
“Ban đầu, An Phát đi theo hướng downtrend, tức ngành nhựa ảnh hưởng môi trường. Khi xuất khẩu sang các nước phát triển, chúng tôi thấy rằng họ đi từ rất lâu, từ 15-20 năm trước họ đã nói về điều này và bắt đầu cấm sản phẩm nhựa dùng một lần. Điều đó giúp chúng tôi nhận ra phải đầu tư công nghệ để đi theo hướng uptrend mới phát triển bền vững”, ông Nguyễn Lê Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc An Phát Holdings, Chủ tịch An Phát Xanh cho biết.
Trong 10 năm qua, An Phát tập trung nhiều vào phát triển công nghệ để làm chủ sản phẩm nhựa công nghệ cao. Tập đoàn này cho biết trong ngành sản xuất, để phát triển bền vững phải phát triển văn hoá doanh nghiệp. Những người công nhân gắn bó với công ty 10-20 năm, tích luỹ kiến thức và năng lực sản xuất, họ mới là nền móng của doanh nghiệp phát triển bền vững.
“Trong ESG (bộ tiêu chí phát triển bền vững) chúng tôi quan tâm chỉ số từ 1-5 để người công nhân không bao giờ rơi vào tình cảnh đói, nghèo. Chúng tôi quan tâm đến bình đẳng giới vì đây là yếu tố các khách hàng nước ngoài rất quan tâm. Điều đó thúc đẩy An Phát xây dựng môi trường xanh và thu hút người lao động”, ông Long nói.
Tập đoàn phát triển một văn hoá đặc thù dựa trên gia đình, những người quản lý phải coi những người nhân viên của mình như thành viên trong gia đình.
“Tức nhân viên làm sai không thể đổ lỗi cho người ta, đuổi người ta được. Mình phải giữ lại, tìm mọi cách như làm gương, giáo dục, giúp đỡ để người ta cải thiện và gắn bó với mình. Điều đó lại quay lại câu chuyện giữ người công nhân ở với mình càng lâu càng tốt. Khi họ phát triển lên, doanh nghiệp cũng làm ra sản phẩm công nghệ cao hơn.