Hàng nghìn tỷ USD và lựa chọn được - mất hàng tỷ USD của các nền kinh tế
(DNTO) - Các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh... đang giúp nền kinh tế toàn cầu kiếm thêm hàng nghìn tỷ USD, nhưng cũng là nơi thất thoát rất lớn nếu các quốc gia chậm chuyển dịch.
Ngăn 'chảy máu' hàng nghìn tỷ USD
Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam (Vietnam New Economy 2023) hôm 6/10, ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn lại cảnh báo của Ngân hàng Thế giới về một "thập kỷ mất mát" khiến nghèo đói nhiều hơn do suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Do đó, trước những biến động không ngừng của kinh tế, chính trị thế giới, cùng các thách thức biến đổi khí hậu gia tăng, thì các mục tiêu phát triển bền vững SDGs ngày càng được quan tâm hơn bao giờ hết. Điều này buộc các quốc gia phải tăng tốc đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã và đang chứng minh khả năng chống chọi với những biến động.
Ông Phương dẫn chứng, tại Mỹ, kinh tế xanh đã tạo việc làm cho 9,5 triệu lao động, đóng góp trên 7% GDP, tương đương 1,3 nghìn tỷ USD/năm.
Tương tự ở các nước OECD, con số tương ứng là 17,5 triệu lao động và 12% GDP, tương đương 2,9 nghìn tỷ USD/năm.
Với Việt Nam, nền kinh tế số có trị giá khoảng 21 tỷ USD, cao gấp 7 lần so với năm 2015 và có thể đạt 220 tỷ USD vào năm 2030, đứng thứ hai trong khu vực chỉ sau Indonesia.
Bà Trần Thuý Ngọc, Phó Tổng Giám đốc thường trực, Deloitte Việt Nam cũng cho biết, các nghiên cứu của Deloitte đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung cho thấy đây là khu vực tốt cho phát triển kinh tế.
Nhưng nếu không phát triển kinh tế theo hướng “xanh”, phát triển bền vững, số tiền châu Á – Thái Bình Dương mất đi tới năm 2070 là 96 nghìn tỷ USD. Ngược lại, nếu phát triển kinh tế xanh, doanh thu đạt được sẽ là 45 nghìn tỷ USD. Với Đông Nam Á, con số mất đi vì không “xanh” là 28 nghìn tỷ USD, ngược lại, nếu làm kinh tế xanh sẽ thu lợi 12 nghìn tỷ USD.
“Nền kinh tế chia sẻ như Airbnb không sở hữu toà nhà nào nhưng có nền tảng giám sát toàn bộ nhà cho thuê. Kinh tế chia sẻ quay ngược lại làm gia tăng lợi ích cho người tham gia và giảm lượng carbon thải ra môi trường”, bà Ngọc nói.
Cũng theo nghiên cứu của Deloitte, tăng trưởng kinh tế xanh khu vực trong vài năm tới sẽ thay đổi. Cụ thể trong lĩnh vực vận tải có tốc độ tăng trưởng cao nhất 40%, du lịch 37%, tài chính 13-34%, thương mại điện tử 17%, truyền thông online 15%, thực phẩm 15%.
“Nếu chúng ta không tham gia vào thì chúng ta sẽ mất, bởi những nước ngay trong khu vực đã làm và chiếm lĩnh thị trường chứ không phải đợi ta không làm mới nhảy vào”, bà Ngọc nói.
Doanh nghiệp sẵn sàng nhưng cơ chế chưa mở
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Shinec, Chủ đầu tư Khu Công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền, cho biết hiện doanh nghiệp đã xây dựng được hệ kinh tế tuần hoàn cho ngành thép, nhựa và điện điện tử. Nhưng để phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn rất khó vì liên quan đến nhiều luật như Luật Đất đai, Luật Môi trường, Luật thuế, Luật Quy hoạch...
Nam Cầu Kiền hiện tạm gọi hành trình của mình là thành công, một phần nhờ chính sách. Đó là Luật Môi trường 2020, có một định nghĩa được xem là “đinh” của sự phát triển kinh tế tuần hoàn, đó là nhận định rác thải là tài nguyên. Nhưng để tiến tới giảm thiểu carbon, doanh nghiệp vẫn chờ thêm chính sách về năng lượng.
“Chúng tôi đang mong chờ chính sách về năng lượng tái tạo để giải quyết bài toán tiết kiệm năng lượng và đạt được Net Zero sớm nhất. Theo tính toán, doanh nghiệp có thể sản xuất từ 4-5 MGW điện, một sản lượng tương đối lớn”, ông Điệp nói.
Hay như Grab, một điển hình của nền kinh tế chia sẻ, cũng mong muốn Việt Nam cần tạo điều kiện tối đa cho đổi mới sáng tạo để những ý tưởng mới, mô hình mới nhanh chóng triển khai.
Bà Đặng Thuỳ Trang, Giám đốc Đối ngoại, Grab Việt Nam cho biết, giai đoạn đầu tiên khi Grab triển khai thí điểm tại Việt Nam, lúc đó Bộ Giao thông cân nhắc thay đổi điều kiện kinh doanh ngành giao thông cho phù hợp với loại hình mới như Uber, Grab, tuy nhiên quy trình phân tích, đánh giá các tác động mất khá nhiều thời gian. Thời gian gần đây, những trao đổi đó chưa dừng lại, gián tiếp ảnh hưởng tới sự bứt phá nhanh của mô hình mới.
“Ví dụ Grab mong muốn phát triển dịch vụ chia sẻ chuyến xe, tức trên cùng 1 quãng đường, tài xế có thể đón thêm nhiều khách hàng. Điều này giúp tài xế tăng thu nhập, giảm phát thải, hành khách giảm chi phí. Nhưng hiện quy định về giao thông vận tải đường bộ yêu cầu trên mỗi chuyến xe hợp đồng điện tử, chỉ có 1 hành khách được duy trì, tức chỉ được 1 người trên 1 chuyến xe. Như vậy rõ ràng những mô hình mới chưa thể phát triển”, bà Trang nói.
Với các doanh nghiệp hiện nay, công nghệ là cơ hội kinh doanh mới. Do vậy, bất kì mọi hoạt động kinh doanh tại FPT đều nghĩ đến kinh doanh trên nền tảng số đầu tiên. Nhưng đây cũng là sức ép của doanh nghiệp khi đứng trước cuộc chạy đua khốc liệt với các đối thủ. “Với doanh nghiệp số như FPT, chúng tôi luôn có sức ép về tăng trưởng rất lớn nên có mong muốn chính sách được áp dụng nhanh hơn”, ông Vũ Anh Tú, Giám đốc công nghệ, Tập đoàn FPT nói.
Việt Nam đã nhận thức được việc cần thiết phát triển các mô hình kinh doanh mới. Do vậy nhiều chiến lược nhằm thúc đẩy các mô hình kinh tế mới đã được ban hành trong thời gian gần đây.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết ưu tiên đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là điều kiện tiên quyết để triển khai thực hiện thành công các mô hình kinh tế mới. Đặc biệt, để các mô hình kinh tế mới phát triển cần có sự phối hợp của tất cả các bên liên quan. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, tạo lập khung khổ thể chế chính sách, hỗ trợ ban đầu. Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong, cốt lõi, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, các startup thành công.