'Mục tiêu tăng trưởng 6,5% là ngoài tầm tay'
(DNTO) - Đó là nhận định của PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân tại toạ đàm "Định vị chiến lược đầu tư trước ngưỡng cửa năm Rồng" do MBS tổ chức.
Khó hoàn thành được kế hoạch tăng trưởng
Hiện tổng cầu nền kinh tế trong nước vẫn yếu, chính sách tiền tệ lại chịu nhiều sức ép, lạm phát tổng thể có dấu hiệu quay đầu trở lại... Mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho năm 2023 có nhiều thách thức.
Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là kết thúc năm 2023, nhìn về kết quả đã làm được trong các quý vừa qua, có thể thấy nền kinh tế còn nhiều trở ngại.
"Mục tiêu tăng trưởng 6,5% là ngoài tầm tay", PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân nhận định trong toạ đàm "Định vị chiến lược đầu tư trước ngưỡng cửa năm Rồng" do MBS tổ chức.
"Mục tiêu này không khả thi trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế hiện nay, do đó, cần xác định đây là mục tiêu phấn đấu hơn là mục tiêu đạt được và không nên quá nặng nề về mục tiêu này", ông Phạm Thế Anh cho biết.
Hiện tại, tổng cầu của nền kinh tế tăng chậm, tiêu dùng trong nước giảm chủ yếu được đỡ bởi ngành du lịch, nhất là khách nước ngoài nhưng các tháng cuối năm chưa có đột phá. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu đến từ giải ngân đầu tư công, FDI...
Trong đó giải ngân đầu tư công, theo nhận định của ông Phạm Thế Anh, khả năng sẽ đạt tỷ lệ giải ngân chỉ khoảng 70-80%. Dù vậy, theo ông: "Tỷ lệ này đã rất tốt và giúp tăng trưởng quý 4 cải thiện rõ rệt". Dòng vốn FDI vẫn nằm nhiều ở kỳ vọng và hiện chưa có nhiều đột phá.
Ngoài ra còn phải kể đến như tăng trưởng tín dụng yếu, lạm phát tổng thể có dấu hiệu quay đầu lại, sức ép của tỷ giá...
Trên thế giới, giá nhiên liệu, giá lương thực tăng. Các tín hiệu tích cực từ các ngành xuất khẩu hay chế biến chế tạo chỉ mang tính tạm thời do vào giai đoạn cuối năm và cần thời gian quan sát thêm.
Tất cả đang khiến Việt Nam khó hoàn thành được kế hoạch tăng trưởng đã đề ra hồi đầu năm.
Dù vậy, để ổn định đồng nội tệ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhà điều hành sẽ đặt mục tiêu duy trì chính sách tiền tệ ổn định song song với việc kiểm soát lạm phát.
"Cho hết năm nay, chính sách tiền tệ chưa thể quay đầu khi nền kinh tế còn khó khăn", ông Phạm Thế Anh nhận định.
Với việc Ngân hàng Nhà nước hút mạnh tiền qua kênh tín phiếu giai đoạn vừa qua, theo ông , đó là sự can thiệp bình thường với mục tiêu ưu tiên mặt bằng lãi suất và tỷ giá. Người dân sẽ phải làm quen với việc biến động tỷ giá chứ không cứng nhắc như trước đây.
Chờ kinh tế thế giới?
Nếu kinh tế thế giới còn khó khăn thì nền kinh tế trong nước sẽ khó lòng hồi phục được. Cụ thể, nếu kinh tế thế giới khởi sắc thì mới có thể kéo theo ngành xuất khẩu trong nước cũng như dòng vốn FDI.
"Nếu xuất khẩu trong nước chưa tốt thì FDI sẽ quanh quẩn ở mức trung bình. Không nên kỳ vọng vào FDI nếu kinh tế thế giới chưa hồi phục", ông cho biết.
Hiện lạm phát tổng thể có dấu hiệu quay đầu trở lại. Lãi suất thực dương nếu hạ nữa sẽ khó, ngoài ra còn sức ép của tỷ giá. Chính sách tài khoá đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là đầu tư công.
"Nếu Chính phủ cố gắng tập trung đầu tư công, đẩy mạnh vào thị trường bất động sản phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở xã hội, khi đó sẽ giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt hơn", ông Phạm Thế Anh cho biết.