5 thành phố đang ‘gánh’ tăng trưởng kinh tế cả nước
(DNTO) - 8 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất công nghiệp của 5 thành phố này duy trì mức tăng trưởng cao hơn trung bình cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cũng chiếm 38,33% cả nước.
Sức kéo của các “đầu tàu” vẫn mạnh
Sáng 2/10 diễn ra Hội nghị ngành Công Thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VI/2023. Theo thông tin Bộ Công thương, dù kinh tế khó khăn nhưng 5 thành phố này luôn duy trì tăng trưởng công nghiệp và thương mại.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Cần Thơ tăng 3,27%; Hà Nội tăng 2,4%; Hải Phòng tăng 11,55%; TP.HCM tăng 2,8%; riêng Đà Nẵng giảm 1,99%.
Về thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của 5 thành phố chiếm 38,33%; kim ngạch xuất khẩu cũng chiếm tỷ trọng 24,8% của cả nước.
Có 3/5 thành phố nằm trong top 10 địa phương có kim ngạch thương mại và xuất khẩu lớn nhất cả nước. Cụ thể, tổng kim ngạch thương mại của TP.HCM là 63,4 tỷ USD (trong đó xuất khẩu 27,7 tỷ USD); Hà Nội là 34,33 tỷ USD (xuất khẩu 10,95 tỷ USD) và Hải Phòng 29,13 tỷ USD (xuất khẩu 15,59 tỷ USD).
Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng đánh giá, lĩnh vực công nghiệp và thương mại của 5 thành phố tiếp tục đóng vai trò chủ lực trong phát triển ngành công thương, cũng như phát triển kinh tế xã hội của địa phương và cả nước.
“Các thành phố thời gian qua đã tập trung, quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đơn giản các thủ tục hành chính, kết nối thương mại, kích cầu tiêu dùng... Nhờ đó, góp phần quan trọng để duy trì tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội đóng góp vào tăng trưởng GRDP cả nước, xứng đáng là các đầu tàu kinh tế của cả nước”, Thứ trưởng Thắng nhấn mạnh.
Năm 2024 là năm bứt phá
Mặc dù vậy nhưng theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, kinh tế thế giới và ngoài nước vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn ảnh hưởng chung đến ngành công thương. Lãi vay mặc dù đang giảm dần nhưng vẫn ở mức cao, doanh nghiệp khó tiếp cận. Giá xăng dầu, logistics, nguyên liệu tăng cao trong khi khả năng tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào, năng lực của doanh nghiệp còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi đó, tính liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp trong nước với các nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh còn lỏng lẻo.
Đồng tình với quan điểm ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển còn chậm, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết nguyên nhân là doanh nghiệp nội địa đang bị yếu thế so với các doanh nghiệp FDI trong chuỗi cung ứng, dẫn đến khó cạnh tranh. “Việc quy hoạch và triển khai quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ ở từng địa phương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là hết sức cần thiết”, ông Vũ nhấn mạnh.
Đại diện Sở Công thương Hà Nội cũng cho biết, thời gian qua, việc đầu tư phát triển hạ tầng ngành công thương đạt kết quả khả quan, tuy nhiên các dự án vẫn gặp vướng mắc liên quan đến cơ chế, do nhiều hạng mục chưa thống nhất trong các văn bản pháp lý.
Nói thêm về quan điểm này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, ngành công thương là lĩnh vực khó, mang tính chất liên ngành nên nếu muốn thúc đẩy công nghiệp, thương mại và xuất khẩu cần làm rõ các quy định pháp luật liên quan.
“Hiện còn nhiều quy định pháp luật trong lĩnh vực công thương chưa đầy đủ, thống nhất. Dẫn đến mỗi địa phương hiểu và làm theo cách khác nhau, ví dụ như trình tự thủ tục triển khai các khu, cụm công nghiệp. Do đó, chúng ta cần trao đổi để cùng thống nhất...”, ông Quyền nhấn mạnh.
Liên quan đến các hiệp định thương mại (FTA), đại diện các địa phương cho rằng Việt Nam đã ký kết 16 FTA với đa số các đối tác kinh tế lớn trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn chưa nhiều địa phương, doanh nghiệp hiểu sâu, hiểu rõ về FTA. Do vậy, Bộ Công thương cần tăng cường tập huấn, giúp các địa phương hiểu kỹ, đầy đủ về các FTA và cách thức xử lý các tình huống gặp phải.
“Phạm vi cam kết trong các FTA thế hệ mới ngày càng sâu rộng và bao trùm. Điều này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp. Vì vậy, Sở Công Thương địa phương với vai trò là cơ quan đầu mối triển khai các hiệp định, sẽ phối hợp các đơn vị hỗ trợ, tư vấn hiệu quả cho các doanh nghiệp. Đặc biệt là cách thức xử lý các vấn đề để giảm nguy cơ tranh chấp thương mại”, đại diện Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh năm 2024 là năm bứt phá trong thực hiện hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của các địa phương đề ra. Vì vậy, bên cạnh duy trì tăng trưởng, ngành công nghiệp của 5 thành phố cần nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu từ ngành sử dụng nhiều tài nguyên, ít hàm lượng gia tăng sang các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường với hàm lượng giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh duy trì thị trường truyền thống, 5 thành phố cũng cần mở đường sang thị trường mới như châu Phi, Nam Á,… Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường trong nước, cũng như các FTA, nhất là CPTPP hay EVFTA.
Cũng tại Hội nghị, 5 thành phố đặt bút ký vào một biên bản hợp tác trong giai đoạn tới. Trong đó nhấn mạnh đến việc mở rộng hợp tác toàn diện trong tất cả các lĩnh vực.