‘Lệnh xanh’ lan tới châu Á
(DNTO) - Không chỉ châu Âu, châu Mỹ, các yêu cầu xanh cũng ngày càng phổ biến ở phần còn lại của thế giới, buộc doanh nghiệp toàn cầu phải nhanh chóng thích ứng nếu không muốn bị đào thải.
Biến đổi khí hậu toàn cầu đã thúc ép các Chính phủ phải có nhiều nỗ lực hơn để giảm phát thải. Do đó, các cam kết quốc tế hiện nay không chỉ đơn thuần về biến đổi khí hậu, mà đã ràng buộc cả vấn đề kinh tế.
Điều này sẽ tác động trực tiếp đến Việt Nam, một quốc gia phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Ví dụ Dự Luật chống mất rừng và suy thoái rừng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu nhiều mặt hàng thế mạnh của ta như gỗ, thủ công mỹ nghệ, cà phê, chè, tiêu điều, cao su…Hay cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới CBAM của EU sẽ trực tiếp điều chỉnh và đánh thuế carbon các mặt hang như phân bón, xi măng, sắt, thép,…
Không chỉ tại châu Âu và châu Mỹ, các nước châu Á cũng đang nỗ lực để luật hoá chặt chẽ hơn các quy định liên quan đến môi trường.
Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Trưởng phòng Đông Nam Á, Vụ Thị trường châu Á, châu Phi - Bộ Công Thương cho biết các nước CPTPP khu vực châu Á cũng đang hướng đến phát triển xanh, phát triển bền vững. Do đó, xu hướng này cũng đang hình thành các luật chơi mới về thương mại.
Khu vực Đông Bắc Á: Nhật Bản, Úc, New Zealand… cũng là những nước đi đầu về bảo vệ môi trường. Nhật Bản thông qua Luật thúc đẩy mua sắm xanh, Úc đi đầu trong việc đưa ra biện pháp SPS (bảo vệ sức khoẻ hoặc tính mạng con người, động vật và thực vật). Gần đây Úc ban hành lệnh cấm sử dụng ống hút nhựa, ngoài ra là thắt chặt kiểm soát sản phẩm bao bì, nhãn mác.
Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore và Malaysia gần đây cũng thường xuyên ban hành tiêu chuẩn mới sản xuất xanh. Singapore họ có Nhãn xanh (Rreen Label Singapore), yêu cầu các công ty trong và ngoài nước chứng nhận xanh thực sự, tuân thủ ISO 14024 khi đánh giá bất kì sản phẩm nào. Hay bắt đầu từ năm 2017, Singapore áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 6.
“Các quy định, tiêu chuẩn về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường thời gian qua đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Tôi cho rằng thời gian tới bản thân các doanh nghiệp phải quan tâm, chú ý hơn, tập trung vào việc thay đổi sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường”, ông Dũng nhấn mạnh.
Do vậy có thể nói, xu thế tiêu dùng hàng hoá hay dịch vụ carbon thấp không thể đảo ngược. Không chỉ là xu hướng, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho biết phát triển bền vững đang trở thành sự lựa chọn bắt buộc trên quy mô toàn cầu.
Đây không chỉ là trách nhiệm bảo vệ môi trường sống mà còn bảo vệ môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Người lao động phải được làm việc trong môi trường đảm bảo. Vì vậy, các doanh nghiệp nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi cung ứng thì phải tuân thủ quy định của các nước đối tác và các cam kết của Việt Nam.
Theo ông Phong, tuân thủ các tiêu chí phát triển bền vững sẽ làm tăng chi phí doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp đang chú trọng phát triển bề rộng. Song nếu doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu thì không thể bán hàng, sản xuất có thể bị thu hẹp.
“Nguy cơ này là có thật, lớn hơn cả áp lực chi phí. Nó tạo ra sự sàng lọc để loại bỏ các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh tại các nước phát triển không bền vững. Những doanh nghiệp vượt qua rào cản này có khả năng trở thành chủ thể chuỗi cung ứng. Từ đó, hàng Việt cũng sẽ lấy chất lượng, giá trị bù cho số lượng và sản lượng”, ông Phong nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp có thể đi từng bước nhỏ trong quá trình chuyển đổi xanh. Với những doanh nghiệp sản xuất tiêu hao nhiều năng lượng, trước hết cần có lộ trình chuyển đổi sang nguồn năng lượng xanh như điện mặt trời, áp dụng các giải pháp, công nghệ để tiết kiệm năng lượng. Hoặc có thể nghiên cứu, kết hợp với đơn vị sản xuất bao bì xanh, thân thiện với môi trường để thay thế bao bì nilon, nhựa...Cuối cùng là tìm kiếm cách thức để chuyển đổi công nghệ trong sản xuất, vận tải nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
Theo quy định, từ 2025, doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ kiểm kê phát thải khí nhà kính. Bộ Công Thương cho biết sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn về kiểm kê khí nhà kính vào tháng 11 năm nay, đồng thời sẽ tích cực truyền thông, tập huấn cho doanh nghiệp liên quan tới nội dung này.