Xu hướng ‘Near sourcing’ giúp các ‘ông lớn’ sẽ càng lớn, doanh nghiệp nhỏ sẽ càng khó
(DNTO) - Xu hướng các nhà nhập khẩu ưu tiên cho các nhà cung cấp lớn, ở gần, là rất dễ xảy ra khi họ không muốn ràng buộc quá nhiều trách nhiệm tiêu chuẩn bền vững.
Không chỉ là vấn đề chính trị
Đại dịch Covid-19, bất ổn kinh tế - chính trị toàn cầu đã làm bộc lộ sự mong manh của chuỗi cung ứng. Đó là lý do các tập đoàn đa quốc gia đang dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ, hay còn gọi là xu hướng ‘Near sourcing’ để tránh rủi ro gián đoạn nguồn hàng. Nhưng, bên cạnh yếu tố chính trị, xu hướng ‘Near sourcing’ giờ đây còn bao hàm cả các yếu tố yêu cầu bền vững.
Tại Canada, thị trường có kim ngạch thương mại lên tới 7 tỷ USD với Việt Nam và là thị trường xuất khẩu quan trọng thứ 5 của ta (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), đang đi đầu trong xu hướng này.
Bà Tạ Thu Hà, Phó Trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, Khi Việt Nam gia nhập CPTPP, là Hiệp định tự do thế hệ mới, đặc biệt ở các nước như Mexico, Canada, ngày càng nhiều doanh nghiệp, tổ chức tìm đến cơ quan này để hỏi thông tin hoặc đề nghị hỗ trợ hợp tác. Đây là tín hiệu tích cực để giúp thương mại Việt Nam và Canada có thể cán mốc 10 tỷ USD.
“Hiện Canada đang thúc đẩy quan hệ hợp tác với một số nước trong khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam được đặt ưu tiên hàng đầu. Điều đó thúc đẩy tăng trưởng thương mại Việt Nam trong những năm tới”, bà Hà nói trong tọa đàm “Phát triển bền vững xuất khẩu hàng hoá sang thị trường CPTPP”, hôm 24/10.
Nhưng ngay từ năm 2015 khi cam kết CPTPP, Canada đã đưa ra mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm sản xuất nhiều hơn, tốt hơn, sử dụng ít tài nguyên hơn. Mục tiêu này cũng gắn tới vấn đề chuyển đổi năng lượng và phát triển nền kinh tế tuần hoàn nhằm giảm tác động về môi trường, bảo vệ môi trường sống, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân
Vì vậy, theo bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết xu hướng “Near sourcing” ngoài vấn đề an ninh, nó còn là vấn đề về môi trường, phát triển bền vững.
Trách nhiệm ràng buộc sẽ rất lớn
Canada hiện là nước đầu tiên và đi đầu trong khối G7 và OECD về áp đặt trách nhiệm mở rộng, không chỉ đối với các bên tham gia thiết kế, tiêu thụ, sản xuất bao bì nhựa, mà còn áp đặt với các các nhà bán buôn và phân phối. Trong trường hợp không tìm được nhà bán buôn và phân phối sẽ áp đặt luôn đến nhà bán lẻ cuối cùng.
Tại Canada, từ Chính phủ cho đến người dân phải có trách nhiệm giảm dấu chân carbon, nhất là trong tiêu dùng. Đó là lý do phong trào tiêu dùng hàng nội địa, tiếng nói phản đối tiêu dùng hàng nhập ngoại, vận chuyển xa, tốn kém đang lan toả khá nhanh tại đây. Các doanh nghiệp nhập khẩu Canada đang có xu hướng thay thế các sản phẩm nhập khẩu ở xa, tìm nguồn cung từ các nước láng giềng như Mỹ.
“Điều này buộc các doanh nghiệp ở Canada buộc phải lựa chọn các đối tác nhập khẩu có cùng mối quan tâm và năng lực với mình. Ví dụ đối với các lĩnh vực dệt may, da giày hay nội thất, họ đều quan tâm đến năng lực triển khai sản xuất xanh, sạch, sử dụng nguồn lực bền vững, vật liệu tái chế. Đối với lĩnh vực sản phẩm, ngoài sản xuất xanh và tuần hoàn, còn có yêu cầu về giảm thiểu bao bì nhựa”, bà Quỳnh cho biết.
Không chỉ riêng Canada, theo vị Tham tán, sắp tới tại các nước công nghiệp phát triển, quy trình kiểm soát rác thải nhựa sẽ trở thành xu hướng chung. Bởi các tiêu chuẩn sản xuất xanh, bền vững sẽ bắt đầu có hiệu lực đầy đủ vào năm 2030.
Điều này buộc các nhà nhập khẩu phải có trách nhiệm thu hồi và quản lý sản phẩm nhựa ở cuối vòng đời sản phẩm thông qua các hoạt động như trả tiền đặt cọc bao bì, thu đổi sản phẩm, lắp đặt các hệ thống thu nhận bao bì.
“Về phía nhà nhập khẩu và bán lẻ của Canada, rất có khả năng vì ngại ràng buộc trách nhiệm nên sẽ ưu tiên các sản phẩm sản xuất tại Canada hoặc các sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia do dễ thương lượng hơn về trách nhiệm sản xuất mở rộng này”, vị Tham tán nhận định.
Theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại Canada ở thời điểm hiện nay, các quy định tương tự như vậy có thể nói là rào cản phi thuế quan rất bất lợi cho sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Bởi doanh nghiệp nội địa Việt Nam khó có khả năng triển khai hoặc uỷ quyền triển khai trách nhiệm sản xuất mở rộng này. Ngoài ra còn tính đến vấn đề đội chi phí khi thiết kế lại bao bì để tuân thủ các quy định ghi nhãn, hàm lượng tái chế, các chi phí khác liên quan đến việc kiểm định hàng tái chế, theo dõi số liệu để lập báo cáo và uỷ quyền báo cáo khi thực thi trách nhiệm sản xuất mở rộng này.
“Trong quy trình sản xuất và thiết kế bao bì mới, các doanh nghiệp rất cần chú ý công tác lưu trữ hồ sơ để chứng minh khi nhà nhập khẩu yêu cầu. Để có chiến lược xuất khẩu dài hạn, doanh nghiệp cần có kế hoạch thiết kế bao bì phù hợp trong giai đoạn mới”, vị Tham tán khuyến nghị.