Nhiều công ty 'bỏ túi' hàng triệu USD từ chuyển đổi xanh
(DNTO) - Việc “đổi màu” cho doanh nghiệp đã giúp nhiều công ty thu về hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu USD qua nhiều nguồn như trái phiếu xanh, gọi vốn mạo hiểm, tăng số lượng bán sản phẩm, dịch vụ hay tiền từ việc cắt giảm chi phí.
Tiền tiếp tục đổ về các công ty xanh
Tháng 11/2021, Maersk – công ty vận tải container quốc tế của Đan Mạch thu về tới 552 triệu USD từ việc phát hành trái phiếu xanh thời hạn 10 năm. Mục đích để đầu tư vào hai loại tài sản xanh đủ điều kiện: Một tàu trung chuyển methanol 2.000 TEU (chạy bằng methanol xanh và dầu nhiên liệu thông thường) và 12 tàu methanol 16.000 TEU (chỉ chạy bằng methanol xanh).
Kể từ năm 2017, Maersk đã xem xét lại chiến lược bền vững của mình và thiết lập các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đầy tham vọng nhất trong ngành vào năm 2018. Họ đã đạt được những tiến bộ đáng kể về tính bền vững trong những năm gần đây.
Điều này đã giúp vị trí của Maersk lần lượt leo cao trên các bảng xếp hạng bền vững của các tổ chức như CDP (từ hạng B năm 2021 lên hạng A- năm 2022), Ecovadis (từ hạng Siliver năm 2021 lên Gold năm 2022), MSCI (từ hạng A năm 2020 lên hạng AA năm 2022) và Sustainalytics (từ mức độ Rủi ro Trung bình năm 2021 lên mức Rủi ro Thấp năm 2022).
Tương tự, Nippon Steel, nhãn hiệu thép nổi tiếng Nhật Bản, đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 30% lượng phát thải carbon so với năm 2013. Năm 2025 đạt mức tái chế 99% phụ phẩm từ quy trình luyện gang và thép. Thông qua chiến lược toàn diện trong chuyển đổi xanh, Nippon Steel đã trở thành doanh nghiệp dẫn đầu ở phương diện này trong ngành thép và nắm bắt được nhiều cơ hội có giá trị lớn về mặt kinh tế.
Công ty đã đạt nhãn EcoLeaf cho 35 sản phẩm (hơn 80% số lượng sản phẩm của Nippon Steel), gồm tấm thép, thanh thép, dây thép giúp khách hàng đánh giá ảnh hưởng môi trường của sản phẩm nhờ thông tin định lượng được công bố. Ra mắt sản phẩm thép tên "NSCarbolex™ Neutral“ – sản phẩm đã được phân bổ mức giảm phát thải CO2 thực tế mà Nippon Steel đạt được thông qua các quy trình sản xuất thép tinh luyện. Điều này giúp khách hàng sử dụng các sản phẩm có hàm lượng carbon thấp thay vì phải mua tín chỉ carbon để bù đắp cho những phát thải của họ.
Theo báo cáo của Moody’s, khối lượng phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và liên kết bền vững (GSSS) toàn cầu đạt 254 tỷ USD trong quý I/2023, tăng 36% so với quý trước và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thị phần trái phiếu GSSS của châu Âu đang chiếm 50% toàn cầu (năm 2022 là 46%). Moody's duy trì dự báo thị trường trái phiếu GSSS sẽ tăng 10% vào năm 2023, lên mức phát hành 950 tỷ USD.
Đánh giá mới đây của Ủy ban châu Âu dự báo quy mô thị trường toàn cầu hiện nay cho các sản phẩm và dịch vụ xanh ước tính đạt trên 5 nghìn tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các thị trường truyền thống. Dự báo đến năm 2030, nền kinh tế xanh sẽ tạo ra khoảng 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu.
Lợi thế của những cánh chim đầu đàn
Tương tự như đối với quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh sẽ đòi hỏi những thay đổi lớn về công nghệ và những người đi trước sẽ đạt được nhiều lợi thế so với những người áp dụng chuyển đổi sau.
“Các nhà đầu tư ‘đại bàng’ của thế giới đang ngày càng xem xét kỹ lưỡng các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị trước khi quyết định đầu tư vào đâu. Các doanh nghiệp có cam kết mạnh mẽ, rõ ràng với Net-zero sẽ được hưởng lợi từ khả năng tiếp cận nhiều hơn với nguồn vốn lớn hơn và với chi phí thấp hơn.
Nhiều nhà đầu tư hiện đang tìm cách thoái vốn khỏi các dây chuyền sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều carbon. Trong một vài năm nữa, những doanh nghiệp không chịu chuyển đổi mô hình kinh doanh ‘sạch hơn’ có thể có giá trị thấp hơn, khó bán hàng hơn với ít nhà đầu tư sẵn sàng tham gia điều hành”, Bản tin số 1 của Ban IV và Quỹ châu Á, nhận định.
TS. Lê Anh Tú, Giám đốc Khối Tư vấn Doanh nghiệp PwC Việt Nam, cho biết doanh nghiệp nên có một lộ trình phát triển bền vững liền mạch, từ chiến lược cho đến công bố thông tin. Doanh nghiệp nên bắt đầu chuyển đổi xanh với 3 nhiệm vụ chính: Đánh giá năng lực xanh hiện tại; Phân tích tính trọng yếu; Xác định các mục tiêu cho quá trình chuyển đổi xanh.
“Doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu và truyền thông về các mục tiêu, thành tựu của quá trình chuyển đổi xanh tới công chúng, khách hàng, đối tác và cả các nhà đầu tư. Ngay cả khi doanh nghiệp đang ở giai đoạn đầu tiên, mọi cam kết, thành tựu đều được công nhận và đánh giá cao bởi cộng đồng”, ông Tú nói.
Hiện các công ty đại chúng lớn đang chịu nhiều áp lực trong việc giảm lượng khí thải carbon. Điều đó đồng nghĩa họ sẽ bắt đầu rà soát các đối tác để đảm bảo rằng đối tác cũng cam kết và thực hiện mục tiêu “Net-zero”. Một trong các biện pháp quan trọng để các chuỗi nêu trên hướng đích mục tiêu “Net-zero” đó là cải tiến quy trình sản xuất, đồng thời tìm kiếm các nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào “xanh hơn” dẫn tới các biến động về cung, cầu, giá cả...
Do đó, theo chuyên gia, việc sử dụng các sản phẩm và công nghệ có “nhãn xanh” sẽ ngày càng phổ biến. Việc doanh nghiệp sẵn có những sản phẩm như vậy sẽ trở thành một lợi thế cạnh tranh rất lớn cả trong nước và quốc tế đồng thời hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra khi chuỗi cung ứng có những xáo trộn, dịch chuyển, thay đổi hoặc khi các thị trường xuất khẩu áp dụng các chính sách mới để định hướng lại chuỗi cung, ví dụ như chính sách CBAM của châu Âu.