Bất ngờ trước mô hình kinh doanh ‘đẻ ra tiền’ trong thời lạm phát
(DNTO) - Khi các phế phẩm có thể thành tài nguyên mới, tín chỉ carbon trở thành tiền tệ mới… doanh nghiệp có thêm những mô hình kinh doanh ‘hút tiền’ từ khách hàng, đối tác, nhà đầu tư.
Những mô hình kinh doanh mới được ‘khai sinh’
Lộc Trời là một tập đoàn lớn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với doanh thu năm 2021 đạt 10.244 tỷ đồng, bao gồm 16 công ty con với các hoạt động đa dạng và ký kết hợp tác lâu dài với 40 nghìn hộ nông dân. Bằng cách phát triển mô hình giao dịch “không giấy tờ” với nông dân và các hoạt động quản trị thông qua chuyển đổi số toàn diện, Lộc Trời đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí trong quá trình xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo phát thải thấp.
“Tín chỉ carbon của Lộc Trời ban đầu chỉ đáp ứng tiêu chuẩn nhà mua hàng, nhưng giờ nó có thể bán”, ông Vũ Chí Công, Giám đốc ESG của Tập đoàn VinaCapital, nhận định.
Vị này cho biết, trước đây 10 năm, các phế thải của ngành nông nghiệp như mùn cưa, vỏ trấu, rơm rạ chất đầy cánh đồng, trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp sản xuất, nhưng giờ đây, nó đã trở thành tài nguyên mới với các doanh nghiệp biết cách xử lý chúng. Một số doanh nghiệp như Vĩnh Hoàn, Việt Nam Food thu lợi lớn từ việc chiết xuất chitosan, gelatin, collagen từ vỏ tôm, da cá… ứng dụng trong mỹ phẩm, dược phẩm.
“Ngoài sản phẩm, dịch vụ mới thì cũng có những mô hình kinh doanh mới, doanh nghiệp có thể thành lập các công ty con trong các lĩnh vực tái chế, chế biến phế phẩm sản xuất. Khi các nhu cầu đủ lớn, các doanh nghiệp có thể mở dòng sản phẩm kinh doanh của mình”, ông Công gợi ý.
Khi người người, nhà nhà nói về phát triển bền vững và nơi nơi yêu cầu về sản xuất xanh, thì theo đại diện VinaCapital, các dịch vụ tư vấn về phát triển bền vững cũng là mô hình kinh doanh mới rất hấp dẫn. “Đó là lý do vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp kiểm toán lớn đều chi tiền rất nhiều tiền để nâng cao chuyên môn cho nhân viên, phát triển dịch vụ tư vấn về phát triển bền vững”, ông Công nói.
Hay như chính Lộc Trời, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Kinh tế Tư nhân (Ban IV) cũng gợi ý, tập đoàn này có thể đóng gói mô hình kinh doanh tín chỉ carbon để trở thành đơn vị tư vấn cho đơn vị khác, đó cũng là dịch vụ kinh doanh mới của doanh nghiệp.
Dễ dàng lấy tiền từ khách hàng, đối tác, nhà đầu tư
Thay đổi cách thức kinh doanh hiện tại thường gây tốn kém trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về lâu dài, chuyển đổi xanh sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, cắt giảm chi phí vận hành, giảm sự lãng phí về nguồn nước, tiết kiệm các nguyên vật liệu đầu vào, tối ưu chuỗi cung ứng, nhận diện được các lĩnh vực tiềm năng để thiết kế các dòng sản phẩm sinh thái...
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể tránh được các loại thuế phí liên quan đến carbon và chất thải trong tương lai. Từ đó, tối ưu hoạt động và lợi nhuận.
TS. Lê Anh Tú, Giám đốc Khối Tư vấn doanh nghiệp PwC Việt Nam cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, các bên liên quan đã nâng cao yêu cầu của họ đối với doanh nghiệp.
Từ phía các cổ đông và các đơn vị cung cấp tài chính, tín dụng, họ yêu cầu doanh nghiệp đáp ứng thông tin rõ ràng hơn về thực hành phát triển bền vững. Đến năm 2021, 86% các công ty thuộc S&P 500 thường xuyên đưa ra một số loại báo cáo liên quan đến ESG. Thị trường trái phiếu xanh Châu Á - Thái Bình Dương phát triển theo cấp số nhân, chiếm 24% tổng lượng phát hành toàn cầu trong quý 1/2021, tăng 18% so với cùng kì, theo Moody's.
Từ phía khách hàng, các tìm kiếm trên internet về hàng hóa bền vững đã tăng 71% trong giai đoạn 2017-2021. 32% người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa và dịch vụ của thương hiệu giảm khí thải carbon, theo Deloitte 2021. Đó là lý do năm 2018, Adidas thông báo bán 5 triệu đôi giày “Parley for the Oceans” (có sử dụng nhựa được thu gom từ các vùng biển để sản xuất). Theo Forbes, việc đó sẽ đem lại doanh thu hơn 1 tỷ USD (khi giá mỗi đôi là khoảng 220 USD).
Phía các Chính phủ và cơ quan quản lý trên toàn cầu cũng ngày càng đặt ra những yêu cầu khắt khe về ảnh hưởng môi trường trong thương mại. Ví dụ Quy định không phá rừng của EU (EUDR) áp dụng cho đa dạng các mặt hàng nhập khẩu như ca cao, cà phê, dầu cọ và cao su… cho đến các sản phẩm có nguồn gốc từ chúng, như socola, lốp xe và giày dép.
Theo đại diện VinaCapital, các nhà đầu tư cũng đang tìm kiếm các công ty có chiến lược bền vững dài hạn và đã sẵn sàng để chuyển đổi xanh. "Các doanh nghiệp đã đầu tư vào các công nghệ xanh sẽ hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư vì ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, loại nhiên liệu có nhiều nguy cơ bị tăng giá và làm gián đoạn chuỗi cung ứng”, ông Công nhận định.