Nhà bán lẻ: Khách thích sản phẩm xanh nhưng ngại trả giá cao, phản ứng gay gắt khi không có túi nilon
(DNTO) - Đại bộ phận người dân vẫn chưa ý thức việc phải bảo vệ môi trường, tiêu thụ rất nhiều, thậm chí quá nhiều túi nilon vượt nhu cầu, khiến nỗ lực xanh hóa ngành bán lẻ trở nên chật vật.
Giảm thiểu túi nilon cũng ‘lên bờ, xuống ruộng’
Trong diễn đàn thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trong hệ thống phân phối hiện đại hôm 1/8, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết trong những năm qua, các nhà bán lẻ trong hiệp hội rất nỗ lực, nhưng chỉ riêng việc giảm thiểu túi nilon cũng ‘lên bờ, xuống ruộng’, tức lúc rất tích cực, sôi động, lúc lại chìm xuống.
Theo bà Loan, các nhà phân phối, bán lẻ đã phải chịu không ít chi phí để giảm thiểu túi nilon, nhưng cho đến hiện tại vẫn chưa thật sự thành công. Bởi người tiêu dùng vẫn có những thói quen sử dụng rất nhiều, thậm chí quá nhiều túi nilon so với nhu cầu cần thiết. Do đó, việc vận động, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng vẫn phải bền bỉ hơn.
“Nếu người tiêu dùng không ủng hộ thì mọi nỗ lực của các nhà bán lẻ cũng không đi tới đâu”, bà Loan nói.
Chia sẻ thực tế từ nhà bán lẻ, ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc Điều hành Hệ thống Go/BigC vùng Hà Nội và miền Bắc cho biết trong nhiều năm qua, xu hướng người tiêu dùng bắt đầu thay đổi sang lựa chọn sản phẩm thân thiện môi trường, dù còn chậm. Đó là lý do các nhà bán lẻ như Go/BigC phải thay đổi, giảm thiểu túi nilon dùng một lần, thay thế bằng các vật liệu khác.
Tuy nhiên, theo vị này, đa số khách hàng vẫn phản ứng khá gay gắt trong các hệ thống mà ngừng phát túi nilon cho họ. Nguyên nhân là do chính sách, truyền thông thiếu sự đồng bộ. Hiện hệ thống bán lẻ hiện đại chỉ chiếm 26% hệ thống bán lẻ cả nước, nếu chính sách thiếu đồng bộ giữa hệ thống bán lẻ hiện đại và truyền thống thì rất khó áp dụng.
“Nếu hệ thống hiện đại được yêu cầu xanh hóa nhưng hệ thống bán lẻ truyền thống không làm điều này thì khách hàng sẽ có sự so sánh và gây nên phản ứng tiêu cực”, ông Phong nói.
Thích dùng sản phẩm, dịch vụ xanh nhưng vẫn phải rẻ
Sở dĩ, việc chưa nhiều người tiêu dùng mặn mà với các sản phẩm xanh chủ yếu do giá thành. Đại diện Go/BigC thừa nhận, báo cáo gần đây nhất của đơn vị này cho thấy có 31% khách hàng sẵn sàng trả tiền cao hơn cho sản phẩm hỗ trợ bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn là thiểu số, đa phần mức tiếp nhận chưa cao do thu nhập của người dân còn hạn chế.
“Một sản phẩm xanh với chi phí không quá cao thì khách hàng sẵn sàng đón nhận, nhưng giá quá cao lại là câu chuyện khác. Ý chí của doanh nghiệp thôi là chưa đủ”, ông Phong nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Jinwoo Song, CEO BAEMIN Việt Nam, sàn thương mại điện tử đến từ Hàn Quốc, cho biết khách hàng họ sẵn sàng sử dụng các sản phẩm xanh. Tuy nhiên, nhu cầu rất cao nhưng khối lượng sử dụng rất thấp, khách hàng chưa sẵn sàng chi trả mức giá cao sản phẩm, dịch vụ xanh.
“Chi phí cho sản phẩm xanh đắt hơn sản phẩm bình thường khoảng 15%. Nên ban đầu lượng người mua hạn chế”, ông Song nói và cho biết khi đạt được lượng người dùng lớn hơn sẽ có thể giảm được giá thành. “Tính quy mô rất quan trọng, làm sao tăng quy mô, thị trường lớn hơn sẽ có cách giảm được chi phí”.
Đó là lý do từ tháng 3/2023, BEAMIN sử dụng xe điện để giao hàng, chi phí tiết kiệm 50%. Ông Song cho biết sàn đã xây dựng hệ sinh thái ESG từ những việc rất nhỏ, ví dụ hợp tác với ngân hàng để được tư vấn mua được xe điện với giá cả hợp lý hơn.
Đại diện Hiệp hội bán lẻ cho biết doanh nghiệp sản xuất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ chính sách để sản xuất bền vững, xanh, sạch. “Chúng ta mong muốn có sản phẩm xanh nhưng giá cả phải hết sức cạnh tranh, phù hợp. Ở đây tôi không muốn nói là cào bằng nhưng giá cả ở mức người tiêu dùng có thể chịu được thì tỷ lệ người tiêu dùng sản phẩm xanh cao hơn”, bà Loan nói.
Theo ông Phong, những doanh nghiệp lớn bắt đầu dịch chuyển các sản phẩm bán chạy (top seller) của họ từ bao bì thông thường sang bao bì thân thiện môi trường. Trên các kệ hàng của hệ thống Go/BIGC, các sản phẩm này đã được ưu tiên hơn trong trưng bày cũng như chăm sóc, sức bán cũng cao hơn.
“Đó là tín hiệu rất tốt, dù sao chúng tôi là khâu ở giữa, nên để công cuộc này nhanh hơn thì chúng tôi cũng kì vọng nhiều nhà sản xuất có thể cung cấp các sản phẩm như vậy. Chúng ta bắt đầu có những sản phẩm thân thiện môi trường, tuy nhiên chưa thể nhiều vì có rất nhiều khâu doanh nghiệp phải làm, trong đó khâu cải tiến về sản xuất và những hỗ trợ ưu tiên khác thì nhà sản xuất mới có thể đưa ra sản phẩm với giá cạnh tranh hơn”, ông Phong nói.
Về phía đơn vị quản lý giá, bà Lê Thị Thuỳ Vân, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết với các sản phẩm xanh, để người tiêu dùng quan tâm thì trước hết phải đặt vào lợi ích của họ, tức giá cả sản phẩm. Bài toán cân nhắc mức giá sản phẩm xanh để đủ bù đắp chi phí và đưa vào thị trường thuộc quỹ đạo cung – cầu.
Về việc giảm giá cho sản phẩm xanh, bà Vân cho biết, hiện các cơ chế hỗ trợ được thực hiện một cách gián tiếp. Bởi khi thực hiện trực tiếp sẽ phải rà soát lại các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tức trong cam kết với tổ chức này, khi Việt Nam vô tình trợ giá cho một sản phẩm mà các nước khác cũng sản xuất được, xuất khẩu sang Việt Nam, thì khả năng vi phạm cam kết rất dễ xảy ra.
“Chúng tôi tiếp thu ý kiến doanh nghiệp để sắp tới có đề xuất hỗ trợ trực tiếp hơn với sản phẩm doanh nghiệp”, bà Vân nói.