‘Đại gia’ bán lẻ gấp rút chuẩn bị ‘ngựa, xe’, đón tiêu dùng trở lại
(DNTO) - Sự phục hồi của sức mua trên thị trường đã khiến các nhà bán lẻ thêm tâm thế để mở rộng mạng lưới của mình.
Hoạt động thương mại tháng 6 sôi động trở lại khi doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 505,7 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 6,5% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm, con số này là hơn 3.016,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,4%, tương đương cùng kỳ năm trước.
Thị trường bán lẻ Việt Nam luôn được đánh giá là “miếng bánh” béo bở khi duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 25%/năm trong hơn 2 thập kỷ qua, là mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Quy mô thị trường dự kiến đạt 350 tỷ USD vào năm 2025, chiếm 59% GDP (theo Bộ Công thương).
Chẳng vậy mà nhiều “gã khổng lồ” bán lẻ như Central Retail (Thái Lan), Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc) hay các “đại gia” bán lẻ nội địa như WinCommerce, Saigon Co.op hay E-mart (Thaco)… đều gấp rút các kế hoạch mở rộng hệ thống đại siêu thị, siêu thị để đón đầu xu hướng tiêu dùng tại đất nước 100 triệu dân.
Và đó cũng là lý do mà các nhà bán lẻ “dễ tính” hơn trong vấn đề làm việc với các nhà cung cấp. “Dễ tính” ở đây không phải là buông lỏng việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, mà là cố gắng hỗ trợ để các nhà cung cấp Việt đủ tiêu chuẩn đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị của họ.
Bởi theo thống kê của Nielsen cho thấy, 76% người tiêu dùng Việt thích dùng hàng nội địa. Do vậy, các nhà bán lẻ phải tìm mọi cách tăng sản phẩm Việt trên kệ hàng của mình.Trước đây, các nhà cung cấp của Việt Nam nếu không đủ giấy tờ, hồ sơ kiểm định chất lượng, hàng hóa không đủ số lượng hay không đảm bảo hậu cần, ngay lập tức sẽ mất vé vào siêu thị. Nhưng giờ đây, họ lại được các nhà mua hàng hỗ trợ từng tận “chân tơ, kẽ tóc”.
“Chúng tôi rất thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp và có chính sách đồng hành chứ không phải anh không đạt là tôi không cho vào. Bộ phận kiểm soát chất lượng nội bộ của WinCommerce cứ 2 tháng một lần có buổi đào tạo nhà cung cấp, để giúp họ tuân thủ quy trình.
Có những hợp tác xã, nông hộ khó khăn trong vấn đề cung cấp đủ giấy tờ công bố chất lượng theo tiêu chuẩn nhà nước. Chúng tôi sẽ hướng dẫn họ làm thủ tục, thường phải mất từ vài tuần đến vài tháng, và hướng dẫn họ thay đổi điều kiện sản xuất ra sao để đáp ứng quy trình”, bà Nguyễn Thị Thảo, Giám đốc Khối mua hàng cấp cao, Công ty WinCommerce, đơn vị sở hữu chuỗi WinMart và WinMart+, nhấn mạnh.
Tương tự, Central Retail (sở hữu chuỗi siêu thị Go/BigC, Tops market) cũng cho biết ngay từ khi bước chân vào Việt Nam, đơn vị này đã có chính sách riêng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) nội địa.
Hiện Central Retail đang làm việc với hơn 500 nhà cung cấp là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, đơn vị sản xuất OCOP. Mục đích là tạo ra sân chơi chung để doanh nghiệp Việt Nam tự hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm, phương thức để cải thiện và cải tiến sản phẩm.
“Thậm chí khi đưa hàng vào siêu thị, doanh nghiệp SME luôn được ưu tiên trưng bày ở đầu quầy kệ của mỗi ngành hàng. Chúng tôi có gian hàng riêng cho sản phẩm của các hợp tác xã, sản phẩm OCOP. Hiểu được doanh nghiệp khó khăn về vốn, vận hành dòng tiền, chúng tôi có chính sách chi trả chỉ 5-7 ngày sau khi nhận hàng.
Tới tháng 8 này, chúng tôi tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan, có mời các doanh nghiệp SME Việt Nam tham dự. Mục đích không chỉ mang sản phẩm Việt Nam xuất khẩu ngay lập tức, nhưng ít nhất cũng có cơ hội bước ra ngoài, xem ở nước ngoài họ làm ra sao”, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Đối ngoại Central Retail Việt Nam thông tin.
Việc cung cấp sản phẩm an toàn, ổn định trong hệ thống cũng được đại gia bán lẻ đến từ Nhật Bản lưu tâm. Vì vậy, ông Takao Kazaocha, Phó Tổng Giám đốc Khối Thu mua, Aeon Việt Nam, cho biết nếu sản phẩm bán tại hệ thống này có vấn đề, Aeon không chối bỏ trách nhiệm mà sẽ cùng nhà cung cấp xử lý. Đây cũng là cách giữ gìn không khí “hòa bình” giữa 3 bên: nhà cung cấp – nhà bán lẻ - khách hàng.
“Chúng tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu khách hàng không hài lòng khi mua sắm và trải nghiệm tại Aeon Việt Nam, nó không hoàn toàn là trách nhiệm của nhà cung cấp. Vì vậy, ngoài việc quản lý sản phẩm, chúng tôi luôn luôn giữ liên lạc với các nhà cung cấp”, ông Takao Kazaocha nhấn mạnh.
Như vậy, có thể thấy, việc ngành bán lẻ phục hồi và sự nỗ lực của các “đại gia” trong ngành sẽ tạo thêm các cơ hội cho doanh nghiệp SME, hợp tác xã, hộ kinh doanh Việt Nam đưa sản phẩm, hàng hóa vào siêu thị. Tuy nhiên, sự nỗ lực này không chỉ dừng lại ở các nhà bán lẻ, mà bản thân nhà cung cấp phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định chất lượng, số lượng sản phẩm, dịch vụ hậu cần, phong cách làm việc… để mối quan hệ đi đường dài.