Vì sao người dân ‘thắt hầu bao’ nhưng doanh thu bán lẻ, tiêu dùng vẫn đạt đỉnh?
(DNTO) - Doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong 5 tháng qua đạt đỉnh so với cùng kỳ các năm từ 2015 đến nay. Tuy nhiên, sự tăng trưởng chủ yếu do giá thành sản phẩm tăng cao.
Người Việt đang tiêu dùng như thế nào?
5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 2.500 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 9,3%). Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ từ 2015 trở lại đây (theo Bộ Công thương).
Tuy nhiên, doanh thu hàng hóa, tiêu dùng đạt đỉnh chủ yếu do các yếu tố tăng giá thành. Nếu loại trừ yếu tố giá, chỉ tăng 8,3% (bằng với cùng kỳ năm 2018) và tăng 7,8% so với cùng kì năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch.
Tính chung quý đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 5,01%. Trong đó các nhóm tăng cao nhất là nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 7,17%), thực phẩm tăng 4,41%, học phí giáo dục tăng 10,13%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,9%...
Đánh giá chung về thị trường nội địa, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết sức mua của người dân hồi phục chậm sau 2 năm đại dịch và những khó khăn kinh tế. Sản xuất vẫn sẽ khó khăn do thiếu hụt đơn hàng. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ về tín dụng, lãi suất, giảm thuế, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp đi vào thực thi nhưng sẽ có những độ trễ nhất định. Tiêu thụ của một số ngành sản xuất bị ảnh hưởng khi thị trường bất động sản phục hồi chậm, giải ngân vốn đầu tư thấp...
Thị trường tiêu dùng Việt Nam bị ảnh hưởng bởi khó khăn về kinh tế, nhưng vẫn đang phục hồi và có sức mua tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á. Theo PwC, hơn 62% người tiêu dùng Việt cho biết sẽ cắt giảm chi tiêu không cần thiết. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu không thiết yếu thấp hơn so với khu vực Đông Nam Á (73%) và toàn cầu (69%).
Tiêu dùng cải thiện vào nửa cuối năm
Mặc dù khó khăn vẫn hiện hữu khi 9% hộ gia đình Việt gặp khó khăn về thu nhập, nhưng vẫn có 70% hộ gia đình duy trì và đang phục hồi được thu nhập, 13% còn tăng trưởng thu nhập (theo Nielsen).
Bên cạnh đó, tỷ lệ người tiêu dùng Việt Nam “ít lo lắng về tình hình tài chính cá nhân” cao hơn so với toàn cầu và Đông Nam Á (lần lượt là 25%, 14% và 13%), theo PwC.
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nhận định tình hình thu nhập của người dân sẽ được cải thiện vì trong 6 tháng cuối năm bởi nhiều chính sách thúc đẩy tiêu dùng, sản xuất của Chính phủ. Cụ thể, việc giảm thuế VAT 2% với tất cả các mặt hàng, là tín hiệu khởi sắc cho doanh nghiệp sản xuất trong nước đẩy hàng hóa trong thị trường nội địa. Ngân hàng Nhà nước cũng thúc đẩy cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống người dân, bằng việc liên tục hạ lãi suất cho vay trong những tháng gần đây.
Bên cạnh xuất khẩu thì tiêu dùng trong nước được coi là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam. Người Việt ngày càng ưa chuộng sử dụng hàng nội địa (76% trả lời thích thương hiệu nội địa, “Made in Vietnam” hơn các thương hiệu nước ngoài ). Đây là điểm thuận lợi để thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
“Thời gian tới, các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng sản xuất trong nước sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt là cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bà Nga cho biết.
Để kích thích tiêu dùng, đặc biệt trong mùa nông sản đang vào vụ thu hoạch, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, sẽ tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại để làm cầu nối giữa sản xuất và thị trường.
“Các chương trình như ‘Tháng khuyến mại tập trung quốc gia’; hội chợ, triển lãm, xúc tiến đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP... sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Qua đó, giúp nhà sản xuất, nhà cung ứng của các địa phương kết nối với hệ thống phân phối, đơn vị thu mua để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm”, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, cho biết.