Mỹ đã giải phóng gần hết hàng tồn kho, có thể sắp nhập thêm hàng Việt
(DNTO) - Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ vẫn chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 5 tháng đầu năm và đang dần phục hồi, dù tốc độ vẫn chậm.
Mỹ vẫn mua hàng nhiều nhất
Thông tin về thị trường xuất khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, hầu hết các ngành hàng đều khó khăn khi xuất khẩu do tổng cầu của thị trường thế giới giảm, nhất là hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt hơn 262 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 11,6%; nhập khẩu giảm 17,9%.
Sự sụt giảm mạnh nhất là những ngành hàng như thủy sản, dệt may, da giày, gỗ sang các thị trường chính là Mỹ, EU... Các ngành hàng khác như gạo, rau củ, cao su, hạt điều... sang châu Á ít chịu tác động hơn. Đặc biệt, một số ngành hàng đang phải đối mặt với áp lực điều tra phòng vệ thương mại như thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, nhựa… Chi phí nguyên liệu đầu vào tăng làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá, gây khó khăn về thị trường xuất khẩu.
Đại diện Bộ Công thương cho biết, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên, tiêu dùng tại thị trường này có dấu hiệu giảm tốc và có thể tiếp tục suy yếu trong bối cảnh suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp phá sản, lao động thất nghiệp tăng. Tỷ lệ tiết kiệm của người dân Hoa Kỳ tăng cao hơn, là dấu hiệu của việc tiêu dùng ngày càng thận trọng hơn... Điều này đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, ước đạt 37 tỷ USD, giảm 19,5%.
Tin mừng khi thị trường dần khỏe
Thông tin thêm về thị trường Hoa Kỳ, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, việc FED tăng lãi suất trong thời gian dài đã góp phần ứng phó với lạm phát tăng cao. Dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ phục hồi tốt hơn vào nửa cuối năm nay bởi tồn kho hàng hoá tại các thị trường lớn, đặc biệt là tại Mỹ đã giảm đáng kể, các nhà nhập khẩu đang rục rịch đặt hàng trở lại.
“Tại Mỹ, các nhà bán lẻ lớn đã giải phóng gần hết lượng hàng tồn kho dư thừa và đang chuẩn bị bổ sung hàng hóa mới lên kệ. Kỳ vọng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này sẽ cải thiện vào nửa cuối năm”, ông Hải cho biết.
Theo WSJ, chuỗi bán lẻ lớn nhất Mỹ Walmart đã cắt giảm 9% hàng tồn kho trong năm qua. Cuối quý trước, Tager, hệ thống siêu thị lớn thứ 5 xứ cờ hoa cũng ghi nhận hàng tồn kho thấp hơn 16% so với cùng kì. Việc giải phóng lượng lớn hàng tồn kho giúp các nhà bán lẻ thu về hàng trăm triệu USD và tạo không gian mới cho chuỗi cung ứng đang chật trội.
Tuy nhiên, theo ông Hải, các nước phát triển ngày càng quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng và dựng lên những tiêu chuẩn mới, hàng rào kỹ thuật mới đối với hàng nhập khẩu. Việc Trung Quốc mở cửa trở khiến hàng Việt gặp cạnh tranh gay gắt trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam... Đây là những yếu tố tiếp tục tác động đến sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những tháng tới.
Vị này cho biết, hàng hóa Việt Nam sẽ có khả năng tăng sức cạnh tranh nhờ vào các Hiệp định thương mại tự do với những ưu đãi về thuế quan. Điều này sẽ mang đến những lợi thế nhất định cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới vẫn có những dấu hiệu tích cực như một số khu vực kinh tế lớn như Trung Quốc, Mỹ tăng trưởng cao hơn dự báo; một số nền kinh tế đang nổi tại châu Á như Ấn Độ, ASEAN tăng trưởng khả quan, lạm phát tại các nước châu Âu giảm trong tháng 5...
Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Mỹ) khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp cập nhật thông tin, kiểm tra đối tác và thực hiện đào tạo, chuyển giao cho doanh nghiệp phương thức quản lý tiên tiến, công nghệ cao.
Thương vụ đề xuất các cơ quan chức năng cần có kế hoạch xây dựng các tài liệu xúc tiến thương mại, đầu tư được chuẩn hoá và bằng các thứ tiếng phổ cập chính (Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nga...) để quảng bá doanh nghiệp và hình ảnh kinh tế Việt Nam dưới dưới hình thức file tài liệu điện tử, video hoặc bản in để dùng chung cho 1 số thị trường (đặc biệt là các thị trường lớn đang rất cần khi tổ chức sự kiện gặp các doanh nghiệp).
Trong tháng 5, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 29 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, mặc dù kim ngạch giảm 5,9% nhưng mức độ giảm đã chậm lại so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, có 23 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cao hơn 3 mặt hàng so với 4 tháng đầu năm).