Fed nâng lãi suất, có thể là lần cuối
(DNTO) - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục tăng lãi suất cho vay lên 0,25%. Nhưng các quan chức bãi bỏ kế hoạch cho các mức tăng kế tiếp, cho thấy đây có thể là lần tăng cuối cùng.
Thứ Tư 3/5 (giờ Mỹ), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra quyết định tiếp tục tăng lãi suất lên 0,25%, đưa lên mức 5% đến 5,25%, con số cao nhất trong vòng 16 năm qua. Đây sẽ là lần tăng thứ mười liên tiếp, một phần của chiến dịch chống lạm phát dai dẳng ở quốc gia này.
Nhưng đây có thể là lần cuối cùng Fed tăng lãi suất như thế. Trong công bố này, Fed đã xóa bỏ một phần trong bản chính sách, vốn được tung ra hồi tháng 3, nhắc đến sẽ còn nhiều lần tăng tiếp theo.
Thay vào đó, các quan chức Fed ghi nhận họ sẽ tiếp tục theo dõi tình trạng của nền kinh tế, thị trường tài chính và ảnh hưởng của các lần tăng lãi suất trước đó để có thể “xác định mức độ cần thiết của các chính sách bổ sung để đưa lạm phát trở lại mức 2%”.
Giọng điệu của lời tuyên bố này tương tự với cách mà các quan chức đã kết thúc đợt tăng lãi suất vào hồi 2006.
Tính từ tháng 3/2022 đến tháng 3/2023, Fed đã tăng lãi suất cho vay 9 lần liên tiếp, tổng cộng 4,75 điểm phần trăm, một đợt tăng “vũ bão” nhất kể từ những năm 1980.
Những lần tăng lãi suất liên tiếp như thế đã dẫn đến hai cuộc sụp đổ ngân hàng lớn nhất trong lịch sử Mỹ, kể từ 2008. Vào tháng 3 vừa qua, Ngân hàng Silicon Valley và Signature đổ vỡ dưới sức ép của các cuộc rút tiền tháo loạn, bắt đầu một cuộc khủng hoảng ngành tài chính lan rộng.
Vào lúc đó, những chính sách hỗ trợ khẩn cấp của chính quyền Mỹ đã phần nào làm dịu áp lực cho ngành tài chính. Các quan chức Fed đã từng xem xét việc ngưng tăng lãi suất nhưng lại lựa chọn con đường tiếp tục tăng vào ngày 22/3.
Để khống chế lạm phát tại Mỹ, Fed đã tìm cách làm chậm nền kinh tế bằng việc tăng lãi suất tiêu chuẩn. Hành động này có thể thắt chặt nhiều điều kiện kinh tế, trong đó có tăng lãi suất cho vay từ ngân hàng, giảm giá cổ phiếu và một đồng đô la mạnh hơn.
Trái với dự đoán của Fed, áp lực của khủng hoảng tài chính vẫn còn làm mờ đục tình trạng kinh tế, với Ngân hàng First Republic là “nạn nhân” mới nhất. Cổ phiếu các ngân hàng cỡ trung phương Tây vẫn tiếp tục trượt dài vào hôm thứ Ba vừa qua, khi các nhà đầu tư e ngại giá trị cổ phiếu bị xóa sạch như First Republic.
Các áp lực từ khủng hoảng ngân hàng được dự đoán là sẽ gây áp lực hơn nữa cho nền kinh tế Mỹ. Nhưng rất khó có thể dự đoán các ảnh hưởng của tăng lãi suất, đôi khi phải mất hàng tháng mới có thể nhận thấy dấu hiệu.
Ý kiến của các quan chức Fed đã thay đổi nhiều từ hồi tháng 3. Trước đó, hầu hết các quan chức Fed tin rằng họ sẽ cần ít nhất một lần tăng nữa sau tháng 5. Các nhân viên thuộc Fed cũng đã dự đoán sẽ có một cuộc suy thoái kinh tế diễn ra trong năm nay.
Các quan chức Fed đang có nhiều ý kiến trái ngược. Một số cho rằng cần phải cẩn trọng chờ đợi phản ứng chậm của các mức tăng lãi suất trước đó cũng như ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, trong khi một số khác lại lo ngại việc ngưng tăng lãi suất sớm sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho cuộc chiến chống lạm phát.