First Republic Bank chính thức thuộc về JPMorgan Chase, bước ngoặt trong hệ thống tài chính Mỹ
(DNTO) - 84 chi nhánh của First Republic Bank ở tám tiểu bang của Mỹ sẽ mở cửa trở lại trong tuần mới với tư cách là chi nhánh của JPMorgan Chase & Co.
Thông tin mới nhất từ Reuters, ngân hàng First Republic (FRB) đã chính thức thuộc về JPMorgan Chase & Co, một trong những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ.
Trước đó, Bộ Bảo vệ và Đổi mới Tài chính California, Mỹ đã có thông báo vào đầu ngày thứ Hai rằng họ đã sở hữu First Republic Bank và Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) sẽ đóng vai trò là người tiếp nhận. JPMorgan đã vượt qua các ứng viên là PNC Financial Services Group (PNC) và Citizens Financial Group Inc (CFG) trở thành người tiếp nhận First Republic Bank.
“Tất cả những người gửi tiền của First Republic sẽ trở thành người gửi tiền của Ngân hàng JPMorgan Chase và sẽ có toàn quyền truy cập vào tất cả các khoản tiền gửi của họ”, FDIC cho biết trong một tuyên bố.
Vào đầu tuần này, 84 chi nhánh của First Republic ở tám tiểu bang của Mỹ sẽ mở cửa trở lại với tư cách là chi nhánh của JPMorgan, đưa JPMorgan trở thành là ngân hàng lớn nhất của quốc gia này.
Như vậy, từ tháng Ba đến nay, giới tài chính thế giới chứng kiến ba ngân hàng liên tiếp bị thất bại, trước đó là Ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Credit Suisse. Giống như SVB, hệ sinh thái First Republic Bank cũng hướng tới phục vụ cộng đồng khởi nghiệp công nghệ, phục vụ giới nhà giàu bằng việc lôi kéo họ với các khoản thế chấp lãi suất thấp để đổi lấy việc gửi tiền mặt tại ngân hàng, bao gồm hoãn trả nợ gốc trong 10 năm đầu tiên. Tuy nhiên khi FED không ngừng tiến hành tăng lãi suất, giá trị các khoản cho vay này liên tục bị bào mòn.
Với sự cộng hưởng từ sự sụp đổ của SVB, từ những lo lắng về sự bất ổn của các định chế tài chính, khách hàng của First Republic cũng đổ xô đi rút tiền. Báo cáo từ ngân hàng này cho biết, tính đến ngày 21/4, tổng số tiền gửi tại đây là 102,7 tỷ đô la Mỹ (đã bao gồm 30 tỷ đô la Mỹ mà các ngân hàng lớn gửi vào); con số này giảm 1,7% so với ngày 31/3 nhưng đã sụt tới 72 tỷ đô la Mỹ so với mức kết thúc năm 2022.
Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, gia cổ phiếu của FRB có lúc giảm sâu gần 46%. Cổ phiếu từng có thị giá tới 219 đô la mỗi cổ phiếu hồi tháng 11 năm 2021 thì chốt phiên cuối tuần chỉ còn 3,5 đô la mỗi cổ phiếu. Giới đầu tư mạnh tay bán tháo cổ phiếu của FRB ngay từ đầu tuần sau khi ngân hàng này báo cáo lợi nhuận giảm sâu trong quí 1.
Sự thất bại của FRB được đánh giá là lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ, sau sự sụp đổ của Washington Mutual năm 2008 và được xem là một bước ngoặt lớn trong hệ thống tài chính nước này. Bà Amanda Heitz, trợ lý giáo sư tài chính tại Đại học Tulane cho biêt, những gì đã xảy ra với ngân hàng vào cuối tuần này luôn theo một kịch bản là chính phủ thường sắp xếp việc bán một ngân hàng phá sản vào cuối tuần để ngân hàng này có thể mở cửa hoạt động bình thường vào thứ Hai.
“Hầu hết các ngân hàng thất bại đều được giải quyết bằng một thỏa thuận mua lại và tiếp nhận” và “FDIC muốn các ngân hàng tiếp quản các ngân hàng khác", bà Heitz cho biết.
Theo CNBC cho biết, với quy tắc của FDIC sẽ đảm bảo rằng các khoản tiền gửi lên tới 250.000 đô la tại FRB sẽ được bảo hiểm, các hạng mục bảo hiểm bao gồm tài khoản séc, tài khoản tiết kiệm và chứng chỉ tiền gửi. Những người có tài khoản chung với người khác, chẳng hạn như vợ/chồng, mỗi người nhận được 250.000 đô la bảo hiểm, với tổng số tiền có thể lên tới 500.000 đô la trong một tài khoản chung.
Theo Reuters, CNBC