Fed ngả về hướng tiếp tục tăng lãi suất, dù có cảnh báo suy thoái kinh tế
(DNTO) - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vẫn mong muốn giữ vững chiều hướng tăng lãi suất cho vay, nhấn mạnh đòi hỏi cần phải linh động. Cố vấn của họ lại cảnh báo suy thoái kinh tế sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Các quan chức thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có vẻ như vẫn muốn theo đuổi lộ trình tăng lãi suất cho vay vào tháng sắp tới, mặc cho cảnh báo từ cố vấn về nguy cơ suy thoái kinh tế.
Một biên bản cuộc họp của Fed hồi tháng trước đã được tung ra, cho thấy các quan chức Fed đã phải hạn chế kỳ vọng mức tăng lãi suất, với lý do khủng hoảng ngân hàng làm rối loạn thị trường. Tuy vậy, các quan chức này vẫn tăng lãi suất lên 0,25%.
Quyết định này đã được đưa ra mặc cho cảnh báo từ các cố vấn Fed, dự đoán một “cuộc suy thoái nhẹ” sẽ diễn ra vào nửa cuối năm nay.
Fed đồng tình “sẽ cần phải có nhiều chính sách củng cố bổ sung phù hợp”, theo biên bản cuộc họp Ủy ban Thị trường mở liên bang, một điều mà các quan chức đã lặp lại nhiều lần trong mấy ngày gần đây.
Các nhà thiết lập chính sách nhận xét “các diễn biến vừa qua trong ngành ngân hàng có thể sẽ thắt chặt tình trạng tín dụng cho các hộ gia đình, doanh nghiệp và sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thương mại, thuê mướn và lạm phát”. Nhưng họ không rõ mức độ ảnh hưởng sẽ đến đâu.
Vào ngày 13/4, một chỉ số then chốt cho lạm phát tại Mỹ đã cho thấy dấu hiệu thuyên giảm trong tháng 3, nhưng rất có thể sẽ không đủ để thuyết phục Fed ngưng tăng lãi suất trong tháng 5.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng kết cục có xác suất cao nhất sẽ là một mức tăng 0,25% trong cuộc họp của Fed sắp tới, nối theo đó là một thời gian hoãn dài. Điều này cũng tương tự với dự đoán hàng quý của Fed, cho thấy lãi suất cho vay sẽ đạt 5,1% trong năm nay.
Ngày 11/4, John Williams, Chủ tịch Fed New York và là Phó chủ tịch của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cho biết về một lần tăng nữa sau đó tạm dừng là “điểm khởi đầu hợp lý” trong cuộc tranh luận. Ông cũng nhấn mạnh những hậu quả tồi tệ nhất của khủng hoảng ngân hàng đã trôi qua và vẫn còn có thể thắt chặt tín dụng hơn nữa.
Derek Tang, nhà kinh tế tại LH Meyer/Monetary Policy Analytics ở Washington cho biết: “Có vẻ như họ sẽ tăng lãi suất vào tháng 5 và đi theo chiều chậm lại của nền kinh tế”.
Tuy nhiên, suy thoái tín dụng luôn là một sự kiện hỗn loạn và không thể đoán trước. Derek Tang cảnh báo việc dựa vào một cuộc khủng hoảng tín dụng để kiềm chế lạm phát là rất liều lĩnh. “Điều này không dừng lại khi bạn muốn”, ông nói thêm.
Thị trường chứng khoán hiện đang mong đợi Fed sẽ quay đầu giảm lãi suất vào nửa cuối năm nay.
Chủ tịch Fed San Francisco, Mary Daly, người được coi là đồng minh chủ chốt của Chủ tịch Fed, Jerome Powell cho biết trong một bài phát biểu hôm thứ Tư rằng lạm phát có thể tự hạ nhiệt mà không cần tăng lãi suất thêm nữa. Lập luận này được nối tiếp bởi lời bình luận từ Chủ tịch Fed Chicago, Austan Goolsbee, ông kêu gọi sự thận trọng và kiên nhẫn.
Trong biên bản cuộc họp, các nhà hoạch định chính sách nhấn mạnh tính cần thiết của “linh hoạt và tùy chọn” bởi tác động của khủng hoảng ngân hàng vẫn chưa được xác định.
Trước khi khủng hoảng ngân hàng xảy ra, các quan chức Fed đã mong muốn giữ đường lối tăng lãi suất. Nhưng sau khi hai ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank sụp đổ, một số quan chức đã có vẻ lưỡng lự, tuy cho rằng các nỗ lực của Fed và chính quyền đã góp phần giảm gánh nặng của cuộc khủng hoảng lên nền kinh tế.
Chủ tịch Fed, Jerome Powell phát biểu ngày 22/3, gọi SVB là một “ngoại lệ”, do họ quá bất cẩn khi dựa dẫm vào các khoản tiền gửi không bảo hiểm, cũng như nắm giữ trái phiếu nhiều rủi ro. Nhưng ông cũng thừa nhận rằng sẽ khó để biết nền kinh tế bị ảnh hưởng như thế nào trong điều kiện tín dụng thắt chặt hơn.
Kể từ đó, các tín hiệu về sự ổn định của ngành tài chính đã khá lẫn lộn. Mức cho vay ngân hàng giảm trong nửa cuối tháng 3, trong khi nhu cầu cho vay dự phòng từ Fed vẫn ở mức cao kỷ lục gần 70 tỷ đô la vào ngày 5/4, với 79 tỷ đô la khác được rút ra từ chương trình cho vay có kỳ hạn.