Chính sách tiền tệ sẽ 'đảo chiều' nới lỏng nhìn từ thông điệp của Fed?
(DNTO) - Xu hướng lãi suất đi xuống trở lại từ đầu năm đến nay, đặc biệt là việc nhà điều hành "xoay trục" giảm mạnh 0,5 - 1 điểm phần trăm, áp dụng từ ngày 15/3 vừa qua, làm xuất hiện những kỳ vọng chính sách tiền tệ đang được nới lỏng trở lại. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, vẫn chưa thể chắc chắn điều gì.
Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh một số mức lãi suất điều hành, có hiệu lực từ ngày 15/3/2023. Đây là lần đầu tiên NHNN giảm lãi suất điều hành trong vòng 2 năm qua. Theo đó, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm.
Đáng chú ý, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm... Việc này sẽ hỗ trợ tăng trưởng tín dụng trong quý tới, khi trong 2 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt mức tăng 0,77%.
Việc NHNN giảm lãi suất rất dứt khoát thay vì hành động "thăm dò" như lịch sử thường thấy là một quyết định bất ngờ với thị trường. Đánh giá về động thái này, giới phân tích nhận định, phản ứng này khá dễ hiểu, bởi khác với Mỹ, câu chuyện hiện tại của Việt Nam là phục hồi, tăng trưởng, chứ không phải là lạm phát.
Căn cứ vào sức cầu khá yếu của nền kinh tế hiện nay, không có cơ sở nào cho thấy NHNN sẽ “quay xe”, đảo chiều chính sách tiền tệ sang hướng thắt chặt. Bản thân NHNN cũng đã có những số liệu, toan tính và mô hình cần thiết trước khi đưa ra quyết định này.
Chưa thể chắc chắn điều gì
Việc "xoay trục" giảm lãi suất chính sách có phần đón đầu và dứt khoát này được một số chuyên gia kỳ vọng đây sẽ là tín hiệu cho thấy xu hướng điều hành chính sách tiền tệ sẽ chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng.
Tuy nhiên, bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), cho hay: "Tôi chỉ muốn đưa ra một thực tế là hiện đang có những bất ổn và rủi ro đối với cả thị trường nội địa và thế giới. Việc Mỹ tăng lãi suất và mức lạm phát cao sẽ gây áp lực lên tỷ giá hối đoái toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Động thái của NHNN đánh dấu những nỗ lực của Chính phủ trong việc ổn định mặt bằng của lãi suất. Trước sự bất ổn của môi trường vĩ mô hiện tại, chúng tôi tin rằng, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát sao biến động của thị trường và môi trường kinh tế trong nước để đưa ra các chính sách tiền tệ phù hợp”.
Phân tích thêm về các yếu tố "đe dọa" tới lãi suất, TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và quản lý Trung ương (CIEM), cho biết trong tháng 3 này, Fed có thể không tăng lãi suất, nhưng ở các đợt tiếp theo thì không thể chắc chắn việc Fed có tăng 0,5 hay 0,75 điểm % nếu lạm phát tại Mỹ diễn biến phức tạp hay không? Dù họ chỉ tăng tới giữa năm rồi đi ngang, thì cũng đã là mức lãi suất khá cao.
“Câu chuyện về lạm phát tới đây sẽ còn nhiều yếu tố tác động, chẳng hạn biến động giá dầu, tăng giá điện hay tăng lương... Những yếu tố này có thể khiến lạm phát tăng trở lại, tạo áp lực tới chính sách tiền tệ của NHNN”, ông Thành nói.
Từ những phân tích trên, chính sách tiền tệ có lẽ sẽ chưa thể nới lỏng sớm như những kỳ vọng dựa trên xu hướng lãi suất gần đây. Do đó NHNN sẽ tiếp tục ưu tiên kiểm soát chặt lượng cung tiền và tốc độ tăng trưởng tín dụng. Theo đó, đợt giảm lãi suất vừa qua được hiểu đơn thuần đến từ việc thị trường cần phải trở về cân bằng hơn sau khi đã phản ứng thái quá trong những tháng cuối năm 2022 - thời điểm nhiều nỗi sợ hãi lan tràn khắp nơi.