Vai trò 'huyết mạch' nền kinh tế đang căng mình xoa dịu những bất lợi ra sao?
(DNTO) - Nhiều áp lực bủa vây khiến mục tiêu ổn định tỷ giá USD/VND của Ngân hàng Nhà nước thêm thử thách. Nhưng, gần đây, bằng các động thái quyết liệt, hướng tới việc "xóa sổ" sức ảnh hưởng của các yếu tố ngoại lai, đã giúp nhà điều hành phát đi thông điệp sẵn sàng bình ổn giữa những bất lợi.
Linh hoạt 'bơm' - 'hút' để ổn định thị trường
Với bước tăng tỷ giá USD/VND gần 2% chỉ trong ba tháng qua, biến động này được chú ý ở yếu tố góp thêm tác động đối với lạm phát, trong khi giá nguyên vật liệu nhập khẩu thêm bất lợi khi đã tăng cao thời gian qua.
Với bối cảnh và áp lực trên, cùng những tác động của Fed dồn dập tăng lãi suất, USD Index tăng kỷ lục, và dĩ nhiên còn những yếu tố khác tác động đến tỷ giá. Ví như cân đối cán cân thường mại của Việt Nam những kỳ gần đây đã không còn thuận lợi như trước, thậm chí nhập siêu có dấu hiệu trở lại...
Song, cho đến nay Ngân hàng Nhà nước vẫn linh hoạt bám sát, phát đi thông điệp tạo tín hiệu cho thị trường, cũng như "kìm" biến động tỷ giá ở một mức độ nhất định.
Cụ thể, trước tác động từ bên ngoài, lãi suất USD liên tiếp tăng, chỉ số USD Index lên kỷ lục, tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đều đặn "bắt nhịp" lên mức cao mới. Ngày 11/8 vừa qua, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước cũng đã nâng thêm 200 VND giá bán ra USD, từ 23.050 lên 23.250 VND.
Mức giá này dù đã được "đôn" lên nhưng vẫn giữ thông điệp bình ổn lâu nay đó là ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bán ra ngoại tệ với mức thấp hơn, sâu hơn nhiều so với mức giá trần. Cụ thể như tính đến phiên 14/8, giá bán ra của Ngân hàng Nhà nước thấp hơn mức trần tới 532 VND. Như vậy VND vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất và ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì thông điệp: sẵn sàng bán ra ngoại tệ với biên độ mềm.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đông tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhìn nhận, có một yếu tố tích cực đó là tỷ giá của Việt Nam vẫn ở mức độ ổn định hơn so với giá trị danh nghĩa của nhiều loại tiền tệ khác từ đầu năm đến nay. “Có nhiều nước đồng nội tệ đã mất giá danh nghĩa từ 3-8%, thậm chí là trên 10%. Tính chung cả năm nay, chúng tôi dự báo tỷ giá của chúng ta có thể sẽ tăng ở mức khoảng 2- 2,3% hoặc cao hơn một chút là ở mức 2,5%”, TS. Cấn Văn Lực nêu ý kiến.
Đặc biệt, nhờ sự điều hành mềm mỏng của Ngân hàng Nhà nước đã giúp giảm bớt áp lực từ chênh lệch lãi suất âm, lãi suất VND liên ngân hàng tăng mạnh do VND được hút ra thông qua các hợp đồng mua USD giao ngay và tín phiếu. Kể từ cuối tháng 7, thanh khoản VND liên ngân hàng "khởi sắc" và chênh lệch lãi suất hoán đổi USD/VND theo đó giảm xuống, giữ ở mức 0,8 - 1,2% đối với kỳ hạn qua đêm tính đến ngày 11/8.
Sau đó, ngân hàng nhà nước đã linh hoạt chuyển sang bơm thanh khoản. Sau thông báo gia hạn các hợp đồng kỳ hạn ngày 13/7, đến ngày 21/7, ngân hàng nhà nước đã bơm thanh khoản VND vào hệ thống với tổng khối lượng hơn 78.400 tỷ đồng bao gồm kênh OMO và tín phiếu...
Chính chênh lệch lãi suất USD/VND trong nước tăng trong thời điểm cuối tháng 7 đã góp phần hạ nhiệt tỷ giá USD/VND khi trải qua một tháng 7 đầy biến động với mức tăng cao nhất trong 20 năm qua.
“Trong điều kiện bình thường, Việt Nam có thể cân đối bộ 3 bất khả thi gồm: chính sách tiền tệ độc lập- ổn định tỷ giá- hội nhập tài chính. Nhưng do dự trữ ngoại hối không đủ lớn, chỉ trong 3 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã phải bán ra khoảng 10% để ổn định tỷ giá.
Vì vậy, để tiếp tục giữ tỷ giá, Việt Nam không thể giữ chính sách tiền tệ độc lập. Nói cách khác, chính sách tiền tệ của Việt Nam đang linh hoạt nương theo chính sách của Fed. Điều này giải thích vì sao Ngân hàng Nhà nước thắt chặt trên thị trường liên ngân hàng”, ông Trần Ngọc Báu, Founder & CEO WiGroup, nhận định.
Có thể nói, nghịch lý vừa "bơm", vừa "hút" của nhà điều hành tiền tệ chủ yếu do tính “mấp mô”, không đồng đều trong hệ thống tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Theo giới chuyên môn, trong thời gian tới, khi các ngân hàng lớn được phân bổ thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng việc hút ròng của Ngân hàng Nhà nước sẽ dần thưa hơn, sẽ giúp xoa dịu nghịch lý “kẻ ăn không hết, người lần không ra”.
Áp lực nào dồn lên “vai” ngân hàng nửa cuối năm?
Với tỷ giá, về nguyên tắc là sự phản ánh quan hệ cung - cầu ngoại tệ trên thị trường. Song, đây còn là bài toán khó với nhiều ẩn số, đặc biệt phụ thuộc lớn vào nội lực của nền kinh tế, năng lực quản trị và khả năng điều hành chính sách tài chính tiền tệ, thị trường ngoại hối.
Có thể nói, khi rơi vào thế “giữa muôn trùng vây”, thì “bóng ma” tỷ giá vẫn là nỗi ám ảnh lớn nhất với chính sách tiền tệ hiện nay, buộc nhà điều hành phải căng sức đối phó. Yếu tố "tâm lý" mà ngân hàng nhà nước thường đề cập khi tỷ giá có biến động mạnh là sự thao túng bởi giới đầu cơ, kết hợp với sự quản lý lỏng lẻo của các ngành chức năng.
Theo mô hình quản lý hiện nay, hầu như các kênh dự trữ ngoại tệ trọng yếu của nền kinh tế đều nằm trong vòng chi phối của Nhà nước, theo đó, để tỷ giá không "nhảy múa" và không để thị trường "tự do điều khiển", các chuyên gia cho rằng: Một mặt chấp nhận thắt chặt ở thị trường 2 (liên ngân hàng) để ổn định tỷ giá (phần ngọn). Một mặt chủ động ghìm đà tăng của lãi suất thị trường 1 (ngân hàng với cư dân). Thời gian bị kéo dài chủ yếu để chờ lạm phát ở Mỹ tạo đỉnh, áp lực tăng lãi suất Fed giảm, áp lực dòng chảy vốn giữa trong nước và thế giới giảm.
Mặt khác, áp lực tăng trưởng kinh tế năm 2023 sẽ là một bài toán khó khi cả nền kinh tế lớn đều đứng trước ngưỡng cửa suy giảm tăng trưởng kinh tế. Theo đó, mặc dù chậm chạp nhưng có thể Fed sẽ dần phải quay trở lại với chu kỳ nới lỏng. Bối cảnh này sẽ thúc đẩy Ngân hàng Nhà nước sớm quay trở về với thời kỳ nới lỏng, chúng ta sẽ lại được tiếp tục chứng kiến một sự "đảo chiều" về chính sách.
Trong khi đó, báo cáo Triển vọng kinh tế và thị trường ngoại hối Việt Nam 6 tháng cuối năm 2022 của Trung tâm giải pháp và giao dịch Ngân hàng Shinhan, nhận định tỷ giá USD/VND dự kiến sẽ tăng trong năm 2022 do những lo ngại lạm phát gây nên bởi các chính sách thắt chặt tiền tệ sớm hơn dự kiến của Fed và giá nguyên liệu thô tăng. Tuy nhiên sẽ giảm dần vào cuối năm và duy trì quanh mức 23.000 đồng nhờ các chính sách kích thích kinh tế, kích cầu trong nước...
Theo đánh giá của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, mặc dù thị trường quốc tế biến động mạnh song ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ các cú sốc bên ngoài, vừa can thiệp thị trường ngoại tệ để hạn chế biến động quá mức của tỷ giá, nhằm góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ.
"Lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu. Ngân hàng Nhà nước có những chiến lược ổn định tỷ giá thông qua 2 biện pháp chủ yếu: tỷ giá trung tâm, lãi suất gửi USD bằng 0%. Tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm. Nhờ vậy, cán cân thanh toán tổng thể được cải thiện, dự trữ ngoại hối của quốc gia tăng nhanh trong mấy năm nay...", Thống đốc ngân hàng nhà nước nhấn mạnh.