Yếu tố tài khóa - tiền tệ đã linh hoạt 'đổi chiều' ra sao trước những dấu hiệu bất ổn của lạm phát?
(DNTO) - Hiện nay, lạm phát và tỷ giá đang là yếu tố “đau đầu” nhất đối với Ngân hàng Nhà nước. Nói cách khác, chính sách tiền tệ của Việt Nam phải "nương" theo chính sách của Fed. Điều này giải thích vì sao Ngân hàng Nhà nước đang thắt chặt trên thị trường liên ngân hàng, tuy không quyết liệt nhưng sẽ đầy gấp gáp.
"Ứng xử" thế nào khi lạm phát đã mạnh hơn?
Thực tế, việc kiểm soát lạm phát của Việt Nam khá tốt trong nửa đầu năm, đây cũng là một trong những cơ sở để thị trường tin rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ nới tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khá nhiều dấu hiệu “không ổn” của lạm phát đã hình thành.
Các chuyên gia nhận định, các yếu tố tác động đến lạm phát trong 5 tháng còn lại có thể diễn biến khác so với 7 tháng đầu năm.
Cụ thể, yếu tố cầu kéo đã tăng mạnh trong 7 tháng, có khả năng tăng tốc trong 5 tháng còn lại. Yếu tố chi phí đẩy bao gồm cả giá nhập khẩu tiếp tục tăng lên (nhập khẩu lạm phát); chi phí sản xuất tăng cao, nhưng chưa chuyển vào giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng (CPI) trong thời gian trước, nay sẽ chuyển vào CPI; giá nhập khẩu tính bằng USD tăng và tính bằng VND tới đây sẽ tăng “kép” nếu tỷ giá VND/USD tăng lên trước sức ép tăng lãi suất USD trên thế giới và để Việt Nam khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, nhằm ngăn chặn khả năng chuyển từ xuất siêu trong 6 năm trước sang nhập siêu trong năm nay.
Đặc biệt, khi gói hỗ trợ cấp bù lãi suất sẽ kéo theo 1 triệu tỷ đồng tín dụng ra lưu thông (vào những tháng cuối năm), tạo áp lực lên CPI. Đó là chưa kể lượng nhập khẩu nhiều loại hàng hóa, dịch vụ tiếp tục tăng do vẫn còn bị đứt gãy trong 7 tháng đầu năm, trong khi nhu cầu nhập khẩu tăng để phục vụ tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng.
Sự chuyển dịch dòng tiền từ các thị trường khác có xu hướng chuyển sang thị trường hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cũng tạo sức ép lên CPI. Bội thu ngân sách trong 5 tháng cuối năm sẽ khó giữ được như đầu năm do cấp bù lãi suất, do giảm thuế, phí xăng dầu… Đã có dự báo CPI bình quân năm sẽ ở mức trên 5%.
Theo giới chuyên môn, mặc dù tiền tệ không phải lực đẩy chính tạo nên lạm phát ở Việt Nam nhưng ứng xử của Ngân hàng Nhà nước là cần thiết trong bối cảnh lạm phát được dự báo tăng mạnh từ nay đến đầu năm 2023...
"Chính sách tiền tệ đang có xu hướng đảo chiều thận trọng và thu hẹp hơn, đặc biệt khi tổng hạn mức tín dụng trên GDP có thể đạt 127% trong năm 2022, mức tương đối cao so với khu vực", Dragon Capital đánh giá.
Mặc dù điểm mặt chỉ tên được những bất ổn đang hiện hữu từ lạm phát, song Ngân hàng Nhà nước đã không dùng công cụ tăng lãi suất để điều tiết lạm phát.
Tuy nhiên, mới đây, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp tương đối “rắn” trong điều hành tiền tệ trước bối cảnh hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thực hiện chính sách thắt chặt và lãi suất cao.
"Việt Nam luôn phải nghiên cứu xem xét dự báo vấn đề này và có những kịch bản cụ thể để tiếp tục giữ những bước đi linh hoạt với từng biến động của thị trường. Và những nguồn lực mà chúng ta đang có trong tay để duy trì quan điểm linh hoạt này là gì cũng phải cân nhắc để không "vung tay quá trán", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
"Thắt lại" như thế nào?
Thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu giảm nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng, điều hành tỷ giá thông qua việc bán ngoại tệ và phát hành tín phiếu kể từ cuối tháng 6/2022.
Cụ thể, thời gian gần đây, với việc điều tiết thanh khoản hệ thống của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm từ khoảng 0,3-0,5%/năm đã tăng vọt lên mức 5%/năm. Điều này cho thấy, nhà điều hành tiền tệ tại Việt Nam đã không duy trì nới lỏng ở liên ngân hàng.
Gần đây, các hành động của Ngân hàng Nhà nước luôn hướng tới việc giảm sức ảnh hưởng của các yếu tố ngoại lai, qua đó ổn định tỷ giá. Yếu tố ngoại lai chủ yếu liên quan đến chính sách tiền tệ của Mỹ, đặc biệt là việc mạnh lên đáng kể của đồng USD.
Khi Mỹ bắt đầu tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, tỷ giá USD/VND cũng bật tăng. Chênh lệch giữa lãi suất VND và lãi suất USD trên liên ngân hàng chuyển từ dương sang âm nặng. Nhằm giải quyết bài toán này, Ngân hàng Nhà nước buộc hút bớt tiền thông qua kênh tín phiếu, thậm chí bán USD để cân bằng cung cầu.
Thậm chí, mặc dù không nâng lãi suất điều hành nhưng Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện phương thức đấu thầu nghiệp vụ thị trường mở (OMO). Qua đó, lãi suất nghiệp vụ này bị kéo vọt lên tới 5%/năm, cao hơn rất nhiều so với mức lãi suất 2,5%/năm cố định trước đó. Đây cũng là một trong những cách để thăm dò thị trường về việc tăng lãi suất.
Chi tiết hơn, ở yếu tố tăng trưởng tín dụng, cách đây hơn chục năm thì rất cao, nhưng thời gian qua luôn được đặt ra ở mức phù hợp với thị trường. Đồng thời, tín dụng cũng được hướng đến các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hạn chế dòng tiền đi vào lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán...
Nêu góc nhìn, Phó GS. TS. Nguyễn Thị Mùi, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính và tiền tệ quốc gia, phân tích, từ tháng 9/2022 trở đi, áp lực lạm phát sẽ rất cao. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nâng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và hút tín phiếu, hạn chế mở “room” tín dụng, hút VND về từ việc bán USD...
Điều đó cho thấy ngân hàng nhà nước đang bật tín hiệu thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ. Bởi, ngoài lạm phát, thì tỷ giá cũng đang là nguyên nhân khiến ngân hàng nhà nước phải “đau đầu”. Do vậy, ngân hàng nhà nước phải lựa chọn ổn định tỷ giá mà không độc lập chính sách tiền tệ.
"Theo tôi, các chính sách vĩ mô của Việt Nam đã được điều hành đúng hướng và ở một chừng mực nhất định rất linh hoạt theo diễn biến của nền kinh tế trong nước và sự tác động của nước ngoài vào kinh tế trong nước.
Thực tế là khi các nước duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, thì Việt Nam không thể "đứng ngoài" mà phải căn cứ vào tình hình thực tế của nền kinh tế Việt Nam, các mục tiêu của nền kinh tế hướng tới để điều hành các chính sách vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt nhưng phải thực sự thận trọng. Thắt lại nhưng thắt như thế nào để nền kinh tế vẫn có thể phục hồi và phát triển thì đây là nghệ thuật điều hành chính sách vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam'', bà Mùi nhìn nhận.