Ngân hàng Nhà nước 'cạn' dư địa nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế
(DNTO) - Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không còn nhiều dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng các nhà phân tích của VNDirect cho rằng, NHNN sẽ nỗ lực duy trì chính sách tiền tệ “phù hợp”, không vội vàng thắt chặt chính sách ngay lập tức để hỗ trợ phục hồi kinh tế và ổn định thị trường tài chính.
Ông Đinh Quang Hinh, chuyên gia phân tích thuộc VNDirect nhận định: "Chính sách tiền tệ sẽ đi cùng với đẩy mạnh chính sách tài khóa hỗ trợ. Bất kỳ sự thắt chặt tiền tệ nào sẽ chỉ diễn ra vào cuối quý 3/2022, hoặc quý 4/2022, và mức tăng (nếu có) sẽ hạn chế, khoảng 0,25-0,5%.
Chúng tôi duy trì quan điểm rằng tăng trưởng tín dụng của Việt Nam vẫn giữ được đà tăng và đạt 14% so với cùng kỳ vào năm 2022. Chúng tôi dự báo NHNN sẽ nâng trần tăng trưởng tín dụng đối với một số ngân hàng thương mại từ cuối quý 3/2022".
Cũng theo ông Hinh, dù NHNN không còn nhiều dư địa, nhưng NHNN sẽ nỗ lực duy trì chính sách tiền tệ “phù hợp”, không vội vàng thắt chặt ngay lập tức để hỗ trợ phục hồi kinh tế và ổn định thị trường tài chính vì một số nguyên nhân.
Thứ nhất, mặc dù áp lực lạm phát dự kiến sẽ gia tăng trong các tháng tới, chỉ số giá tiêu dùng bình quân nửa đầu năm 2022 ở mức 2,4% so với cùng kỳ, vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chính phủ là 4%.
Thứ hai, NHNN vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi. Mọi thắt chặt tiền tệ sẽ chỉ diễn ra vào cuối quý 3/2022, hoặc quý 4/2022 và mức tăng (nếu có) sẽ hạn chế, khoảng 0,25-0,5%.
"Theo số liệu của NHNN, đến 30/6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm trước tăng 6,47%). Chúng tôi duy trì quan điểm rằng tăng trưởng tín dụng của Việt Nam duy trì ở mức cao khoảng 14% so với cùng kỳ vào năm 2022.
Chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ nâng "trần" tăng trưởng tín dụng đối với một số ngân hàng thương mại từ cuối quý 3/2022. Dòng vốn tín dụng sẽ được ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực kinh doanh trọng điểm như công nghiệp, xuất nhập khẩu, nông, lâm, thủy sản...
Ngoài ra, NHNN sẽ kiểm soát kỹ lưỡng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán và các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao)", nhà phân tích của VNDirect nói.
Về lãi suất cho vay, NHNN đang triển khai gói bù lãi suất với tổng quy mô 43.000 tỷ đồng. NHNN đưa ra mức lãi suất cho vay chỉ 3-4%/năm đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch Covid-19, bao gồm: doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp tham gia một số dự án trọng điểm quốc gia; kinh doanh trong một số ngành nhất định (du lịch, hàng không, giao thông vận tải).
VNDirect kỳ vọng gói bù lãi suất có thể giúp giảm lãi suất cho vay trung bình 20-40 điểm cơ bản vào năm 2022. Tuy nhiên, tác động thực tế của gói bù lãi suất đối với doanh nghiệp và nền kinh tế có thể giảm bớt nếu các ngân hàng thương mại tăng lãi suất cho vay đối với các khoản vay thông thường khác để bù đắp việc tăng lãi suất huy động. Đồng thời dự báo đà tăng của lãi suất huy động sẽ tăng tốc trở lại trong quý 4/2022.
Tính tới ngày 1/7/2022, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng của các ngân hàng quốc doanh không đổi so với mức cuối năm 2021, trong khi lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng nhích tăng 4 điểm cơ bản.
Đối với các ngân hàng tư nhân, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và kỳ hạn 12 tháng lần lượt tăng 27 điểm cơ bản và 26 điểm cơ bản so với mức cuối năm 2021. Nhà phân tích của VNDirect kỳ vọng đà tăng lãi suất huy động sẽ chậm lại trong quý 3/2022 do nhu cầu vốn thấp bời nhiều ngân hàng đã tạm hết dư địa để tăng trưởng tín dụng.
"Tuy nhiên, lãi suất huy động có thể tăng trở lại trong quý 4/2022 sau khi NHNN nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng thương mại. Chúng tôi kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tăng 30-50 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2022.
Chúng tôi cho rằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên 6,0-6,2%/năm vào cuối năm 2022 (hiện là 5,7%/năm), vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0%/năm", ông Hinh cho hay.