Tăng lãi suất có phải là 'chìa khoá' kiềm chế lạm phát?
(DNTO) - Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, lạm phát chủ yếu do chi phí đẩy, vì vậy công cụ chính sách tiền tệ, tăng lãi suất không phải là "chìa khoá" để kiềm chế lạm phát, thậm chí có thể gây tác dụng phụ, ảnh hưởng tới quá trình phục hồi nền kinh tế.
Vấn đề nóng nhất hiện nay là lạm phát
Bàn về câu chuyện kiềm chế lạm phát, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) Lê Long Giang chia sẻ, lạm phát là vấn đề nóng nhất hiện nay trên thế giới. Nguyên nhân bởi khủng hoảng tại Ukraine, chuỗi cung ứng tiếp tục bị đứt gãy.
Nhiều quốc gia phương Tây đang chịu mức lạm phát trên 8%. Tại châu Á, bình quân 5 tháng đầu năm nay, lạm phát của Thái Lan tăng 5,2%; Hàn Quốc tăng 4,3%; Indonesia tăng 2,8%; Malaysia tăng 2,4%; Nhật Bản và Trung Quốc cùng tăng 1,5%.
"Dự báo mức tăng trưởng của kinh tế thế giới 2022 chỉ khoảng 2,9%, giảm một nửa so với mức 6,1% của năm trước. Ngược lại, lạm phát bình quân toàn cầu được dự báo tăng mạnh, ở mức khoảng 6,2%, gần gấp đôi so với 3,8% của 2021", ông Giang nói.
Tại Việt Nam, CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 2,44%. Chủ tịch VFCA cho rằng, đây là thành công của Chính phủ, nhất là khi các mặt hàng thiết yếu trong nước dồi dào, đời sống của người dân được đảm bảo. Dù vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát trung bình dưới 4% trong năm 2022, theo ông Giang, là khó khăn và còn ít dư địa.
Về phần mình, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho rằng lạm phát tại Việt Nam có một số điểm cơ bản. Thứ nhất là có độ trễ hơn so với quốc tế; thứ hai là lạm phát cơ bản tăng thấp, 1,25%, cơ bản hiện nay do chi phí đẩy chứ không phải do cung tiền.
"Chúng tôi kiến nghị tín dụng năm nay có thể tăng mạnh hơn một chút, có thể là 15%. Nếu chúng ta chỉ kiên định 14% thì chương trình phục hồi kinh tế sẽ khó thực hiện hơn", TS Cấn Văn Lực nói.
Cũng theo TS Lực, có 3 nhóm làm tăng lạm phát chính là: giao thông, vật liệu xây dựng, dich vụ hàng ăn uống. Các yếu tố tác động vào lam phát nhiều nhất và nhanh nhất năm là giao thông do giá xăng dầu tăng. Bây giờ chống lạm phát là phải bình ổn giá xăng dầu tốt nhất có thể. Chúng tôi đang kiến nghị ngoài thuế bảo vệ môi trường thì tiếp tục xem xét giảm 30% đối với các thuế phí còn lại.
Có một số nguyên nhân khiến lạm phát Việt Nam thấp hơn so với thế giới: một là giá xăng được hỗ trợ bình ổn tương đối nhanh, hai là đảm bảo nguồn cung hàng hóa, ba là một số mặt hàng được điều tiết tương đối mạnh (giá điện không tăng, viện phó không tăng dồn dập vào một thời điểm), bốn là Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt công cụ chính sách (hút khoảng 135.000 tỷ đồng), năm là cung tiền vừa phải, vòng quay tiền chậm (thời kỳ hoàng kim, vòng quay tiền là 1 - 1,5 lần, nếu chậm quá là đọng vốn, thời kỳ cao điểm, vòng quay là 3-3,5 lần).
Áp lực lạm phát từ giờ tới cuối năm khá lớn. Giá hàng hoá thế giới còn tăng và còn có nguy cơ nhập khẩu lạm phát, nhất là khi Việt Nam phụ thuọc nhiều vào đầu vào nhập khẩu.
Đà phục hồi kinh tế và sự sôi động của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng tạo ra áp lực lạm phát cầu kéo. Tỷ giá chịu áp lực tăng khá rõ (2,5 - 3% năm 2022). CPI tăng khoảng 3,8 - 4,2% (có thể cao hơn nữa) năm 2022 và 4% năm 2023.
Các yếu tố chính hỗ trợ kiềm chế đà tăng của lạm phát thứ nhất là kỳ vọng đà tăng giá cả hàng hoá, xăng dầu thế giới sẽ chậm lại và việc điều tiết giá cả hàng hoá, xăng dầu trong nước tiếp tục phát huy hiệu quả. Thứ hai là tỷ giá và lãi suất kỳ vọng vẫn trong tầm kiểm soát, góp phần kiềm chế đà tăng giá. Thứ ba là sự phối hợp ngày càng nhịp nhàng hơn giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá và giá cả. Cuối cùng là việc truyền thông được chú trọng.
"Lãi suất cho vay đang chịu áp lực tăng. Theo tôi, nếu chúng ta để lãi suất cho vay tăng thì người dân và doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, đi ngược với chương trình phục hồi. Còn lãi suất cho vay bằng USD chắc chắn tăng theo đà tăng của thế giới", TS. Cấn Văn Lực phân tích.
Nhiều yếu tố gây áp lực cho kiểm soát lạm phát
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đánh giá, trong ba năm qua dù chịu tác động lớn của dịch Covid-19 nhưng nền kinh tế Việt Nam không hoàn toàn cùng nhịp với kinh tế thế giới nên có tính chuyên biệt.
Điển hình, năm 2020 Việt Nam là ngôi sao về tăng trưởng với GDP đạt 2,91% trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng âm. Tuy nhiên, sang năm 2021, khi kinh tế thế giới hồi phục và tăng trưởng mạnh 6,1% thì Việt Nam lại tăng trưởng thấp. Trong 6 tháng đầu năm nay, kinh tế Việt Nam lại phục hồi tốt khi kinh tế thế giới suy giảm.
Và theo TS Thành, chính những điểm khác biệt này khiến Việt Nam không thể điều hành lãi suất như thế giới được. Thêm vào đó, trong chiến lược phát triển và phục hồi kinh tế, Việt Nam đặt trọng tâm vào vấn đề lãi suất và tiền tệ, nên việc điều hành liên quan đến vấn đề này rất quan trọng, đòi hỏi phải thận trọng.
“Mức mất giá của VND hiện nay không quá lớn nên cần ưu tiên giữ ổn định tỷ giá của VND. Ngoài ra, hiện nay cán cân thanh toán quốc tế tương đối ổn định, thặng dư không quá nhiều nên việc tăng lãi suất cũng chưa phải là vấn đề cấp thiết”, ông Thành nêu quan điểm.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định, lạm phát của Việt Nam là lạm phát do chi phí đẩy. Giai đoạn dịch bệnh các nước thi nhau bơm tiền ra nền kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng, phục hồi thì Việt Nam lại gần như không. Vì vậy, đến nay khi các nước phải đối mặt với vấn đề lạm phát tăng cao, buộc phải tăng lãi suất để hút tiền về thì Việt Nam lại không phải đối mặt với vấn đề này.
“Lạm phát chi phí đẩy khiến chính sách lãi suất trở nên bất lực. Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất như Ngân hàng Trung ương trên thế giới là điều không cần thiết. Thậm chí, nếu lãi suất tăng ở thời điểm hiện tại thì thị trường chứng khoán nguy hiểm”, ông Nghĩa cảnh báo.
Để giải quyết bài toán lạm phát tại Việt Nam hiện nay, ông Nghĩa kiến nghị Chính phủ cần sử dụng chính sách tài khóa, cụ thể là giảm thuế, đặc biệt là thuế xăng dầu. Bởi lẽ, mặt hàng xăng dầu tại Việt Nam đang đánh thuế 40%, khi giá xăng leo cao sẽ khiến tất cả các loại hàng hóa tăng giá theo.