'Muốn giải quyết lạm phát cần can thiệp trực tiếp vào lãi suất cơ bản'
(DNTO) - Theo TS Võ Trí Thành, trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ không giải quyết được vấn đề lạm phát một cách hoàn hảo. Muốn xử lý tốt vấn đề lạm phát Việt Nam cũng như nhiều nước cần kết hợp các chính sách, nhất là can thiệp trực tiếp vào lãi suất cơ bản.
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, lạm phát 6 tháng đầu năm 2022 là 2,44%. Đây là tín hiệu đáng mừng ban đầu.
Về vấn đề kiềm chế lạm phát, theo các chuyên gia trong thời gian tới cần quan tâm đến các chỉ số nguyên liệu đầu vào, chỉ số giá sản xuất và chỉ số công nghiệp, bởi đây là các chỉ số có dấu hiệu sẽ tăng trong thời gian tới. Các vấn đề như giá điện, giá xăng dầu cũng là các vấn đề cần được quan tâm trong thời gian tới.
Tại Hội thảo "Lạm phát, lãi suất và chứng khoán", sáng nay, 15/8, TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng, ngoài việc cơ cấu khác nhau trong rổ hàng hoá, trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam luôn chủ động được nguồn cung lương thực, thực phẩm nên hạn chế được tốc độ tăng giá của mặt hàng này trong bối cảnh lạm phát gia tăng tại hầu hết các nền kinh tế, nhất là sau khi nổ ra khủng hoảng Nga - Ukraine.
"Chủ động nguồn cung với giá ổn định lương thực và thực phẩm là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam kiểm soát được lạm phát những tháng đầu năm 2022...", ông Thành đánh giá.
Với các mặt hàng thiết yếu, giá xăng Việt Nam được hỗ trợ bình ổn giúp mức tăng thấp hơn so với thế giới cũng như việc điều tiết các mặt hàng do Nhà nước quản lý giãn lộ trình tăng, không tập trung vào thời điểm cao điểm..., là yếu tố giúp lạm phát thấp trong 6 tháng đầu năm.
Đặc biệt, sự chủ động, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm, y tế... là lợi thế của Việt Nam so với thế giới.
Thế nhưng không thể bỏ qua yếu tố, cơ cấu rổ hàng hóa tính CPI khác so với thế giới. Đây là một trong những yếu tố chính khiến CPI của Việt Nam thấp hơn nhiều quốc gia trên thế giới.
Cũng theo ông Thành, kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy lạm phát có nhiều diễn biến bất thường. Chẳng hạn tại Mỹ tháng 3 năm nay lạm phát là 8,5%, tháng 4 là 8,3% nhưng tháng 6 lại 8,6%...
Đồng thời nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ không giải quyết được vấn đề lạm phát một cách hoàn hảo.
"Muốn xử lý tốt vấn đề lạm phát Việt Nam cũng như nhiều nước cần kết hợp các chính sách, nhất là can thiệp trực tiếp vào lãi suất cơ bản", ông Thành nêu quan điểm.
"Lãi suất cho vay đang chịu áp lực tăng. Theo tôi, nếu chúng ta để lãi suất cho vay tăng thì người dân và doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, đi ngược với chương trình phục hồi. Còn lãi suất cho vay bằng USD chắc chắn tăng theo đà tăng của thế giới", ông Thành nêu cụ thể.
Dự báo về vấn đề tăng hay hạ lãi suất của ngân hàng nhà nước, ông Thành lưu ý 3 điểm.
Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam có nhiều điểm khác với kinh tế thế giới nên có tình chuyên biệt, đặc biệt là trong 3 năm trở lại đây. Ví dụ, trong 6 tháng đầu năm 2021 Việt Nam nổi lên như một ngôi sao bởi chúng ta duy trì được mức độ tăng trưởng dương.
"Thế nhưng, trong 6 tháng cuối năm 2021 thì ngược lại, khi nền kinh tế thế giới phục hồi tốt thì chúng ta lại lạc nhịp. Hay ví dụ như 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng thê giới xấu nhưng Việt Nam lại phục hồi rất tốt. Chính những điểm khác biệt này khiến chúng ta không thể điều hành lãi suất như thế giới được", ông Thành phân tích.
Thứ hai, trong chiến lược phát triển và phục hồi kinh tế, chúng ta đặt trọng tâm vào vấn đề lãi suất và tiền tệ, nên các điều hành liên quan đến vấn đề này vô cùng quan trọng, đòi hỏi chúng ta buộc phải thận trọng.
Thứ ba, mức độ mức giá của đồng Việt Nam hiện nay không quá lớn nên cần giữ ổn định tỷ giá của đồng Việt Nam.
"Ngoài ra, hiện nay cán cân thanh toán quốc tế tương đối ổn định, thặng dư không quá nhiều nên việc tăng lãi suất cũng chưa phải là vấn đề cần thiết", ông Thành nhìn nhận.