Bài toán hạ lãi suất cho vay và thế khó của ngân hàng
(DNTO) - Hiện nay, ngoài kiềm chế lạm phát, ngân hàng nhà nước vẫn còn một sứ mệnh khác là ổn định lãi suất cho vay, đưa nền kinh tế quay về quỹ đạo tăng trưởng. Song giải pháp nào về lãi suất cho vay để đạt mục tiêu kép, thỏa mãn được cả khách hàng và ngân hàng vẫn đang là thách thức với nhà điều hành.
Tích cực ghìm cương lãi suất
Hiện nay, vấn đề giảm hoặc giữ nguyên lãi suất cho vay ổn định để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên giảm đến mức nào, làm sao để hài hoà lợi ích của ngân hàng và doanh nghiệp lại là bài toán khó, không dễ giải.
Nếu hạ lãi cho vay thì các ngân hàng thương mại phải hạ lãi suất huy động, khi đó hệ thống ngân hàng vừa thiếu tiền gửi, vừa hứng chịu rủi ro thanh khoản, vừa không có đủ tiền để đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế. Người gửi tiền sẽ rút ra để đầu tư chứng khoán, bất động sản, nếu với cường độ mạnh, ồ ạt, một ngân hàng yếu kém nào đó có thể sẽ sụp đổ dẫn tới phản ứng dây chuyền, đe dọa tới cả hệ thống tài chính.
Hơn nữa, phải nhìn nhận rằng, trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam thì rất khó để giảm thêm được lãi suất cho vay, vì lãi suất huy động đã giảm xuống mức thấp kỷ lục và tiệm cận với dự báo lạm phát năm 2021.
Các chuyên gia nhìn nhận, để tránh gây áp lực với lãi suất cho vay, các ngân hàng cho biết phải cân đối mức tăng lãi đầu vào, chỉ ở những kỳ hạn cần thiết. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại quốc doanh lớn chiếm 3/4 thị phần hiện vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức thấp, vì thế đợt tăng lãi suất huy động ở các ngân hàng nhỏ được nhận định sẽ không gây ảnh hưởng quá lớn tới mặt bằng chung.
"Việc tăng lãi suất huy động phải được tính toán rất kỹ để đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của khách hàng nhưng cũng không gây áp lực lãi suất cho vay đầu ra theo đúng định hướng của Chính phủ và cơ quan quản lý. Điều này sẽ giúp khách hàng là các hộ kinh doanh, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn giá rẻ sớm phục hồi sản xuất kinh doanh vốn đã rất khó khăn trong 2 năm vừa qua," TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho hay.
Ở vị trí người trong cuôc, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Ngân hàng Vietcombank đánh giá: "Để ổn định lãi suất cho vay, chúng tôi đang triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi quy mô lớn với mức lãi suất cho vay thấp, áp dụng với cả khách hàng cá nhân và tổ chức. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tích cực tiết giảm chi phí hoạt động, cơ cấu lại nguồn huy động vốn đầu vào để giảm chi phí. Với các biện pháp đã và đang triển khai, chúng tôi kỳ vọng sẽ duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ổn định trong năm 2022”.
Ở vị trí điều hành, tại phiên trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, điều hành tiền tệ “cũng đang chịu áp lực” trong bối cảnh lãi suất quốc tế tăng cao, nhưng chúng ta phải điều hành lạm phát ổn định, thậm chí giảm. Để củng cố "sức khỏe" cho thanh khoản, thời gian tới, ngân hàng nhà nước tiếp tục điều hành tỷ giá phù hợp nhằm thực hiện mục tiêu này, đồng thời hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.
“Ngân hàng Nhà nước sẽ cân đối hài hoà các giải pháp, công cụ, kể cả giải pháp điều hành tín dụng, tỷ giá... để có lợi nhất cho ổn định vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân”, Thống đốc nói.
Tính toán chính sách tiền tệ phù hợp
Để hỗ trợ các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất thì ngân hàng nhà nước có thể nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, khi nới lỏng tiền tệ, ngân hàng thương mại sẽ phải cân nhắc việc đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát.
Với thực trạng hiện nay, khi lãi suất đang ở mức thấp, hạ thêm lãi suất có thể không mang lại nhiều lợi ích về tăng trưởng, mà còn có thể gây bất ổn về kinh tế vĩ mô trong tương lai. Do vậy, việc nới lỏng chính sách tiền tệ chỉ nên là tạm thời.
Như vậy, có thể nhận định rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc bơm thêm tiền qua kênh tín dụng ngân hàng vào nền kinh tế không phải là biện pháp hiệu quả. Để thúc đẩy tăng trưởng, cần có chính sách tài khóa mở rộng theo hướng tăng chi tiêu công cho đầu tư, đặc biệt là cho an sinh xã hội để thúc đẩy nhu cầu trong nước.
"Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc hạ thêm lãi suất là cần thiết đối với các khoản vay cũ nhằm giảm chi phí trả nợ cho doanh nghiệp. Mặc dù vậy, giải pháp này cũng khó thực hiện được nhiều do ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng thương mại, trừ khi Chính phủ thực hiện bù lãi suất. Chính phủ cân nhắc có thêm gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, có trọng tâm, trọng điểm, phần cấp bù lãi suất lấy từ ngân sách Nhà nước.
Một giải pháp nữa là cần có những chính sách, điều khoản rõ ràng, thực sự giúp doanh nghiệp về cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ, thậm chí có thể khoanh nợ… đồng thời để các ngân hàng thương mại có hành lang pháp lý an toàn, tự tin đồng hành cùng doanh nghiệp", TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Nêu quan điểm, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright, nhấn mạnh, nền kinh tế thế giới đang chuyển từ giai đoạn tiền nhiều, tiền rẻ sang thời kỳ thanh khoản sẽ thắt chặt hơn và lãi suất cao hơn.
Trong bối cảnh này, theo những dự đoán thận trọng thì lãi suất điều hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cuối năm nay cũng sẽ vượt 3%/năm. Khi lãi suất USD tăng mạnh thì mặt bằng lãi suất VND cũng phải tăng lên, nếu không VND sẽ chịu áp lực mất giá mạnh. Nhưng với áp lực lạm phát hiện nay, Việt Nam cũng chưa cần phải nâng lãi suất điều hành, mà để mặt bằng lãi suất trên thị trường tự điều chỉnh.
Với đà phục hồi kinh tế và tín dụng tăng mạnh từ đầu năm đến nay, dự báo, mặt bằng lãi suất ngắn hạn trên thị trường tiền tệ sẽ cao hơn trong thời gian tới. Lãi suất trung hạn và lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 - 10 năm cũng đã tăng lên.
"Ngân hàng nhà nước cần tính toán các kịch bản để đề phòng trường hợp lạm phát vượt 5% và sự tăng giá là trên diện rộng của nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ - tín hiệu cho thấy cần phải thực hiện điều chỉnh chính sách tiền tệ không thể nới lỏng hơn nữa", ông Thành nhận định.