Thấy gì từ việc dòng tiền 'ồ ạt' tìm ngân hàng là kênh trú ẩn?
(DNTO) - Trong bối cảnh vàng, chứng khoán vẫn lình xình, bất động sản tiếp tục chững lại sau những cơn sốt... nhất là khi ngân hàng mạnh tay chỉnh lãi suất huy động ngày càng tăng cao, khiến "khẩu vị" đầu tư đang dần có sự thay đổi.
Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước mới công bố về tiền gửi thanh toán cá nhân tại thời điểm cuối quý I/2022 cho thấy số dư tiền gửi thanh toán của khách hàng cá nhân đã vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, tăng hơn 100.000 tỷ đồng so với quý trước đó.
Đáng lưu ý, số dư tiền gửi thanh toán của khách hàng cá nhân liên tục tăng trong thời gian qua và đã gấp đôi so với thời điểm quý I/2021.
Tiền gửi nhàn rỗi “ồ ạt” quay lại ngân hàng chủ yếu được tác động nhờ vào việc các ngân hàng thương mại bắt đầu điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo hướng tăng lên. Nếu so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái, mặt bằng lãi suất huy động tháng 3/2022 đã tăng khoảng 0,5-1,0 điểm phần trăm.
Cụ thể, biểu lãi suất mới nhất áp dụng từ đầu tháng 7 của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã tăng đáng kể ở các kỳ hạn. Theo đó, khách hàng gửi tiết kiệm từ 100-500 triệu đồng kỳ hạn 9 tháng lãi suất mới nhất là 5,5%/năm, tăng thêm 0,9 điểm % so với trước đó; kỳ hạn 12 tháng lãi suất cũng tăng thêm 0,4 điểm % lên 5,7%/năm so với trước đó.
Lãi suất cao nhất tại ACB hiện là 6,5%/năm áp dụng cho khách hàng ưu tiên với số tiền gửi trên 500 triệu đồng, kỳ hạn 13 tháng. Trong khi đó, mức lãi suất tiền gửi cao nhất trên thị trường hiện nay được ghi nhận tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã vượt 7,5%/năm khi khách hàng gửi tiết kiệm online các kỳ hạn từ 15 tháng trở lên. Mức lãi suất huy động trên 7%/năm cũng được ghi nhận ở nhiều ngân hàng thương mại hơn so với trước đây....
Trao đổi về vấn đề này, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, xu hướng dòng tiền đang trở lại kênh trú ẩn ngân hàng với 3 nguyên nhân.
Thứ nhất, việc cạn room tín dụng khiến một số ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn đã bắt đầu tham gia cuộc đua hút tiền gửi thông qua các chương trình khuyến mãi cũng như cộng thêm phần trăm lãi suất dành cho gửi online..., nhằm chuẩn bị cho nhu cầu vay vốn tăng nhanh khi gói hỗ trợ lãi suất 2% được áp dụng.
Thứ hai, dòng tiền rút bởi ở các kênh đầu tư nóng trước đó dần quay lại trú ẩn tạm thời tại hệ thống ngân hàng để chờ cơ hội mới.
"Điều này cho thấy dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư đã chảy mạnh trở lại vào hệ thống ngân hàng trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như giá vàng không có "sóng", thị trường chứng khoán liên tục tụt áp từ đầu năm đến nay và bất động sản cũng trầm lắng do siết van tín dụng…", ông Hiếu phân tích.
Thứ ba, quan sát từ dữ liệu lịch sử, tiền gửi cư dân thường có xu hướng tăng dần từ đầu quý 2 hàng năm. "Lãi suất tiền gửi sẽ tăng thêm khoảng 0,3- 0,5 điểm % trong năm 2022, trong đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại sẽ tăng lên mức 5,9-6,1%/năm vào cuối năm nay", ông Hiếu dự đoán.
Với dự báo áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tiếp theo, đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, lãi suất huy động được dự báo tiếp tục tăng. Và gửi tiết kiệm ngân hàng được coi là phù hợp với những người thích sự an toàn, những người có ít tiền, không dám đầu tư.
"Với tâm lý ăn chắc mặc bền, rõ ràng kênh đầu tư vào tiền gửi luôn an toàn và thuận tiện. Tức là người dân có thể rút ra bất kỳ lúc nào, nhiều thời hạn khác nhau như ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. "Chọn ngủ yên hơn là chọn ăn ngon", sẽ là khẩu vị mà nhiều nhà đầu tư hướng đến", ông Hiếu khuyến nghị.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, đà tăng này sẽ ngày càng nóng trong quý 4/2022 sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại.
Do đó, các ngân hàng, công ty bảo hiểm và các doanh nghiệp với lượng tiền mặt lớn có thể được "hưởng lợi" từ môi trường lãi suất tăng. Bởi lẽ, các doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền mặt ròng và các doanh nghiệp có tỷ lệ tiền mặt ròng cao có thể không bị ảnh hưởng nhiều bởi lãi suất tăng và thậm chí được hưởng lợi từ lãi tiền gửi tăng.
"Trong ngắn hạn, ngành ngân hàng sẽ được trái ngọt từ việc Chính phủ triển khai gói bù lãi suất với tổng giá trị 43.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 1.000 tỉ đồng nợ) trong hai năm 2022-2023. Điều này giúp các ngân hàng duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng cao và giảm bớt việc phải cắt giảm một phần lợi nhuận để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp như giai đoạn 2020-2021 vừa qua", công ty Chứng khoán VnDirect nhìn nhận.
Về dài hạn, lãi suất cho vay tăng sẽ bù đắp cho lãi suất huy động tăng và giúp ngành ngân hàng cải thiện hệ số NIM và khả năng sinh lời.
Cụ thể, gói cấp bù lãi suất dự báo có thể giảm lãi suất cho vay trung bình từ 0,2 đến 0,4 điểm % vào năm 2022. Tuy nhiên, tác động thực tế của gói bù lãi suất với doanh nghiệp và nền kinh tế có thể giảm bớt nếu các ngân hàng thương mại tăng lãi suất cho vay đối với các khoản vay thông thường khác để bù đắp việc tăng lãi suất huy động.