Vượt sóng gió, nhiều ngân hàng tiếp tục câu chuyện lãi nghìn tỷ
(DNTO) - Xuất hiện những nhà băng đầu tiên hé lộ kết quả kinh doanh quý 2 năm nay. Câu chuyện lãi nghìn tỷ vẫn tiếp diễn cho thấy những mảng sáng tích cực trong ngành ngân hàng.
Lãi nghìn tỷ trong sóng gió
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, mã chứng khoán: TPB), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán: SSB) là những ngân hàng đầu tiên hé lộ kết quả kinh doanh quý 2 với nhiều chỉ tiêu vượt trội.
TPBank ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong quý đạt gần 2.200 tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng so với quý I và cao hơn 73% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.788 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới mức 1%.
Tại SeABank, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 2.806 tỷ đồng, tăng trưởng 180% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 115% kế hoạch 6 tháng đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,65% tại thời điểm 31/12/2021 xuống còn 1,6% thời điểm 30/6/2022.
Như vậy, không chỉ nợ xấu được kiểm soát tốt, chất lượng tài sản ổn định, hai nhà băng trên còn giữ mức lợi nhuận trên một ngàn tỷ, hoàn thành kế hoạch đề ra trong bối cảnh ngành ngân hàng đứng trước nhiều khó khăn như áp lực gia tăng nợ xấu, cạn room tín dụng...
Theo chuyên viên phân tích Trần Tánh, từ Chứng khoán Yuanta, dự báo, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng trung bình sẽ tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên sẽ giảm khoảng -9% so với quý I năm nay, kết quả dựa trên khảo sát danh mục gồm 27 ngân hàng niêm yết. Mức giảm trên được lý giải: do lợi nhuận từ những khoản thu nhập ngoài lãi bất thường, đáng chú ý là khoản phí trả trước từ thương vụ bancassurance độc quyền trị giá hơn 5 nghìn tỷ đồng của VPB.
Mặc dù có sự chậm lại trong hoạt động tín dụng và đầu tư trong quý 2, chuyên gia Yuanta vẫn kỳ vọng, thu nhập phí của các tổ chức tín dụng trong quý 2 ước tính tăng 5% so với quý 1 và tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập lãi ròng trung bình tăng 3% so với quý 1 và 14% so với cùng kỳ.
Niềm vui có dài?
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, câu chuyện lợi nhuận nghìn tỷ sẽ còn xuất hiện tại nhiều ngân hàng trong quý 2. Tuy nhiên, tiêu điểm của ngành ngân hàng được cho nằm ở quý 3 và quý 4, khi Thông tư 14 sẽ hết hạn vào ngày 30/6 và khi đó, các tổ chức tín dụng sẽ phải lo dần những khoản nợ tiềm ẩn. Được biết, dư nợ tái cơ cấu liên quan đến Covid-19 tính đến thời điểm tháng 4 đang ở mức 198 nghìn tỷ đồng (tương đương 8,6 tỷ đô la), đã giảm 33% so với thời điểm cuối năm ngoái.
Room tín dụng của các ngân hàng kỳ vọng được nới trong quý 3, tuy nhiên, việc ngân hàng nào sẽ được nới và nới vào thời điểm nào là câu chuyện còn phải chờ đợi trong bối cảnh hiện nay
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán SSI cho biết, "bản thân các ngân hàng đã chủ động trích lập quỹ dự phòng, tuy nhiên, rủi ro mang tính dài hạn có thể hiện tại chưa thể hiện ra hết".
Do đó theo bà Phương, câu chuyện lợi nhuận các ngân hàng trong quý 3 và quý 4 sẽ có "nhiều thú vị". Tuy nhiên bà cũng tin rằng, bức tranh lợi nhuận cuối năm cũng sẽ có mảng sáng.
Trong báo cáo về ngành ngân hàng, các chuyên gia SSI còn cho biết, áp lực của ngành này không chỉ từ nay đến cuối năm mà sẽ còn lớn hơn nữa trong năm 2023, một năm mà ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Thứ nhất, rủi ro đến từ các khoản vay liên quan đến lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Các biện pháp kiểm soát cho vay với hai lĩnh vực này đang khiến vòng quay vốn và thanh khoản ngân hàng bị ảnh hưởng khi 25% trái phiếu bất động sản phát hành đến hạn vào năm 2022, và 65% đến hạn vào năm 2023, năm 2024. Bản cân đối kế toán của ngân hàng từ năm 2023 sẽ thể hiện những rủi ro trên.
Ngoài ra, có thể kể đến các rủi ro như các khoản nợ tái cơ cấu Covid-19, các khoản vay ưu đãi mua nhà đến kỳ hạn trả gốc và lãi hàng tháng cho ngân hàng.
Các nguyên nhân trên sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận ngành ngân hàng trong các quý tới. Tuy nhiên, hiện tại, câu chuyện lợi nhuận của quý 2 cũng là điểm sáng tích cực của ngành. Và trên mức nền lợi nhuận tương đối thấp của năm 2021, ngành ngân hàng năm 2022 được nhận định sẽ có mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ.