Chênh lệch giữa tốc độ tăng trưởng tín dụng và huy động vốn ngày càng lớn
(DNTO) - Sáu tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng nền kinh tế đã cao hơn gấp 2,1 lần tốc độ huy động vốn trong toàn hệ thống, cùng đó là sức ép của lạm phát khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải có nhiều biện pháp để ổn định nền kinh tế.
Tín dụng bán lẻ tăng trưởng mạnh
Báo cáo vừa công bố từ Tổng cục Thống kê, tới thời điểm ngày 20/6, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đã đạt 8,51%, tăng cao so với con số 5,47% cùng thời điểm này năm ngoái. Tuy nhiên, huy động vốn của các tổ chức tín dụng mới chỉ tăng 3,97%, trong khi cùng thời điểm năm 2021, chỉ tiêu này mới chỉ tăng 3,13%.
Như vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đang cao hơn gấp 2,14 lần tốc độ huy động vốn trên toàn hệ thống. Khoảng cách đang rõ hơn, khi trong quý 1 năm nay, con số này là 1,87 lần. Nguyên nhân được cho là các doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất kinh doanh, người dân trở lại với cuộc sống bình thường nên nhu cầu vốn ngày càng lớn nhằm phục hồi kinh tế sau giai đoạn khó khăn của dịch bệnh.
Sự chênh lệch này cũng đang tạo nhiều áp lực cho hệ thống ngân hàng, một mặt có thể dẫn đến sự cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại trong huy động vốn trở nên mạnh mẽ hơn để đáp ứng nhu cầu vay vốn của nền kinh tế, trong khi đó lãi suất cho vay đang nằm trong tầm kiểm soát từ NHNN khiến lợi nhuận các ngân hàng sẽ phải chịu sức ép điều chỉnh.
Thống kê từ Vietcombank Securities (VCBS), tín dụng bán lẻ trong các ngân hàng niêm yết đã tăng từ 31% năm 2015 lên mức 45% tổng dư nợ tại cuối quý 1/2022, trong đó phải kể đến tăng trưởng các sản phẩm như vay mua nhà, mua ô tô, tài chính tiêu dùng..., trở thành động lực tăng trưởng chính của tín dụng hệ thống ngân hàng Việt Nam. Doanh nghiệp SME cũng được các ngân hàng ưu tiên hơn nhờ hệ số rủi ro khi tính CAR ở mức thấp hơn cho vay doanh nghiệp lớn và tỷ suất sinh lời cao hơn.
"Nhu cầu tín dụng duy trì tích cực, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 14 – 16% năm 2022, do được hỗ trợ bởi nền kinh tế hồi phục sau dịch bệnh và gói hỗ trợ lãi suất 2% tương ứng với dư nợ khoảng 2 triệu tỷ đồng phân bổ trong 2022 và 2023", VCBS nhận định.
Cũng theo Phó Thống đốc Ngân hàng Đào Minh Tú, việc tăng trưởng tín dụng hiện nay là phù hợp với diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế, góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.
Thắt chặt cung tiền
Nhu cầu tín dụng tăng, tuy nhiên zoom nhiều ngân hàng trong tình trạng cạn, cộng đó là áp lực lạm phát khiến NHNN thắt chặt cung tiền ra thị trường nhằm giảm bớt sự dồi dào cho thanh khoản hệ thống.
Trong tuần trước, NHNN đã bất ngờ khởi động lại kênh phát hành tín phiếu trên hoạt động thị trường mở sau hơn hai năm ngừng hoạt động với hình thức đấu thầu lãi suất chứ không ấn định lãi suất phát hành như trước đây. Nếu phiên thăm dò đầu tiên chỉ với 200 tỷ đồng hút về với lãi suất 0,3% thì sau đó, tốc độ hút tiền gia tăng đáng kể.
Tính đến ngày 29/6, hơn 7.000 tỷ đồng được hút ròng qua kênh tín phiếu với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất bình quân 0,65%.
"Trên thực tế, động thái nhanh chóng hút tiền về của NHNN là phù hợp trong ngắn hạn nhằm giảm áp lực lên đồng VND và cũng các giúp NHTM giải quyết vấn đề thừa thanh khoản tiền đồng", các chuyên gia của SSI nhận định.
Cũng theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, thanh khoản cuối quý sẽ không chịu áp lực như trước và NHNN được kỳ vọng sẽ tiếp tục thực hiện nghiệp vụ bán tín phiếu để duy trì chênh lệch lãi suất USD-VND ở mức hợp lý.
NHNN đang xem xét nới room tăng trưởng tín dụng cho nhiều ngân hàng, nhiều chuyên gia kỳ vọng các ngân hàng này sẽ được cấp bổ sung room tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn đầu quý 3 năm nay.
Ở một góc nhìn khác, phát biểu trong một cuộc hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết, chưa bao giờ Việt Nam kiểm soát lạm phát tốt như bây giờ. Tuy nhiên, theo ông hiện tại đang là "tình thế bất thường" và phải xử sự theo "nguyên tắc khác thường".
Cụ thể, ông đề xuất, cơ quan chức năng cần chủ động chấp nhận mức lạm phát 5-6%, không sợ lạm phát để can đảm bơm tiền vào nền kinh tế qua 2 kênh: đầu tư công, trái phiếu-cổ phiếu.
"Câu chuyện bơm tiền cho nền kinh tế trên tinh thần phục hồi và phát triển, chứ không phải rón rén theo kiểu đút cho mấy thìa cháo đứng lên rồi lại gục ngã xuống", ông Thiên nhận định.