Tăng trưởng tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021
(DNTO) - Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đánh giá việc tăng trưởng tín dụng cao hơn nhiều so với cùng kỳ cho thấy nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng đang hồi phục nhanh sau đại dịch.
Chia sẻ tại buổi cập nhật thông tin hoạt động ngành ngân hàng tổ chức tại TP.HCM mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay đạt khoảng 8,2%, cao gần gấp đôi so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước. Con số này chứng tỏ sự phục hồi nhanh của nền kinh tế, doanh nghiệp. Ngành ngân hàng cũng đã định hướng tập trung vốn cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh cần ưu tiên từ đầu năm.
Với dòng vốn tín dụng chảy vào bất động sản được quan tâm thời gian qua, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết hoạt động cho vay các bất động sản tự sử dụng, tự kinh doanh tăng nhanh hơn nhiều so với tín dụng đổ vào các dự án lớn, bất động sản kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này chứng tỏ sự điều hướng của dòng vốn vào nền kinh tế tốt hơn.
"Chủ trương chung là luôn kiểm soát rủi ro với những lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao. Do đó, ngành ngân hàng phải kiểm soát rủi ro dòng vốn chảy vào bất động sản ở những phân khúc dự án lớn, dự án có tính chất đầu cơ còn việc đầu tư vào các lĩnh vực như nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội, nhà cho công nhân, cải tạo chung cư cũ vẫn được khuyến khích", ông Tú nói.
Đối với chính sách tiền tệ 6 tháng cuối năm, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh, áp lực lớn nhất là lạm phát. Dẫn số liệu lạm phát của của Mỹ trên 8%, Anh trên 9%, Thái Lan 7,1%, Thổ Nhĩ kỳ 73,5%, Hàn Quốc 5,4%...Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: “Các nước phát triển trên thế giới đang đối mặt với lạm phát tăng mạnh, các ngân hàng trung ương bắt đầu lộ trình tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Tình hình tài chính tiền tệ toàn cầu nói chung có nhiều biến động sẽ tác động tới chúng ta vì Việt Nam có độ mở nền kinh tế khá lớn.”
Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo NHNN cũng khẳng định, hiện nay, Việt Nam vẫn đang điều hành hết sức ổn định. Lạm phát đến cuối tháng 5/2022 mới chỉ 2,25%, trong đó chủ yếu là do yếu tố giá cả (giá xăng dầu).
Do đó, NHNN sẽ tính toán để đưa ra các phương án, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác với mục tiêu ưu tiên là kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Đồng thời, đảm bảo tăng trưởng tín dụng hợp lý trên cơ sở kiểm soát được lạm phát, ưu tiên cung ứng vốn cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn do Covid-19, tạo điều kiện nhanh khôi phục nền kinh tế. Riêng các lĩnh vực có hệ số rủi ro cao vẫn sẽ được kiểm soát chặt chẽ.