Phó Thống đốc NHNN: 'Các ngân hàng cần cơ cấu lại tín dụng để bơm vốn hiệu quả'
(DNTO) - "Ngân hàng nhà nước sẽ nới room tín dụng trong thời gian tới, song mức độ nới có thể sẽ không quá nhiều. Trong lúc chờ cấp room tín dụng, các ngân hàng nên có động thái "phòng thủ", nắn dòng vốn cho các lĩnh vực ưu tiên hơn...", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định.
6 tháng đầu năm, tín dụng tăng 17,09%
Sáng nay, 15/6, tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thông tin, tính đến ngày 9/6, tín dụng ngân hàng tăng 8,15% so với cuối năm ngoái, tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành mặc dù chịu áp lực từ xu hướng nới lỏng tiền tệ, tăng lãi suất trên toàn cầu, nhằm tạo điều kiện để tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh.
“Trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá linh hoạt phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ, qua đó, góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và ổn định lạm phát”, ông Đào Minh Tú cho biết.
Công tác tài cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai tích cực. Theo ông Đào Minh Tú, sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được giữ vững; quy mô hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng; năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành từng bước được củng cố, nâng cao, tiệm cận thông lệ quốc tế...
Trước sự bất ổn của nền kinh tế, chính trị trên toàn cầu, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thừa nhận: Thời gian tới Việt Nam sẽ có nhiều khó khăn phải đối mặt, trong đó là nguy cơ lạm phát. “Lạm phát đã không còn là nguy cơ mà đang hiện hữu. Các nước phát triển trên thế giới đang đối mặt với lạm phát tăng mạnh, các ngân hàng trung ương bắt đầu lộ trình tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Tình hình tài chính tiền tệ toàn cầu nói chung có nhiều biến động sẽ tác động tới chúng ta vì Việt Nam có độ mở nền kinh tế khá lớn".
"Kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu trên điều hành chính sách tiền tệ của ngành ngân hàng. Trên cơ sở đó, tiếp tục cung ứng vốn một cách hợp lý trên điều kiện kiểm soát lạm phát", Phó Thống đốc thông tin và khẳng định, đã đánh giá những tác động này và sẵn sàng lường trước những bất lợi có thể lớn hơn nữa trong thời gian tới.
"Ngân hàng nhà nước sẽ “linh hoạt” trong thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra cho năm nay là 14%, song sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể để điều chỉnh cho phù hợp". Đặc biệt, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có khả năng tăng lãi suất trong tuần này cũng sẽ gây áp lực nhất định lên điều hành tỷ giá của Việt Nam. Do đó, sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, ông Tú nhận định.
Chiến lược 'gạn đục khơi trong' chờ nới room
Hiện tại có không ít doanh nghiệp phản ánh, đã được chấp thuận cho vay nhưng lại không được giải ngân vì lý do hết room tín dụng, ông Tú cho rằng, tăng trưởng tín dụng tính đến nay đạt khoảng 8,15%, con số này còn khá xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngân hàng nhà nước.
"Ngân hàng nhà nước sẽ nới room tín dụng trong thời gian tới, song mức độ nới có thể sẽ không quá nhiều. Còn về phía các ngân hàng thương mại, trong điều kiện bình thường, nhóm này đóng vai trò hiệu quả cho việc điều phối nguồn vốn hay lưu thông các dòng tiền.
Tuy nhiên, tại thời điểm nền kinh tế đang đương đầu với nhiều khó khăn như hiện nay thì các ngân hàng thương mại cần nỗ lực thực hiện một vai trò rất quan trọng mà không phải ai cũng biết đó là công cụ điều tiết nền kinh tế vĩ mô của nhà nước", ông Tú nhận định.
Theo ông Tú, hiện nhiều ngân hàng còn room tín dụng. Chỉ một số tổ chức tài chính gần cạn room tín dụng, do đó các ngân hàng này nên có động thái "phòng thủ", cấp tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên hơn, những khoản nợ chất lượng cao hơn,... Đây cũng là thời điểm để các ngân hàng này "gạn đục khơi trong" cơ cấu lại tín dụng.
"Chỉ tiêu 14% mang tính chất định hướng của Ngân hàng Nhà nước đặt ra từ đầu năm về tín dụng. Rõ ràng, từ năm 2021 – 2022, ngân hàng nhà nước có thêm câu "có điều chỉnh phù hợp theo điều kiện thực tế". Vì vậy, tăng trưởng thực tế có thể phải thắt chặt chỉ 11 - 12%, hoặc cũng có thể lên tới 15 - 16%", ông Tú nêu vấn đề.
Ông Tú cho rằng, các ngân hàng thương mại hoàn toàn có thể chủ động đề ra giải pháp hay tích cực tham gia xây dựng cơ chế giúp hệ thống tài chính có thể bơm vốn hiệu quả. Trong giai đoạn này, có lẽ không một tổ chức nào có thể hiểu thị trường vốn và thực trạng hoạt động của nền kinh tế sau đại dịch hơn các ngân hàng thương mại.
Chính vì vậy, việc thiết kế và thực thi các chính sách tín dụng phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế có thể được xây dựng theo hướng từ dưới lên với sự tham gia của các ngân hàng thương mại. Trong đó, đặc biệt lưu ý vai trò của những ngân hàng thương mại có thị phần lớn, dẫn dắt thị trường. Bên cạnh đó, cũng cần có chế tài để các họ thực sự có động cơ đặt lợi ích của nền kinh tế lên trên lợi ích của mình.
Đồng thời, câu chuyện không phải chỉ là nới hay không nới room tín dụng mà còn là câu chuyện nới rồi tiền sẽ chảy đi đâu?. Nếu nới rồi và lại ồ ạt giải ngân mà không tính đến các ngành quan trọng chưa kịp phục hồi thì việc cạn room lần sau có thể sẽ bóp nghẹt nhóm này.