Khó bỏ áp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng?
(DNTO) - Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, việc phân bổ hạn mức tín dụng với các tổ chức tín dụng là giải pháp hiệu quả của NHNN nhằm tránh cuộc đua lãi suất có thể xảy ra, gây bất ổn cho nền kinh tế.
Theo số liệu từ NHNN, tăng trưởng tín dụng tính tới cuối tháng 5 vừa qua đã đạt 7,75%, mức cao nhất trong 10 năm qua, đồng thời gấp đôi mức tăng trưởng trong cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu tín dụng lớn trong quá trình phục hồi nền kinh tế, tuy nhiên nhiều tổ chức tín dụng lại trong tình trạng cạn room tín dụng. Tiền "thừa" nhưng các ngân hàng khó tìm đường để đưa tiền ra ngoài.
Chất vấn Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tại nghị trường Quốc hội chiều 8/6, đại biểu thắc mắc: Liệu việc phân bổ hạn mức tín dụng như vậy có mang tính hành chính không và bao giờ quy định này có thể bỏ?
Theo Thống đốc, đây là biện pháp hiệu quả nhằm đưa thị trường tín dụng đi vào ổn định.
Việt Nam có đặc thù nền kinh tế, vốn đầu tư dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Trong khi đó, thực tế dư nợ tín dụng/GDP trong nước đã đạt 124%. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, con số trên được đánh giá đứng đầu trên thế giới nên.
"Khi có cú sốc biến động cử tình hình kinh tế thế giới mà doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn thì sẽ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng. Ngân hàng mất khả năng chi trả sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế", bà Hồng nhận định.
"Trước đây khi không thực hiện hạn mức này, tăng trưởng tín dụng rất cao, trên 30%/năm, có năm cao 53% tạo ra cuộc đua lãi suất để huy động nguồn tiền", Thống đốc cho biết.
Hiện ngành nhân hành đang trong giai đoạn tái cơ cấu, dần tiến tới chuẩn mực quốc tế. Thị trường vốn đang trong quá trình phát triển non trẻ, do đó việc kiểm soát nguồn vốn tín dụng là cần thiết. Mục tiêu của NHNN vẫn là hướng đến câu chuyện ổn định vĩ mô, kiểm soát, không để xảy ra lạm phát và sẽ phải căn cứ vào từng ngân hàng ở các chỉ tiêu để xét cấp hạn mức tín dụng.
Trên thực tế, thanh khoản dồi dào trong thời gian này tương đối quan trọng với nền kinh tế, một mặt giúp áp lực lãi suất đã hoàn toàn giảm xuống, đồng thời giúp tỷ giá có thể ổn định trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên về lâu dài, cơ chế này đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ nhiều người khi cho rằng, đây phải chăng là cơ chế "xin cho" và điều này phải chăng đang hạn chế năng lực của các tổ chức tín dụng.
Theo TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Tài chính Tiền quốc gia, cơ chế này cần bỏ bởi về lâu dài, cần quản lý các ngân hàng bằng các chỉ số tài chính thay vì công cụ hành chính là trần tăng trưởng tín dụng. Đến nay, rất ít quốc gia trên thế giới còn sử dụng công cụ giao chỉ tiêu tín dụng này.
Trong khi đó, theo TS Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược (NHNN), bỏ công cụ cấp hạn mức tín dụng sẽ tạo ra sự chủ động cho các ngân hàng trong quá trình cung ứng vốn cho nền kinh tế. "Khi có nhiều rủi ro, các tổ chức tín dụng sẽ phải hạn chế cung ứng, còn khi nền kinh tế phục hồi thì lại sẵn sàng huy động vốn, để có thể cung ứng tiền dồi dào hơn. Với van tín dụng như vậy sẽ nhanh nhạy và đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường hơn”, ông Hoè cho biết.