Siết tín dụng bất động sản có khiến thị trường trì trệ?
(DNTO) - Chiều 8/6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.
Siết tín dụng đối với bất động sản khiến người nghèo khó mua nhà giá rẻ
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) và đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang), về việc siết tín dụng đối với bất động sản có thể dẫn tới hệ lụy thị trường đình trệ, khiến người nghèo ở đô thị khó mua nhà giá rẻ, trong khi nhiều doanh nghiệp bất động sản làm ăn nghiêm túc, đúng pháp luật lại không thể tiếp cận vốn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Thị trường bất động sản gồm nhiều chủ thể, thu hút được nhiều nguồn đầu tư khác nhau. Tín dụng là một kênh tham gia đầu tư bất động sản. Nhiều năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước chủ trương mở rộng tín dụng đi đôi với hiệu quả, tập trung vốn vào sản xuất, kinh doanh, kiểm soát tín dụng rủi ro.
Theo bà Hồng, lĩnh vực bất động sản có rủi ro mất vốn. Để ngăn rủi ro tín dụng, các ngân hàng chỉ cho vay khi khách hàng đủ điều kiện, đảm bảo khả năng trả nợ. Bản chất bất động sản là tài sản lớn, kỳ hạn dài trong khi tiền gửi của hệ thống ngân hàng là ngắn hạn. Nếu tổ chức tín dụng cho vay không kiểm soát được thì có thời điểm khách hàng đến rút tiền mà không đòi lại được khoản nợ dài hạn.
Đối với nhu cầu mua nhà để ở, sửa chữa nhà ở, ngành ngân hàng luôn đáp ứng đầy đủ. Thực tế số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 2,2 triệu tỷ đồng dư nợ bất động sản hiện nay, có tới 65% là mua nhà để ở, sửa nhà, phục vụ mục đích tiêu dùng.
Doanh nghiệp nhỏ vẫn khó vay lãi suất thấp
Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Thân về vấn đề lãi suất dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn cao, việc tiệm cận vốn khó khăn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc điều hành lãi suất, giảm lãi suất để giảm khó khăn cho doanh nghiệp, người dân là nhiệm vụ được Ngân hàng Nhà nước quan tâm.
Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo hệ thống, có các giải pháp giảm mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2022, điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước chịu áp lực lớn từ bên ngoài, khi lạm phát tăng trên toàn cầu.
Ở các nước, lãi suất tăng lên rất nhiều, trong nước, lãi suất phụ thuộc vào cung cầu vốn. Trong những tháng qua, tín dụng tăng ở mức khá cao, tuy áp lực lớn nhưng Ngân hàng Nhà nước đã cơ bản điều tiết, ổn định được mặt bằng lãi suất so với cùng kỳ.
Theo bà Hồng, Nghị quyết 43/2022-QH15 đưa ra quan điểm và mục tiêu là cần giảm mức lãi suất, thực hiện phục hồi kinh tế, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, trong điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước điều hành trên cơ sở tổng thể, phối hợp các công cụ điều hành để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí trong hoạt động, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều hạn chế trong điều kiện tài chính, khả năng quản trị…, nên độ xếp hạng tín nhiệm không cao, gặp khó khăn trong vay vốn tại các ngân hàng, dễ phải chịu mức lãi suất cao hơn so với các doanh nghiệp có độ tín nhiệm cao. Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, người dân.
Đối với vấn đề tiếp cận tín dụng, có nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện tiếp cận, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Nhà nước ta đã đưa ra các giải pháp chính sách như ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ đã ra các nghị định, có các Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Do đó, thời gian tới sẽ tiến hành tổng kết hoạt động của quỹ, trên cơ sở đó tạo điều kiện rộng mở hơn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.