Khắc phục lỗ hổng, khơi dòng chảy vốn cho nền kinh tế
(DNTO) - Thị trường tài chính thời gian qua đã chứng khiến những sự việc được coi là khối "u nhọt" đe dọa sức khỏe nền kinh tế. Nguyên nhân bởi chính sách hiện nay chưa đủ “táo bạo” khi để những vấn đề đang xảy ra và xử lý mới chỉ ở "phần nổi" của tảng băng chìm.
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế - tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích, lâu nay, các doanh nghiệp vẫn "sống tạm" và phụ thuộc vào "cửa" duy nhất là vốn vay ngân hàng. Trong khi, về nguyên lý, ngân hàng chỉ nên đáp ứng vốn vay ngắn hạn.
Khi tiêu chuẩn cho vay đang bị thắt chặt, đặc biệt với các ngành bị hạn chế cấp tín dụng như bất động sản, thì trái phiếu doanh nghiệp đang trở thành một kênh huy động vốn thay thế. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi, tài trợ cho hoạt động đầu tư kinh doanh dài hạn, giúp doanh nghiệp giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay từ hệ thống ngân hàng
Tuy nhiên, vừa qua thị trường có xảy ra một số vụ việc sai phạm liên quan đến thao túng, tạo "sóng" để hút các nhà đầu tư "lướt sóng" ngắn hạn, hay những giao dịch lớn không công bố... với mục đích để trục lợi, làm ảnh hưởng đến an toàn tín dụng, an toàn của nền tài chính đất nước.
Ông Hiếu cho rằng, hiện các doanh nghiệp bất động sản vẫn tiếp tục khai thác thị trường cổ phiếu và trái phiếu để huy động vốn trung và dài hạn nhưng cả hai thị trường này cần phải có sự cải tổ và điều chỉnh tận gốc. Đó là các quy định luật pháp về phát hành và giao dịch cổ phiếu và trái phiếu cần phải được chỉnh sửa và hoàn thiện hiệu quả hơn, bởi những vấn đề đang xảy ra và xử lý mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
"Đã đến lúc các cơ quan quản lý, nhà đầu tư và chính doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải nhìn nhận lại vai trò của trái phiếu doanh nghiệp trong hệ thống tài chính Việt Nam để có giải pháp quản lý và phát triển lành mạnh, minh bạch, bền vững", ông Hiếu nhìn nhận.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá thời gian qua thị trường vốn và thị trường bất động sản đã huy động được một lượng vốn lớn, song việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất cao, thiếu thông tin, kém minh bạch, có thể ảnh hưởng đến tình hình tài chính của doanh nghiệp. Hiệu quả sử dụng vốn thấp và thị trường bất động sản không thuận lợi cũng khiến dòng tiền trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn gặp nhiều khó khăn.
Cùng với đó, tình hình tăng trưởng nhanh của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu thời gian gầy đây đã phát sinh những rủi ro tiềm ẩn như hiện tượng thao túng giá trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh ngày càng tinh vi, phức tạp...
"Những hạn chế nói trên đã ảnh hưởng đến hiệu quả và chất lượng của các đợt phát hành chứng khoán để huy động vốn, gia tăng rủi ro cho nhà đầu tư. Điều này đặt ra yêu cầu đối với cơ quan quản lý là Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp quản lý, giám sát thông tin tuyên truyền và thực hiện một số điều chỉnh, sửa đổi về mặt chính sách, quy định pháp lý cho phù hợp", Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Để thị trường vốn "sống khỏe"
Vừa qua, Bộ Tài chính đã có 5 văn bản được công bố trên phương tiện truyền thông, để cảnh báo về những rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ để nhà đầu tư cẩn trọng khi tham gia. Đồng thời, Bộ Tài chính liên tục có các công điện chỉ đạo, yêu cầu kiểm tra, rà soát trên thị trường này.
Nhấn mạnh thị trường chứng khoán là nơi huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, sắp tới sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 153, trình Chính phủ, trình Quốc hội sửa Luật Chứng khoán…, từ đó khắc phục lỗ hổng, tăng cường minh bạch trên thị trường.
Cùng với định hướng của Chính phủ, sự vào cuộc của các đầu mối chức năng, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế và ngay cả trong nước đang dần mở rộng sự đồng hành trên thị trường này. Và trong số nhiều giải pháp được đưa ra tại hội nghị về thị trường vốn do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, một giải pháp rất quan trọng là khẩn trương ban hành các quy định pháp lý để thúc đẩy sự ra đời của công ty xếp hạng tín nhiệm.
"Để phát triển bền vững thị trường vốn, sự minh bạch thị trường là vấn đề được nhiều nhà đầu tư quốc tế quan tâm. Do vậy, trong thời gian tới, thị trường cần có sự tham gia của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín, có thể định vị định giá trái phiếu Việt Nam", các chuyên gia nhận định.
Nêu quan điểm về vấn đề "nóng" tại kỳ họp Quốc hội những ngày qua, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản. “Cần rà soát chính sách quản lý đối với các loại thị trường quan trọng này để tránh tình trạng lúc quá mở, lúc lại bóp nghẹt làm ảnh hưởng đến kênh dẫn vốn của nền kinh tế để không xảy ra những quả bom về trái phiếu doanh nghiệp dẫn đến hiệu ứng domino trong thị trường vốn”.
“Cần có giải pháp phát triển cân đối thị trường vốn, thị trường tiền tệ, làm lành mạnh hóa thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn, thực hiện các dự án đầu tư phát triển doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quyền lợi của người tham gia thị trường, hạn chế tối đa các hành vi trục lợi”, đại biểu An đề nghị.
Đối với giải pháp ổn định thị trường, lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong thời gian tới Ủy ban sẽ tiếp tục điều hành thị trường theo hướng đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư bằng việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thị trường phát triển ổn định và bền vững.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, đối với phát hành trái phiếu, nên tiếp tục duy trì, cần có những quy định mới, kiểm soát, thúc đẩy tính minh bạch, lành mạnh, làm thị trường trong sạch. Đồng thời, thúc đẩy, hình thành các quỹ đầu tư để doanh nghiệp sớm được tiếp cận.
"Cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp lý của các dự án bất động sản theo hướng mở để bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận. Hiện tại, chỉ có các ngân hàng, tổ chức mới có thể thẩm định được vấn đề pháp lý của doanh nghiệp bất động sản trong khi các cá nhân gặp rất nhiều khó khăn. Trong dài hạn, các tổ chức phát hành trái phiếu sẽ phải chuẩn hóa việc công bố thông tin như cổ phiếu để tăng sự minh bạch, điểm mấu chốt giúp thị trường phát triển lành mạnh...", ông Đính nhận định.
Có thể nói, trong môi trường có xu hướng lành mạnh hơn, minh bạch hơn với quyết tâm cao của các cơ quan quản lý nhà nước, thị trường càng có cơ sở để kỳ vọng phát triển bền vững. Và ở đó, các doanh nghiệp tốt chứng minh được uy tín và năng lực sẽ tự tin gọi vốn mà không nhất thiết phải sẵn có nhiều tài sản đảm bảo, nhà đầu tư được nắm bắt các cơ hội và được bảo vệ tốt hơn, bên cạnh năng lực sàng lọc và quản trị rủi ro của chính họ.