Phát triển thị trường vốn để 'kích hoạt' doanh nghiệp Nhà nước
(DNTO) - Phát triển thị trường vốn sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước sớm hoàn thành quy trình quản trị công ty minh bạch, rõ ràng, đặc biệt là các công ty đại chúng có vốn nhà nước; qua đó thúc đẩy tăng khối lượng giao dịch trên thị trường, tăng tính thanh khoản cho cổ đông nhà nước.
Tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước còn chậm
Bên lề Tọa đàm “Phát triển thị trường vốn – Cơ hội trong kỷ nguyên mới”, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, cho rằng, câu chuyện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước là vấn đề tồn tại kéo dài nhiều năm tại đa số các doanh nghiệp nhà nước, đây là nguyên nhân của tình trạng kém hiệu quả trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Theo Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, trong giai đoạn 2016 – 2020, các DNNN đã từng bước được cơ cấu lại hiệu quả hơn, giữ vững vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của nền kinh tế, góp phần điều tiết kinh tế, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nhưng bên cạnh đó, việc tái cấu trúc còn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể, cơ cấu lại bộ máy lãnh đạo, nâng cao hiệu quả, trách nhiệm để người cán bộ quản lý tại một số DNNN chưa làm tốt, triệt để. Một số cán bộ quản lý DNNN còn thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong quá trình tổ chức triển khai hoạt động nên vẫn còn DNNN sản xuất, kinh doanh hiệu quả thấp, thua lỗ, không tương xứng với nguồn lực nắm giữ; tại một số DNNN vẫn có những dự án chưa hiệu quả, làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
“Công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp trong điều hành sản xuất kinh doanh còn chậm. Tại nhiều DNNN chưa theo kịp với yêu cầu biến động của thị trường, chưa thực sự theo cơ chế thị trường. Ngoài ra, công nghệ và công cụ quản trị kinh doanh chậm đổi mới. Nhiều doanh nghiệp chưa áp dụng công nghệ điều hành hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin, dẫn đến chậm hoặc không phát hiện được các vấn đề phát sinh trong kinh doanh...”, ông Tiến cho hay
Cục trưởng Đặng Quyết Tiến chỉ ra, nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ những vướng mắc về thể chế chậm được nghiên cứu, hoàn thiện, bổ sung để tháo gỡ và thúc đẩy quá trình tự chủ gắn tự chịu trách nhiệm theo đúng nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, tuân thủ chặt chẽ pháp luật.
Việc tổ chức thực hiện tái cấu trúc về cổ phần hóa, thoái vốn của một số Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước chưa thực sự nghiêm túc, dẫn đến DNNN chưa xây dựng được hướng đi mới, nên còn lúng túng và không muốn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỷ suất sinh lời cao.
Làm gì để thúc đẩy thị trường vốn?
Ông Tiến cho rằng, thị trường vốn trong giai đoạn 2021-2030 sẽ được tăng cường quản lý, giám sát để phát triển bền vững, đồng bộ giữa các cấu phần và trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế và khu vực DNNN (các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước).
“Thị trường vốn với nòng cốt là thị trường chứng khoán hoạt động công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường; nâng cao tính cạnh tranh, vận hành thị trường theo xu hướng và thông lệ quốc tế. Từng bước chuyển từ cơ chế quản lý thị trường cổ phiều dựa trên chất lượng sang công bố thông tin đầy đủ; tiến tới thành lập sàn giao dịch chuyên biệt cho các DNNN; đa dạng phương thức định giá cổ phần chào bán ra công chúng”, ông Tiến nhấn mạnh.
Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp để trở thành thị trường quan trọng cùng với thị trường cổ phiếu là kênh huy động chính cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của DNNN. Hình thành thị trường dịch vụ đánh giá hệ số mức tín nhiệm để thúc đẩy DNNN đổi mới quản lý, thúc đẩy quản trị đầy đủ theo nguyên tắc thông lệ quốc tế và coi trọng việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trước người dân và xã hội.
Để gắn sự phát triển của thị trường vốn với lộ trình tái cấu trúc DNNN giai đoạn 2021 – 2025, ông Tiến cho biết, cần hoàn thiện chính sách về cổ phần hóa doanh nghiệp, trong đó, thực hiện nghiêm quy định về đăng ký lưu ký, đăng ký giao dịch, đăng ký niêm yết trên thị trường chứng khoán. Thí điểm một số DNNN sau cổ phần hóa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán khu vực và thế giới.
Các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa đạt được tỷ lệ vốn nhà nước theo tiêu chí phân loại DNNN thì phải tổ chức lập kế hoạch và triển khai công tác thoái vốn theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo tỷ lệ nhà nước nắm giữ.
Cần thực hiện công khai thông tin đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước (trừ các doanh nghiệp có liên quan đến quốc phòng, an ninh), đảm bảo cho mọi đối tượng quan tâm có thể dễ theo dõi, giám sát, khai thác thông tin. Công khai thủ tục, điều kiện, quá trình lựa chọn và đối tượng thụ hưởng các nguồn lực quốc gia, đặc biệt là đất, tài nguyên thiên nhiên.
Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, DNNN có trách nhiệm giải trình về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh; bảo toàn, phát triển vốn nhà nước trước cơ quan đại diện chủ sở hữu khi có yêu cầu.
Đặc biệt, phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước với việc phê duyệt phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, tổ chức và giám sát việc triển khai thực hiện có hiệu quả phương án được duyệt. Ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước với công tác công khai thông tin của doanh nghiệp.