Ấn Độ - 'miền đất hứa' cho doanh nghiệp Việt
(DNTO) - Ngày 8/4, Đại sứ quán Ấn Độ phối hợp với Cục đầu tư nước ngoài tổ chức Hội thảo về “Cơ hội thương mại và đầu tư tại Ấn Độ cho các doanh nghiệp”. Với thông điệp 'nền kinh tế 5 nghìn tỉ USD đến năm 2025', Ấn Độ sẽ là 'miền đất hứa' cho doanh nghiệp Việt.
Phát biểu khai mạc toạ đàm, ông Pranay Verma, đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cho biết: "Ấn Độ là nền kinh tế đứng thứ 5 trên thế giới với GDP là 3000 tỉ USD, kinh tế phát triển mạnh, và đó là lí do vì sao chúng tôi muốn chia sẻ thông điệp với Việt Nam về tầm nhìn về triển vọng kinh tế Ấn Độ. Hy vọng sự kiện này sẽ thu hút đông đảo sự quan tâm của các nhà đầu tư của bạn bè trên thế giới đặc biệt là ở Việt Nam. Đây không chỉ là cơ hội, sự kiện có quy mô toàn cầu mà hơn hết chúng tôi muốn tập trung vào quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Ấn Độ tìm kiếm những cơ hội phát triển hơn nữa cho hai bên".
Ông Pranay Verma nhấn mạnh, trong năm 2020 nền kinh tế thế giới bị bao phủ với bóng đêm của Covid và Ấn Độ cũng không ngoại lệ, thời điểm vừa qua Ấn Độ đã có những chính sách, quyết định táo bạo, đúng thời điểm và đúng đắn về định hướng với những biện pháp chuyển đổi toàn diện để phục hồi nền kinh tế vượt sóng Covid. Khả năng phục hồi của Ấn Độ là minh chứng cho thấy một Ấn Độ kiên cường.
Ông Pranay Verma cũng cho rằng, mối quan hệ kinh tế là một trong những trụ cột then chốt trong quan hệ đối tác toàn diện chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ. Thời gian qua, lượng vốn đầu tư của Việt Nam vào Ấn Độ vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ khoảng 30 triệu USD. Tuy nhiên, trong tương lai sẽ có nhiều cơ hội doanh nghiệp Việt Nam đến đầu tư, khai thác ở thị trường Ấn Độ. Gần đây, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ đang tăng trưởng ấn tượng và đang ở mức hơn 12 tỷ USD.
Và để tạo cơ hội thương mại cho các doanh nghiệp, ông Pranay Verma mong muốn trong thời gian tới, hai nước có thể liên kết với nhau trong những ngành nghề thế mạnh. Chẳng hạn như, Việt Nam có thế mạnh nổi trội như chế biến thực phẩm nông nghiệp để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Công nghệ thông tin cũng là lĩnh vực 2 quốc gia có thể liên kết lâu dài. Bên cạnh đó, Việt Nam có kinh nghiệm tốt về thúc đẩy du lịch, đây là lĩnh vực chiến lược thúc đẩy kinh tế. Ấn Độ sẵn sàng mở ra nhiều phương án để doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cũng cho rằng, với dân số hơn 1,4 tỷ dân, Ấn Độ là một trong những thị trường đầy tiềm năng, là "miền đất hứa" để doanh nghiệp Việt Nam khai thác, mở rộng thị trường, nhất là lĩnh vực dệt may, chế biến thực phẩm... Đặc biệt, với cơ chế hợp tác ngày càng đa dạng, phong phú, doanh nghiệp Việt cũng có thể đẩy mạnh hợp tác, học hỏi kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực thế mạnh của Ấn Độ như tài chính, công nghệ thông tin, đào tạo nhân lực chất lượng cao…
Chia sẻ về kế hoạch, giải pháp pháp phát triển kinh tế xã hội của Ấn Độ để thu hút đầu tư, ông Vaibhav Saxena, Phó chủ tịch Phòng thương mại và công nghệ Ấn Độ tại Việt Nam cho rằng, một trong những trọng tâm chính trong kế hoạch phát triển kinh tế của Ấn Độ chính là tự cường.
"Ấn Độ khủng hoảng trong việc đứt gãy chuỗi cung ứng khi Covid 19 bùng phát. Tuy nhiên cho đến nay, nhờ tinh thần tự cường, Ấn Độ đã tự sản xuất khẩu trang, máy thở, các dược phẩm cần thiết để điều trị Covid, và xuất khẩu các trang thiết bị này tới 195 quốc gia trên thế giới, hỗ trợ được bạn bè quốc tế cùng chống dịch. Ấn Độ đã tự sản xuất vaccine ngừa Covid-19 tiêm cho 80 triệu người dân trong nước, con số này chỉ đứng sau Mỹ. Hiện nay chúng tôi đã xuất khẩu dc 70 triệu liều vaccine cho 75 quốc gia trên thế giới. Việc Ấn Độ xuất khẩu được vaccine, có động lực khôi phục kinh tế nhanh, đây sẽ là động lực tăng trưởng cũng như động lực khôi phục cho nền kinh tế thế giới và mở ra nhiều hơn cơ hội hợp tác Việt - Ấn...", ông Vaibhav Saxena nhận định.
Kết thúc buổi toạ đàm, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam nhấn mạnh, hai bên cần phải mở rộng, tăng cường quan hệ thương mại, kết nối đầu tư nhằm trao đổi với nhiều hình thức đa dạng để nhận diện cơ hội và thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác đầu tư hai chiều. Đồng thời, tạo cơ hội để doanh nghiệp các bên kết nối, tìm kiếm lẫn nhau, cụ thể hóa thành các chương trình, dự án đầu tư để phát huy hết tiềm năng, tạo đà bứt phá cho doanh nghiệp lớn mạnh.
Theo Quỹ tiền tệ quốc tế IMF dự báo, GDP Ấn Độ sẽ tăng trưởng từ 12 – 12,5% trong năm 2021- 2022, dự báo Ấn Độ sẽ là nền kinh tế tăng trưởng phục hồi nhanh nhất trong giai đoạn sắp tới.