Dòng đầu tư của Ấn Độ muốn chảy vào tại Việt Nam
(DNTO) - Ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam Ấn Độ cho biết, nếu tận dụng tốt việc hợp tác với Ấn Độ, Việt Nam sẽ có nguồn cung cấp tài chính, công nghệ và nhân lực chất lượng cao.
Trao đổi trong Diễn đàn Đầu tư Việt Nam - Ấn Độ ngày 22/1, Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết, Việt Nam – Ấn Độ đã có mối quan hệ tốt đẹp với những kết nối văn hóa – tôn giáo từ hơn 2000 năm trước, cho đến sự ủng hộ lẫn nhau suốt quá trình đấu tranh trong thế kỉ 20 và tới nay là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với nhiều lợi ích được hai bên chia sẻ.
Cụ thể, thương mại hai bên bùng nổ từ khoảng 200 triệu USD từ những năm 1990 đến 12 tỷ USD những năm gần đây; đường bay thẳng được thiết lập giúp rút ngắn hơn một nửa thời gian và chi phí di chuyển so với trước đây; cơ chế hợp tác đa dạng với những cuộc viếng thăm hàng năm của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Ông Phạm Sanh Châu nhấn mạnh, nhận thức của người dân hai nước đã thay đổi khi báo chí Ấn ca ngợi Việt Nam thành công kiểm soát Covid-19 và là một trong ít nước trên thế giới có mức tăng trưởng dương trong năm 2020.
Đặc biệt, một số tiềm năng của Ấn Độ được Đại sứ Sanh Châu chỉ ra là nguồn tài chính tín dụng khi rất nhiều quỹ đầu tư hàng đầu thế giới được điều hành bởi người Ấn Độ với những dự án tiềm năng trị giá hàng trăm triệu USD.
Ngoài ra, Ấn Độ có công nghệ nguồn, trình độ khoa học kĩ thuật tốt, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, hàng không, khách sạn… là thế mạnh lớn mà Việt Nam có thể tận dụng khi hợp tác.
Trong hợp tác kinh tế thương mại với Ấn Độ, Đại sứ Sanh Châu cũng chỉ ra những điểm thuận lợi như thị trường rộng lớn 1,4 tỷ dân với nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, nhu cầu đa dạng sản phẩm, có khả năng cung cấp nhiều nhóm nguyên liệu; sự coi trọng giá trị cộng đồng, tình bạn nên có khả năng tạo ra sự linh hoạt trong làm việc, sự gần gũi về văn hóa, tương đồng về tôn giáo và lợi ích chiến lược.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Sanh Châu, có một số điểm gây hạn chế như độ mở của thị trường Ấn Độ chưa lớn, chính phủ quản lý nhập khẩu khá chặt chẽ để bảo vệ doanh nghiệp nội địa.
“Các tỉnh thành cần có sự quan tâm hơn tới thu hút đầu tư từ Ấn Độ và các doanh nghiệp Việt Nam có sự chuẩn bị kĩ lưỡng hiểu biết về văn hóa kinh doanh lẫn các vấn đề pháp lý, tranh chấp để có thể tận dụng tối đa cơ hội phát triển tại thị trường Ấn Độ rộng lớn”, Đại sứ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh.
Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, thương mại Ấn Độ - Việt Nam giai đoạn 2019-2020 đạt 12,4 tỷ USD.
Đến thời điểm hiện tại Ấn Độ đã đầu tư vào khoảng 250 dự án với trị giá gần 1 tỷ USD tại Việt Nam. Cuối tháng 12/2020, Công ty HCL Ấn Độ đã chính thức khai trương thành lập công ty tại Việt Nam với trị giá đầu tư khoảng 650 triệu USD và đào tạo 10 nghìn kỹ sư tại Việt Nam.
Giai đoạn 2016-2019, khách Ấn Độ đến Việt Nam tăng trung bình 25% một năm và khách Việt Nam đến Ấn Độ tăng trung bình 17% một năm.