Siết thương mại điện tử sẽ gây khó trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài
(DNTO) - Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sen Đỏ cho biết, các sàn thương mại điện tử trong nước phải cạnh tranh quyết liệt với các doanh nghiệp nước ngoài, nên bất cứ rào cản chính sách nào cũng ảnh hưởng tới khả năng hút vốn đầu tư vào thương mại điện tử.
Bên lề hội thảo góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử, do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công thương tổ chức mới đây, phóng viên Doanh Nhân Trẻ Việt Nam, có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Đắc Việt Dũng về những góp ý của doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những rào cản để thu hút đầu tư đối với sàn thương mại điện tử tại Việt Nam.
Bộ Công thương đang trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử theo hướng tăng trách nhiệm chủ sàn thương mại điện tử, người bán hàng trên mạng để bảo vệ người tiêu dùng. Ông đánh giá sao về dự thảo Nghị định lần này?
Tôi cho rằng dự thảo này đưa ra đúng lúc, vì thương mại điện tử hiện phát triển rất mạnh, qua một thời gian từ lúc Nghị định 52 ra đời đến nay đã qua 6-7 năm thì cũng là lúc nên sửa đổi để phù hợp hơn với tình hình chung của thương mại điện tử.
Theo ông các điều khoản trong dự thảo lần này có tạo điều kiện cho doanh nghiệp?
Ở góc độ doanh nghiệp, hiện Sen Đỏ đang xây dựng uy tín, thương hiệu của mình đối với khách hàng và ủng hộ các điều khoản liên quan đến việc bảo vệ người tiêu dùng, cũng như bảo vệ quyền lợi của người bán hàng trên Sen Đỏ. Tuy nhiên, những điều khoản liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài trong dự thảo lần này hiện cũng tạo ra một số rào cản tạo khó khăn trong việc tiếp cận vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
Như mọi người biết, thương mại điện tử là hoạt động cần vốn rất lớn. Hiện nay có nhiều doanh nghiệp Việt đầu tư vào thương mại điện tử, nhưng thực sự có nhiều doanh nghiệp phải bỏ cuộc. Các rào cản về nhà đầu tư nước ngoài có thể làm suy yếu sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt nói chung so với các nước khác trong khu vực trong việc tiếp cận vốn đầu tư vào thương mại điện tử.
Hiện do tình hình tài chính thế giới cũng ảnh hưởng rất nhiều bởi đại dịch Covid-19, cho nên nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng là vấn đề cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong khu vực và các doanh nghiệp Việt lẫn nhau. Vì vậy, bất kỳ rào cản chính sách nào cũng làm suy yếu khả năng cạnh tranh, khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp Việt từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, tại điều 67c, 2b liên quan đến việc: “Các nhà đầu tư nước ngoài phải thuộc danh sách các công ty công nghệ hàng đầu để đầu tư vào thương mại điện tử”, tất nhiên việc tiếp cận vốn từ các công ty công nghệ hàng đầu nếu làm được sẽ rất lợi thế cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc đưa một quy định như vậy sẽ hạn chế phạm vi về tiếp cận vốn của các nhà đầu tư hiện nay.
Vẫn biết nhà đầu tư về khởi nghiệp nói chung không chỉ từ các nhà đầu lớn, mà rất nhiều quỹ đầu tư, thậm chí các công ty vừa và nhỏ tại các nước khác họ cũng muốn thâm nhập vào thị trường Việt Nam để đầu tư và phát triển thị trường.
Vì vậy, nếu đưa các điều khoản như vậy sẽ tạo sân chơi không công bằng giữa các doanh nghiệp Việt đối với các công ty đa quốc gia hoạt động thương mại điện tử. Vì các công ty đa quốc gia họ có nguồn vốn cố định từ các công ty mẹ. Mà các công ty mẹ hiện nay thường nằm trong top các doanh nghiệp thương mại điện tử, công nghệ hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên các doanh nghiệp Việt hiện đang tiếp cận nguồn vốn từ rất nhiều các nhà đầu tư ở các phân khúc khác nhau, từ các công nghệ hàng đầu đến các quỹ đầu tư.
Vậy các điều khoản trong dự thảo lần này liệu có quản lý được chất lượng sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử, thưa ông?
Chúng tôi luôn có một bộ phận và chính sách để hạn chế hàng giả, hàng nhái. Chúng tôi luôn áp dụng công nghệ hàng đầu như công nghệ AI, khi một hàng hóa được đưa lên sàn Sen Đỏ thì AI sẽ nhận dạng logo hàng hóa. Khi phát hiện một người bán hàng đưa một sản phẩm nổi tiếng lên mà không có giấy phép phân phối, chúng tôi sẽ ngăn chặn việc này.
Ngoài ra, về mặt tổng quát, luôn luôn trên sàn có các biện pháp bảo vệ. Ví dụ 48 giờ sau khi nhận được hàng hóa, người mua chỉ cần ấn nút trên ứng dụng Sen Đỏ, lập tức hệ thống sẽ khởi động quy trình giải quyết khiếu nại để bảo vệ quyền lợi người mua.
Lúc đó, toàn bộ dòng tiền của người bán sẽ dừng lại trên hệ thống. Sau khi khiếu nại được giải quyết ổn thỏa, khi ấy chúng tôi mới đóng khiếu nại và chuyển tiền cho người bán. Đồng thời, về phía người mua phải biết quyền lợi, biết công cụ mình sử dụng để bảo vệ mình.
Theo ông các sàn thương mại điện tử trong nước cần làm gì để thu hút vốn đầu tư nước ngoài?
Về vốn đầu tư nước ngoài, cơ bản càng thông thoáng càng tốt. Việt Nam chúng ta hiện đang mở cửa để tiếp cận các nguồn vốn đầu tư và có nhiều chính sách mở rộng đón chào nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, những hạn chế mang tính rào cản đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước thì đặc biệt chúng ta không nên đưa vào dự thảo.