Hàng Việt trên sàn thương mại điện tử: Cạnh tranh bằng chất lượng, giá cả thay vì chiêu trò kéo traffic
(DNTO) - Hàng Việt vẫn còn ít “đất” trên các sàn thương mại điện tử do doanh nghiệp vẫn chỉ quan tâm tăng traffic (lượng truy cập) mà không biết rằng hành vi tìm kiếm của người tiêu dùng đã thay đổi.
Gian nan đưa hàng Việt lên sàn thương mại điện tử
Trao đổi trong Hội nghị Cơ hội cho Doanh nghiệp sản xuất Việt triển khai phân phối trên nền tảng Thương mại điện tử trong bối cảnh mới, sáng 25/12, bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám Đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội cho biết, sự hiện diện của các sản phẩm Việt, đặc biệt là các sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền trên các sàn thương mại điện tử còn rất hạn chế. Mặc dù nhiều sản phẩm Việt đã được đưa vào hệ thống kênh phân phối lớn như Aeon, Lotte, Central Retail hay đưa vào các nhà hàng nổi tiếng ở Pháp nhưng vẫn rất khó để đặt chân lên các sàn thương mại điện tử trong nước.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quang Thuận, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Sendo cho biết, hiện các sàn thương mại điện tử đã bước đầu đưa sản phẩm Việt để phân phối nhưng rất khó khăn khi triển khai trên diện rộng. Nguyên nhân do hai rào cản: hàng hóa chưa thực sự chất lượng, chưa xây dựng được thương hiệu và giá thành sản phẩm Việt chưa thể cạnh tranh và chưa phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
“Đa phần các doanh nghiệp Việt hiện tại vẫn đang cố gắng bảo vệ kênh phân phối truyền thống hơn việc hợp tác toàn diện và sâu sắc với sàn thương mại điện tử, dẫn chứng là sản lượng và giá thành sản phẩm cung cấp cho các sàn thương mại điện tử chưa hợp lý so với kênh phân phối doanh nghiệp hiện có”, ông Thuận nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo của Sendo, doanh nghiệp Việt khi đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử hầu hết chỉ chú trọng vào việc làm sao tăng traffic, kéo tương tác của khách hàng vào gian hàng hoặc sản phẩm của mình. Nhưng hành vi mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng hiện đã thay đổi, thay vì nhấp chuột vào những trang đầu tiên, những sản phẩm nổi bật, họ sẽ chủ động tìm kiếm từ khóa và sản phẩm có giá thành phù hợp với nhu cầu.
Sẽ có ‘Gian hàng Việt trực tuyến’ trên sàn thương mại tử
Hiện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) đang chủ trì và hợp tác với các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam xây dựng “Gian hàng Việt trực tuyến”, là nơi tập hợp các thương hiệu uy tín, sản phẩm chất lượng của các doanh nghiệp sản xuất Việt để mở rộng kênh phân phối, phát triển bền vững tại thị trường nội địa và giúp người tiêu dùng mua sắm hàng Việt qua kênh thương mại điện tử với chất lượng đảm bảo, chi phí thấp.
“Gian hàng Việt trực tuyến với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, sàn thương mại điện tử, ngân hàng và công ty cung cấp giải pháp quản lý chất lượng… sẽ là cánh tay đắc lực giúp doanh nghiệp sản xuất trong quá trình chuyển đổi số”, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chia sẻ.
Ông Nguyễn Cao Tương, Quản lý hiệu suất nhà bán khu vực phía bắc Công ty Cổ phần Tiki cho biết, bản thân các sàn thương mại điện tử cũng là đơn vị phân phối hàng hóa. Vì vậy, các sàn phải lựa chọn sản phẩm có giá trị cạnh tranh cao để đưa lên sàn.
“Ngoài chất lượng, giá cả, doanh nghiệp nên đầu tư hình ảnh sản phẩm bắt mắt, ấn tượng và để khi tham gia các chương trình campaign của các sàn như 9/9, 10/10, 11/11, 12/12 … hay các chương trình Tết Việt có thể tăng traffic vào gian hàng của mình”, ông Tương cho biết.
Đồng tình với quan điểm cần đầu tư hình ảnh sản phẩm khi đưa lên sàn thương mại điện tử, ông Hoàng Xuân Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế VAG cho biết, sản phẩm Khăn nhà bếp Vagreen của công ty dù đã tiêu thụ ổn định tại thị trường trong nước và xuất khẩu nhưng cũng chỉ mới đưa lên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam trong vài tháng trở lại đây. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã đầu tư tới cả trăm triệu cho bộ ảnh nhận diện sản phẩm. Ông Hải cho biết, chú trọng hình ảnh và nội dung đăng tải là cách để VAG làm thương hiệu cho sản phẩm của mình và cũng là cách sản phẩm cạnh tranh trên sàn thương mại điện tử, khi khách hàng chỉ có thể xem, đọc mà không thể trực tiếp trải nghiệm.
Ông Nguyễn Quang Thuận gợi ý, nếu doanh nghiệp muốn tiếp cận sàn điện tử nên cùng các sàn trao đổi, thiết lập gian hàng hoàn chỉnh nhất. Hiện các sàn đều có đội ngũ tư vấn, vận hành và song hành với doanh nghiệp để hỗ trợ đăng bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Từ những kinh nghiệm này, doanh nghiệp sẽ rút ra được bài học và tìm được giá trị định vị cho thương hiệu của mình trên sàn, thay vì đổ tiền và dồn lực để kéo tương tác vào trang hay sản phẩm của mình vì đó không phải hướng đi lâu dài và bền vững.