Vissan: Đi vào thương mại điện tử là con đường tất yếu
(DNTO) - Vừa chịu sức ép tác động kép dịch tả heo Châu Phi và dịch bệnh Covid-19, đồng thời gánh trọng trách bình ổn thị trường, Vissan vẫn duy trì và tăng trưởng kinh doanh nhờ có chuẩn bị kỹ và hướng đi mới.
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) khẳng định Vissan đã triển khai kênh thương mại điện tử và sẽ có những đột phá trong giai đoạn mới.
Năm 2020 chịu tác động tiêu cực từ dịch tả heo châu Phi rồi dịch bệnh Covid-19, làm cách nào để công ty vượt qua các khó khăn trên và tăng trưởng doanh thu?
Trước khó khăn ập đến, Vissan phải có phương án đối phó nhưng mọi giải pháp đưa ra thành công hay thất bại phụ thuộc vào việc dự báo tình hình có đúng và chính xác hay không.
Ngay khi dịch tả heo châu Phi (ASF) xuất hiện tại Trung Quốc, Vissan đã xem xét, phân tích mọi khía cạnh tình hình trong nước lẫn thế giới, thậm chí cử các đoàn công tác sang tận Trung Quốc để đánh giá thực tế.
Bởi vì chúng tôi nhận định, dù có sự lệch pha về thời gian dịch bệnh nhưng thị trường Việt Nam và Trung Quốc có sự tương đồng từ sự tiêu thụ cho đến chăn nuôi. Từ đó, Vissan lên các mô hình dự báo diễn biến dịch bệnh tại Việt Nam để chuẩn bị các giải pháp thích hợp nhằm đáp ứng cho thị trường nội địa.
Nhờ vào việc đánh giá tình hình khá sát, Vissan chủ động sớm về dự trữ nguyên liệu, liên kết các nguồn cung cấp để đảm bảo khi dịch kéo dài và diễn ra trầm trọng hơn thì không bị động trong việc sản xuất và luôn đáp ứng nhu cầu thị trường đòi hỏi.
Nhờ chuẩn bị kế hoạch kỹ lưỡng chủ động và xây dựng các giải pháp đối phó với dịch ASF trước đó, nên khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra, Vissan hoàn toàn đáp ứng được các đòi hỏi nghiêm ngặt nhất của thị trường. Thậm chí, Vissan đã lên kế hoạch hoạt động sản xuất và cung ứng trong tình huống thành phố bị cô lập trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng nhất.
Chính vì việc triển khai các giải pháp đồng bộ, và có sự chuẩn bị trước từ rất sớm nên Vissan đảm bảo được việc vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường. Và đến thời diểm này, công ty đã vượt qua các khó khăn đó, với kết quả kinh doanh 10 tháng năm 2020 tăng trưởng đầy tích cực.
Trong giai đoạn dịch ASF và Covid-19 diễn ra, ban lãnh đạo Vissan đã làm công tác tư tưởng cho người lao động hiểu rõ các điều kiện hoàn cảnh cũng như nhiệm vụ quan trọng cung cấp thực phẩm ổn định cho thị trường. Vì lẽ đó Vissan đã thành công nhờ vào sự đồng lòng của người lao động khi công ty triển khai các nhiệm vụ quan trọng.
Vissan đang theo đuổi chiến lược mở chuỗi cửa hàng riêng, sử dụng thương mại điện tử, động lực nào để công ty bám sát các xu hướng mới này?
Sản xuất kinh doanh không theo thị trường thì sản xuất để làm gì? Ở đây thị trường có 2 dạng, một là phải đáp ứng được nhu cầu cho thị trường và hai là tạo ra nhu cầu mới cho thị trường.
Chúng tôi tiếp cận thương mại điện tử vì nhận thấy đây là sự phát triển của tương lai cho dù chưa tăng trưởng mạnh, nhưng nếu không theo đuổi sẽ bị bỏ lại đằng sau.
Nguyễn Ngọc An- TGĐ Vissan
Nhìn thấy điều này nên từ năm 2012, Vissan đã tái cấu trúc toàn bộ hệ thống phân phối từ kênh truyền thống cho đến kênh bán lẻ hiện đại, đồng thời xây dựng hệ thống phân phối riêng của mình, mặc dù hệ thống cửa hàng này tiêu tốn nhiều chi phí và lợi nhuận đem lại chưa lớn.
Nhưng chúng tôi vẫn phải làm vì đây là nơi giới thiệu sản phẩm, giao tiếp khách hàng, tiếp nhận thông tin từ người tiêu dùng, nghiên cứu các hành vi, sở thích, xu hướng tiêu dùng mới nhất để nhanh chóng đáp ứng và điều chỉnh.
Tương tự, chúng tôi tiếp cận thương mại điện tử vì nhận thấy đây là sự phát triển của tương lai cho dù chưa tăng trưởng mạnh, nhưng nếu không theo đuổi sẽ bị bỏ lại đằng sau.
Dĩ nhiên nhiều người hỏi, phải chăng do Covid-19 nên công ty mới làm. Điều này là không đúng. Covid-19 giúp thúc đẩy điều này nhanh hơn một chút, vì chúng tôi đánh giá thương mại điện tử là một xu thế phải tham gia, đón đầu, xây dựng nền tảng là cách phát triển bền vững hơn nữa cho hoạt động kinh doanh.
Hiện, áp lực cạnh tranh không chỉ đến từ các thương hiệu nội địa mà còn doanh nghiệp ngoại, đặc biệt khi Hiệp định EVFTA bắt đầu có hiệu lực vào đầu tháng 8 vừa qua, Vissan phải làm gì để tiếp tục giữ vị thế trên thị trường?
Cái gì cũng có 2 mặt: cơ hội và rủi ro. Hiệp định EVFTA có hiệu lực thì hàng nhập khẩu tràn vào với giá rẻ hơn.
Nhưng chúng tôi tự tin cạnh tranh được với các thương hiệu ngoại, vì am hiểu thị trường nội địa, khẩu vị địa phương và linh hoạt trong phát triển sản phẩm. Mặt khác, nhờ hiệp định này chúng tôi mua được công nghệ, nguyên liệu với giá rẻ để cung cấp thị trường những sản phẩm có chất lượng với giá tốt nhất.
Nhưng lợi thế này có khi đem lại bất lợi cho doanh nghiệp khác. Chẳng hạn, nguyên liệu nhập về trong ngành thực phẩm càng thấp thì ngành chăn nuôi trong nước không khéo lại không phát triển được vì chi phí cao không cạnh tranh lại.
Vissan dự kiến triển khai cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan tại Long An. Ông kỳ vọng gì vào nhà máy mới?
Trong định hướng phát triển, chúng tôi đang rất kỳ vọng vào Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan tại Long An với tổng giá trị đầu tư lên đến hơn 2.000 tỉ đồng mà sẽ hoàn thành theo lộ trình 2023-2024. Khoản đầu tư này sẽ giúp thay đổi toàn bộ diện mạo của Vissan.
Điều này không chỉ là Vissan có một nhà máy hiện đại thay thế nền tảng hoạt động hiện nay với cơ sở vật chất đã cũ theo thời gian mà khi đi vào hoạt động, nhà máy Vissan sẽ gia tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng hình ảnh và thương hiệu tốt hơn, giúp Vissan duy trì vị thế là một công ty thực phẩm hàng đầu trên thị trường nội địa và vươn tầm khu vực.