Xu hướng tiêu dùng của người Việt đã thay đổi
(DNTO) - Sự tác động của đại dịch Covid-19 thời gian qua khiến xu hướng tiêu dùng và sinh hoạt của người Việt có chiều hướng thay đổi, giảm bớt các hoạt động hướng ngoại và tập trung cho việc sinh hoạt và làm việc tại nhà.
Theo báo cáo của Kantar, xu hướng tiêu dùng của người dân đã có những thay đổi rõ rệt dưới tác động của đại dịch.
Thứ nhất, hoạt động, sinh hoạt là những xu hướng có biến chuyển sắc nét nhất khi gần như mọi hoạt động, chi tiêu ngoài nhà đã được chuyển sang hình thức tại nhà. Điều này dẫn đến sự bùng nổ về doanh thu của các trang thương mại điện tử khi hình thức mua hàng qua các ứng dụng công nghệ và thương mại điện tử ngày càng trở nên quen thuộc với người tiêu dùng.
Sự ra đời của nhiều kênh thương mại điện tử mới cộng hưởng với các chiến lược tập trung khách hàng mới mẻ của những nền tảng cũ đã tạo nên không khí sôi động, nhộn nhịp và đầy tính cạnh tranh cho loại hình kinh doanh này. Xu hướng thanh toán truyền thống bằng tiền mặt theo đó cũng được thay thế bằng thanh toán di dộng và không dùng thẻ.
Thứ hai, nhu cầu ăn uống cũng thay đổi dần khi các bữa ăn nhanh được thay thế bằng ăn tại nhà. Báo cáo cũng cho thấy nhu cầu ăn vặt, ăn xế cũng tăng cao hơn và trở thành xu hướng thường thấy trong giai đoạn này.
Thứ ba, trước bối cảnh đại dịch vừa qua, và vẫn còn chiều hướng diễn biến phức tạp, sức khỏe là mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng. Các sản phẩm vệ sinh tẩy rửa, tăng cường sức khỏe có cơ hội thu hút sự chú ý của người tiêu dùng hơn. Năm qua chứng kiến một lượng lớn từ sức mua các sản phẩm sức khỏe như nước rửa tay hay khẩu trang. Mặc dù đã hạ nhiệt vào thời điểm cuối năm nhưng các sản phẩm này vẫn đang giữ mức doanh thu tốt.
Thứ tư, xu hướng tiêu dùng nhân văn được phát huy mạnh mẽ. Thời điểm dịch bệnh bùng phát, các cửa khẩu tạm đóng cửa để ngăn chặn dịch lây lan. Hàng tấn nông sản Việt bị ùn ứ không thể xuất khẩu, lúc này, cộng đồng đã tạo nên những làn sóng giải cứu nông sản mạnh mẽ, từ giải cứu thanh long, dưa hấu đến thịt heo... Ủng hộ hàng nội địa là xu hướng quan trọng giúp Việt Nam có thể đứng vững và ít chịu ảnh hưởng từ bên ngoài.
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Thương mại Kantar Worldpanel, đây không phải những sự thay đổi của riêng người Việt mà còn là xu hướng của thế giới trong thời gian tới. Dẫn chứng cho các quan điểm này, ông Hoàng cho biết trong thời gian qua, khi hành vi ăn uống ngoài nhà sụt giảm mạnh đến 27%, trong khi chỉ tiêu cho tiêu dùng trong nhà tăng 15% so với cùng kỳ. Hơn 40% là giá trị mất đi được chuyển thành chi tiêu cho tiêu dùng tại nhà. Đây được xem là một sự tăng trưởng đáng chú ý.
Cùng với đó, nhóm hàng tiêu dùng nhanh cho tiêu dùng tại nhà ghi nhận mức tăng trưởng lên đến hai chữ số trong 9 tháng, chủ yếu được thúc đẩy bởi hành vi dự trữ hàng hóa trong giai đoạn cách ly xã hội.