Sếp ơi, đừng nói những lời 'sát thương'
(DNTO) - Gần cuối năm, áp lực công ty phải đạt doanh số, đạt chỉ tiêu, đánh giá xếp loại nhân viên... càng khiến cho các cuộc họp giữa sếp và nhân viên luôn luôn nóng bỏng và căng thẳng.
Một hoạt động không thể thiếu trong bất kỳ một doanh nghiệp, một cơ quan nào là họp. Đa phần cuộc họp nào cũng xuất hiện một “tiết mục” đinh là màn “huấn thị” của sếp. Nói theo “dân gian” là nghe sếp "chửi”.
Sếp có quyền "chửi"?
Một nhân viên than thở: Công ty em ai cũng từng “ăn đạn” của sếp. Chửi hình như trở thành niềm đam mê của chị ấy. Thật tình mà nói, ai nghe chửi cũng cảm thấy rất khó chịu nhưng tất cả cũng vì “chén cơm manh áo” mà nhún nhường, cam chịu, nín nhịn cho qua, tự nhủ lòng “sếp luôn luôn đúng. Đó là với những người tâm tính hay dĩ hòa vi quý.
Nhưng đâu phải ai cũng nghĩ được như vậy, nhiều trường hợp “49 gặp 50”. Lúc nóng lên, không giữ được bình tĩnh, tức giận, “nạn nhân” ăn miếng trả miếng. Cảnh người đập bàn, xô ghế, kẻ trợn má phùng mang, khiến buổi họp kết thúc trong hỗn loạn hoặc ngừng đột ngột, lửng lơ.
Xem ra sếp “lên lớp” nhân viên là một thực tế, không thể khỏa lấp, che đậy, hoặc chối bỏ. Chừng nào còn nhân viên không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm nguyên tắc, lơ là, chểnh mảng trong công việc thì chừng đó vẫn còn tình trạng sếp nổi nóng, quát tháo, xô ghế đẩy bàn, thậm chí “phun” ra những từ ngữ khó nghe.
Thử nghĩ, trong một doanh nghiệp mà mọi người từ trên xuống dưới lúc nào cũng hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách hoàn hảo, không để xảy ra sai sót thì đó có phải là một giấc mộng hoang đường không? Cho nên chuyện chấp nhận “sếp chửi nhân viên” như chuyện thường ngày ở huyện là có thật. Vấn đề còn lại là "chửi" như thế nào? Thái độ nghe "chửi" ra sao để sự việc vẫn ở trong tầm kiểm soát và có tác dụng thúc đẩy tiến độ, đạt hiệu quả công việc.
Anh Hoàng là một CEO. Trong công việc, anh nổi tiếng là khó tính và hay la mắng nhân viên dưới quyền. Anh thường nói với thuộc cấp trẻ, muốn nên người phải chịu để anh “dội nước sôi” kiểu như lửa thử vàng. Nhiều anh em lăn lộn một thời gian, “nóng” quá chịu không thấu, bỏ đi. Sau đó, tạm gọi là thành đạt, nhiều người thú nhận, ngày trước nhờ hứng bao nhiêu sô nước sôi của anh Hoàng mà họ mới có được ngày hôm nay.
“Chửi” kiểu anh Hoàng là nhân viên còn có phúc bởi sau khi mắng chửi, người sếp còn biết điều chỉnh, uốn nắn nhân viên, thúc đẩy họ làm việc có trách nhiệm và khắc phục những thiếu sót để mọi việc tốt lên. Có một kiểu chửi gọi là chửi kiểu Chí Phèo: ngạo mạn, xấc xược, sỉ nhục, giận cá chém thớt, chửi lan cả tập thể, bất kể người sai, không sai. Kiểu chửi này thường gây nên một không khí khủng bố, ức chế làm người nghe tủi nhục, đôi khi phản kháng rất tiêu cực, thậm chí bỏ việc.
Còn một kiểu chửi khác là chửi “văng nho” đủ loại khi la mắng nhân viên. Có nhiều lãnh đạo có thói quen dùng từ “đệm”, thậm chí cả những lúc trao đổi hay truyền đạt bình thường với nhân viên.
Điên hình là anh trưởng phòng kinh doanh Đình Tú. Anh phải tội thường xuyên chửi rủa nhân viên không kịp vuốt mặt. Sai nhiều, sai ít gì anh cũng chửi. Đòi tiền khách hàng không được, chửi; chưa kịp thanh lý hết hợp đồng, chửi; sai sót tên, địa chỉ… cũng chửi. Mà toàn dùng lời lẽ cay độc để đay nghiến, sỉ nhục người nghe.
Chuyên viên tâm lý Ngô Mạnh Đạt, tổng đài 1080 TP. HCM chia sẻ: "Thống kê chưa đầy đủ ở các công sở, hiện tượng sếp chửi bậy đã đạt tới con số hơn 70%. Nhiều nhân viên còn đùa với nhau rằng, việc sếp chửi bậy là thể hiện sự lệch lạc của văn hóa công sở khi không ai điều chỉnh để "cái bậy" trở thành thông lệ, bình thường".
Thấu hiểu để nói lời "dễ nghe" nơi công sở
Không thể phủ nhận trong một số đơn vị kinh doanh, khi công ty có cơ chế chính sách rõ ràng, bộ máy có năng lực thì sự “quá lời” của sếp đôi khi cũng có thể được xem là một công cụ hiệu quả để thúc đẩy tiến độ, điều chỉnh công việc. Tuy nhiên, không vì thế mà các sếp buông thả cảm xúc của mình không kiểm soát. Không nên lấy việc chửi nhân viên để xả stress, hoặc chửi vô cớ với những lời lẽ không đẹp, xúc phạm người khác.
Về phía nhân viên, thật ra có đi làm mới biết, chuyện bị sếp mắng là chuyện tất yếu tại nơi làm việc. Cho nên, thấu hiểu và thông cảm cũng là việc nên làm. Sếp cũng có áp lực rất lớn trong công việc, áp lực tiến độ thời gian, áp lực chất lượng sản phẩm, áp lực khách hàng, sự thất thường về sức khỏe tâm sinh lý, công việc gia đình con cái.... Nếu chẳng may bị sếp “cho một trận”, bạn nên bình tĩnh, mềm mỏng, khéo léo, nhận lỗi và hứa khắc phục… là ổn.
Sếp được leo lên đến vị trí lãnh đạo không phải chuyện dễ dàng, nhân viên có được một việc làm tốt cũng rất khó. Vậy nên đừng “cả giận mất khôn”, đừng bảo thủ, cố chấp, sai thì sửa, đừng nghe chửi như “vịt nghe sấm”…
Cuối cùng, sau tất cả, việc "chửi" sẽ là một "tổn hại" nặng nề với cả sếp lẫn nhân viên, bởi xét cho cùng những lời nói "gây sát thương" ít nhiều sẽ làm tổn hại tinh thần người nghe lẫn người nói. Sếp "chửi" sếp cũng bị mất hình ảnh; nhân viên bị "chửi" nếu không "tâm phục, khẩu phục" sẽ cảm thấy không thoải mái, ức chế tâm lý. Nói để nhân viên làm tốt hơn, tiến bộ hơn mà không cần dùng đến những lời lẽ nặng nề đó là việc khó mà ai cũng cần rèn luyện.
Dù là sếp hay nhân viên, thái độ bình tĩnh, kiềm chế, tìm biện pháp khắc khục luôn là một công cụ hữu hiệu để giải quyết những khó khăn tạm thời trong công việc. Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, mong sao người làm sếp sẽ không phải dùng đến “công cụ chửi” và nhân viên cũng không phải nghe chửi để cùng nhau xây dựng môi trường làm việc văn minh.