Văn hóa doanh nghiệp là nền tảng cốt lõi để phát triển bền vững
(DNTO) - Năm 2020, nhiều doanh nghiệp lao đao vì tác động của dịch Covid-19. Nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp khẳng định giá trị phát triển bền vững bằng việc khởi tạo những giá trị mới, xây dựng văn hóa nghiệp.
Tại Diễn đàn "Tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ văn hóa kinh doanh và tôn vinh các doanh nghiệp hưởng ứng tích cực Cuộc vận động xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam", diễn ra hôm nay (29/10), PGS.TS Dương Thị Liễu, Phó tổng thư ký Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh, nhấn mạnh rằng, năm nay, trong bối cảnh không ít doanh nghiệp lao đao vì dịch bệnh, thì văn hóa doanh nghiệp càng cho thấy ý nghĩa và tác động thiết thực đến sự tồn tại bền vững của mỗi doanh nghiệp.
“Môi trường văn hoá của doanh nghiệp có ý nghĩa tác động quyết định đến tinh thần, thái độ, động cơ lao động của các thành viên và việc sử dụng đội ngũ lao động, giúp doanh nghiệp trở thành một cộng đồng làm việc trên tinh thần hợp tác, tin cậy, gắn bó, thân thiện và tiến thủ. Trên cơ sở đó, hình thành tâm lý chung và lòng tin vào sự thành công của doanh nghiệp”, bà Liễu nói.
Cũng theo TS. Dương Thị Liễu, Covid-19 đã và đang làm thay đổi cả tư duy, phương thức quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, trong cơ cấu kinh tế vĩ mô và vi mô, đặt ra trạng thái mới, bối cảnh mới cho các khuôn khổ hợp tác toàn cầu, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, thúc đẩy hoạt động của Chính phủ điện tử, chuyển đổi hành vi ứng xử của người tiêu dùng và doanh nghiệp, thay đổi triết lý kinh doanh, triết lý sử dụng nguồn nhân lực, văn hóa ứng xử, phương thức giao tiếp, trách nhiệm với cộng đồng, ứng xử với môi trường…
Theo bà Liễu, xây dựng văn hóa doanh nghiệp bằng ứng dụng công nghệ có nhiều ưu điểm như: vừa giúp doanh nghiệp dễ dàng quản lý nhân sự, vừa phổ cập văn hóa doanh nghiệp, tiếp cận nhân viên trọn vẹn nhất...
“Đây là cách thức xây dựng văn hóa doanh nghiệp đạt hiệu quả cao với chi phí thấp. Nhưng đây cũng là thách thức, đồng thời là cơ hội để doanh nghiệp thay đổi, bứt phá và có nhận thức cũng như chiến lược hành động phù hợp. Theo đó, văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp đóng góp vừa là yếu tố phát triển bền vững, vừa là động lực của sự thay đổi đó", bà Liễu nhấn mạnh.
Ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp cho biết, Diễn đàn Tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ văn hóa kinh doanh, là một góc nhìn mới về những thách thức và cơ hội từ Covid-19 và hậu Covid-19, góc nhìn từ văn hóa kinh doanh, góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh thời kỳ hậu Covid-19.
Diễn đàn cũng là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp Việt kiến nghị, đề xuất các cơ chế, chiến lược, chính sách, giải pháp phù hợp để hỗ trợ cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp thích nghi, tái hoạt động, phát triển bền vững, góp phần ổn định kinh tế-xã hội của đất nước sau dịch Covid-19.