Doanh nhân và văn hóa "chia tay"
(DNTO) - Không nói đến những cuộc chia tay “anh đường anh, em đường em”, các doanh nhân là chủ doanh nghiệp còn có những cuộc chia tay với nhân viên của họ. Với những cuộc chia tay này, cách ứng xử nào là tốt đẹp văn minh nhất?
Sau một thời gian đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không trụ được, công ty truyền thông của chị Phương Hoa đành buộc phải giải thể. Đấy là một công ty quy mô nhỏ gọn, nhân viên chưa tới 20 người, còn lại hầu hết là cộng tác viên. Cũng vì ít người nên họ quý mến, gắn bó với nhau như một gia đình. Quan hệ “sếp” và nhân viên hầu như không có ranh giới rõ rệt. Bởi vậy, những ngày chuẩn bị chia tay nhau đó là những ngày không khí ảm đạm bao trùm lấy cả văn phòng, thậm chí nhiều em “bánh bèo” còn lặn vô một góc phòng ngồi khóc tỉ ti.
Một buổi tiệc chia tay nho nhỏ, ấm cúng, và “quẩy” hết mình của bọn trẻ diễn ra. Chị giám đốc nói mấy câu ngôn tình mang nội dung cảm ơn và tỏ lời ly biệt sau khi thông báo đã thực hiện đầy đủ các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… cho nhân viên và tặng thêm mỗi người một tháng lương “an ủi”. Chị Phương Hoa còn nhiệt tình hướng dẫn các em làm hồ sơ trợ cấp thất nghiệp trong khi chờ tìm việc làm mới.
Một năm sau, có dịp gặp lại trong tiệc cưới của cô bạn đồng nghiệp cũ, rất nhiều người trong số họ khoe đã tìm được công việc mới, đặc biệt là việc làm của họ hầu hết là do “sếp” Phương Hoa dựa vào mối quan hệ của mình giới thiệu thậm chí bảo lãnh cho. Đó là một cuộc chia tay không thể nào hoàn hảo hơn như thế.
Khác với công ty Phương Hoa, sau đây chỉ là chuyện một nhân viên được sếp cho nghỉ việc. Điểm đặc biệt là cô nhân viên dưới quyền này là người do chính ông chủ ra công đào tạo từ ngày cô bé vừa chân ướt chân ráo bước vào nghề. Sau khi cho cô nghỉ việc, đi bất cứ đâu, khi nào ông cũng cau có bày tỏ sự thất vọng của mình, cho rằng cô nhân viên nọ là người vô ơn, là “ăn cháo đái bát”…
Việc tới tai, cô nhân viên kia cũng không chịu thua, cô bêu riếu ông chủ là “thùng rỗng kêu to”, lại ưa thể hiện quyền lực, hay can thiệp thô bạo vào công việc của cô. Bà chủ thì suốt ngày canh me, sợ cô “léng phéng” với ông chủ, mà ông chủ đâu có phải cái “gu” của cô… Chưa bàn tới chuyện sự thật đúng sai bao nhiêu phần trăm, cũng có thể đánh giá đây là một cuộc chia tay rất tệ ở cả hai phía.
Thái độ của một ứng cử viên đối với chỗ làm cũ và với sếp cũ như thế nào, đặc biệt là mối quan tâm hàng đầu của nhà tuyển dụng. Ứng viên không đổ lỗi cho sếp hay công ty cũ, không nhắc đến những trục trặc mà họ gặp phải…
Ngược lại là chủ, không nên triệt đường sống của nhân viên, tạo cho họ một cơ hội sửa mình, dành cho họ một lối đi là một việc làm thiện lành để đức lại cho đời sau bởi vì không ai có thể nắm tay từ sang đến tối.
Có một ứng cử viên đã được nhận vào làm nhưng em ấy xin cho trễ hạn hai buổi để hoàn thành nốt công việc còn dang dở ở công ty cũ vì bên đó chưa tìm được người có chuyên môn.
Tất cả những hành vi được nêu trên thể hiện thái độ cực kỳ văn minh trong cách đối đãi giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Tóm lại, bất cứ một cuộc chia tay nào cho dù đó là cuộc chia tay giữa nhân viên và công ty cũ hay giữa nhân viên và sếp cũ cũng cần được diễn ra một cách nhẹ nhàng, êm thắm và lịch sự văn minh.
Trong tình trạng dịch bệnh Covid-19 diễn ra trên toàn thế giới chưa biết ngày nào là kết thúc, những khó khăn vấp phải dẫn đến tình trạng biến động về nhân sự là không tránh khỏi. Người chủ không nên để nhân viên mình ấm ức ra đi. Nhân viên cũng nên chia sẻ, thông cảm với chủ mà đừng nặng lời phỉ báng.
Không ai làm việc với nhau cả đời, có thể chúng ta không còn cộng tác với nhau nhưng trên đường đời biết đâu có lúc chúng ta lại chạm mặt nhau trong một mối quan hệ khác. Dẫu sao thì cũng nhờ có công sức, trí tuệ của nhân viên, doanh nghiệp mới phát triển. Ngược lại, nhờ có đồng lương của doanh nghiệp mà nhân viên mới có thể trang trải cuộc sống và tạo lập sự nghiệp. Hãy nghĩ đến mối tương quan đã từng như thế mà biến cuộc chia tay kia thành một kỷ niệm đẹp.