Áp lực công việc – 'bạn đồng hành' của doanh nhân
(DNTO) - Chịu được áp lực công việc là điều kiện mà bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng nêu ra cho các ứng cử viên và ngược lại nó cũng là cụm từ thường xuất hiện trong nội dung của các đơn xin việc.
Trong khi thời gian trong ngày của chúng ta cố định chỉ 24 giờ không thay đổi thì nhu cầu đòi hỏi của con người ngày mỗi gia tăng. Nó khiến con người ta ngày nay hầu như “cắm đầu” chạy đua với thời gian để hòng giải quyết vấn đề gấp cả ngàn lần nhiều hơn so với tổ tiên ta ngày trước. Hậu quả là con người đối mặt với nguy cơ căng thẳng do áp lực cuộc sống, trong đó hàng đầu là áp lực công việc.
Chịu được áp lực công việc là một tố chất gần như bắt buộc phải có cho bất kỳ một người lao động ngành nghề nào trong thời đại ngày nay. Với người làm công việc kinh doanh, áp lực càng nặng nề hơn.
Kinh doanh là các hoạt động đầu tư, sản xuất, mua bán, cung ứng dịch vụ nhằm tạo ra lợi nhuận. Xin không lạm bàn đến quy mô các tập đoàn, công ty, xí nghiệp… và những ông chủ, bà chủ là các doanh nhân tầm cỡ. Ở đây chỉ đề cập đến phạm trù kinh doanh nhỏ lẻ mà dân gian hiểu một cách “thân mật” là mua bán.
Chỉ cần bạn là chủ của một tiệm tạp hóa, một cửa hàng may hay làm tóc, hoặc một shop bán hàng online là bạn đã bị nhấn chìm trong áp lực công việc rồi. Áp lực lớn nhất của người kinh doanh là nỗi lo ế hàng, lo lợi nhuận trong ngày không đủ trang trải tiền mặt bằng, điện nước, ăn uống… Việc hàng hóa lên giá mỗi ngày khiến đồng vốn quay vòng của bạn giống như “tiền cũ đổi tiền mới” là nỗi lo tiếp theo. Sự cạnh tranh cũng là một nỗi lo canh cánh trong hoạt động kinh doanh. Kinh doanh dịch vụ lại còn thêm áp lực vừa lòng khách.
Kế đến là áp lực thời gian. Khung giờ cho các hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ hầu như là không có giới hạn. Khách hàng có thể đến giao dịch bất kể sáng sớm hay nửa đêm, vào giờ ăn, giờ nghỉ trưa thậm chí là giờ ngủ. Với người kinh doanh dịch vụ, áp lực thời gian còn bao gồm sự đúng hẹn tạo nên uy tín với khách. Mà muốn đúng hẹn thì phải chạy đua với thời gian có khi kiệt sức. Với công việc kinh doanh online thì bị lừa hàng, bom hàng là một cơn ác mộng với người bán hàng.
Với các bạn làm sales (bán hàng), tuy chỉ là “làm công” nhưng doanh số được giao vẫn là nỗi ám ảnh triền miên cho đến khi nào bạn không thể chịu nổi, phải nhảy việc. Nhiều bạn làm sales nhảy việc núp bóng dưới chiêu bài “không phù hợp với môi trường công sở” nhưng thật ra là các bạn không chịu nổi áp lực của doanh số.
Nói nghe “ghê gớm” vậy thôi nhưng thật ra áp lực công việc không phải là điều mới lạ. Tổ tiên ta xưa kia cũng có những căng thẳng trong khi đi săn mồi, chiến đấu với rừng thiêng nước độc, với thiên tai cùng các nỗi sợ thần linh, bệnh tật… Vì thế, đối mặt và vượt qua áp lực công việc nếu như bạn chịu rèn luyện thì không có gì là không thể.
Áp lực công việc đến từ nhiều lý do khách quan và chủ quan: Lý do khách quan thường là do khối lượng công việc được giao quá lớn; Thời gian hoàn thành công việc quá gấp rút hoặc kéo dài quá; Môi trường làm việc thiếu tiện nghi, không thân thiện. Lý do chủ quan thường là do hạn chế năng lực chuyên môn, do sức khỏe kém, do thiếu tự tin, thiếu ý chí và nghị lực…
Khi nào công việc không còn mang lại cho ta sự thích thú, nó khiến ta cảm thấy ngột ngạt khi đến văn phòng, cảm thấy khó khăn khi giải quyết công việc, phải chịu đựng trạng thái mệt mỏi căng thẳng triền miên… thì bạn cần tập trung vào các phương cách làm thế nào để vượt qua. Có thể tham khảo lời khuyên của các chuyên gia được Chefjob - một kênh thông tin việc làm - tổng hợp dưới đây:
- Sắp xếp theo thứ tự ưu tiên cho công việc từ khó đến dễ, từ quan trọng đến ít quan trọng hơn.
- Vạch ra kế hoạch cẩn thận và tỉ mỉ theo một lịch trình làm việc rõ ràng. Có thể lập một thời khóa biểu chi tiết, đề ra thời hạn chốt công việc cụ thể.
- Dành thời gian nhất định cho thư giãn, giải trí, gặp gỡ bạn bè…
- Tập trung ưu tiên giải quyết công việc, không để những tác động bên ngoài chi phối.
- Duy trì các buổi tập luyện thể dục thường xuyên, chú ý thực đơn hằng ngày với các móm ăn, thức uống có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là không bỏ bữa…
Khả năng chịu đựng áp lực công việc không ai giống ai. Ngoài một ít yếu tố sẵn có do “trời cho” thì phần nhiều chúng ta có thể rèn luyện nếu chúng ta có đủ quyết tâm và sự kiên trì. Bởi vì nhìn ở một hướng tích cực thì áp lực công việc cũng có thể là động lực thúc đẩy chúng ta vượt qua giới hạn an toàn của bản thân.
Nhưng nếu áp lực công việc xảy ra thường xuyên, dai dẳng và chúng ta buộc phải cố gắng chịu đựng nó, dẫn đến tính tình cáu gắt, chán nản, sinh ra căng thẳng, sức khỏe suy sụp, có khi dẫn đến trầm cảm, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng cuộc sống và các mối quan hệ xung quanh… thì có lẽ một nhà tâm lý, một thầy thuốc tâm thần hay thậm chí một người bạn tri kỷ, một chuyến du lịch ở một nơi non nước hữu tình nào đó là những người, những nơi mà chúng ta nên tìm đến.