Chuẩn bị gì cho con trở thành một doanh nhân trong tương lai
(DNTO) - Bất cứ cha mẹ nào hình như cũng muốn cho con cái nối nghiệp mình, nhất là với các gia đình có nghề truyền thống. Vậy nếu bạn là một doanh nhân và muốn con bạn sau này lớn lên cũng trở thành một doanh nhân thì bạn cần chuẩn bị cho con những gì?
Hãy truyền lửa và làm tấm gương cho con
Nhà thiết kế áo bầu nổi tiếng Liz Lange cho biết hồi còn bé bà vẫn thường được mẹ đưa đến công ty sản xuất cà vạt của ông nội tại Empire State Building. Chính hình ảnh ông nội bà trong điệu bộ của một doanh nhân “sành điệu” và lịch lãm cùng với không khí hoạt động nhộn nhịp của nhà máy đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành doanh nhân của bà.
Doanh nhân nổi tiếng Robin Chase thì cho biết những lời khuyên của mẹ dành cho bà có tác dụng rất lớn trong việc nuôi dưỡng tinh thần và ý chí kinh doanh. Mẹ đã dạy cho bà biết cách biến ước mơ thành hiện thực.
Còn theo Chris Myers, CEO, người sáng lập công ty BodeTree: Cha mẹ nên từ bỏ suy nghĩ chỉ cần tạo cho con một cuộc sống an toàn, yên ổn, không phải đương đầu với quá nhiều rắc rối. Trong môi trường đầy tính an toàn như thế đứa trẻ không bao giờ biết đến sự cạnh tranh và tất nhiên không thể có ý chí kinh doanh mạnh mẽ.
Chính bố mẹ là những người đầu tiên có đóng góp lớn lao để nuôi lớn tinh thần kinh doanh của con trẻ, góp phần mang đến cho xã hội những doanh nhân thành đạt.
Một số phẩm chất kỹ năng cần có của một doanh nhân tương lai
Dành nhiều thời gian trò chuyện với con là cách thức hữu hiệu nhất trong phương pháp giáo dục trẻ. Hãy biến những cuộc trò chuyện thành nơi khơi gợi cho trẻ niềm đam mê kinh doanh. Hun đúc tinh thần quyết tâm theo đuổi đam mê đến cùng.
Thường xuyên khuyến khích trẻ đưa ra ý tưởng.
Đôi khi trẻ nhỏ có những ý tưởng rất độc đáo, sáng tạo mà người lớn chúng ta không ngờ tới. Hãy khai thác đặc điểm này của trẻ. Kể cả khi trẻ đưa ra những ý tưởng ngô nghê, người lớn cũng nên lắng nghe một cách nghiêm túc, đừng chê bai, cười cợt làm trẻ xấu hổ hoặc nản chí. Thay vào đó, nên khuyến khích trẻ trình bày cách thực hiện ý tưởng đó xem thế nào.
Nếu bạn dùng cách này nhằm mục đích giúp con mình hình thành tư duy doanh nhân ngay từ khi còn nhỏ thì sớm muộn gì, trẻ cũng sẽ nghĩ ra được những ý tưởng độc đáo.
Khả năng giải quyết vấn đề
Trong quá trình biến ý tưởng thành hành động, trẻ sẽ gặp rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Khả năng giải quyết mọi vấn đề một cách triệt để là phẩm chất cần thiết của một doanh nhân tương lai. Để truyền cảm hứng kinh doanh cho trẻ, các bậc phụ huynh cần dạy trẻ cách giải quyết vấn đề hiệu quả.
Hãy cùng trẻ vạch ra các giải pháp, cân nhắc ưu, nhược điểm và chọn giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề mà trẻ đang mắc phải như mất cặp sách, hỏng đồ chơi, quên làm bài tập… tự quyết định trang phục, món ăn, biết cách đàm phán, tranh luận, thuyết phục để đạt được một yêu cầu nào đó.
Điều này liên quan đến việc hình thành cho trẻ tính tự lập và tinh thần làm chủ. Không nên bắt trẻ nhất nhất phải theo sự sắp đặt của cha mẹ. Tạo cho trẻ nhiều cơ hội thể hiện chính kiến, dám nói lên suy nghĩ thật của mình.
Đương đầu với rủi ro và thất bại
Các bậc cha mẹ nên mạnh dạn từ bỏ tâm lý bảo vệ con mình tránh xa rủi ro, thất bại. Trong thực tế, rất nhiều doanh nhân thành đạt đã trải qua nhiều lần thất bại thậm chí trắng tay trong quá khứ.
Chấp nhận thất bại không sợ hãi trước rủi ro là một đức tính mà mỗi doanh nhân cần phải trau giồi. Không thắng được bạn trong một trò chơi, bị điểm một cho bài tập toán, bị ngã trầy xước trong lần đầu tập chạy xe… có thể nói đó là những rủi ro thất bại mà trẻ gặp phải. Có thái độ tích cực, lạc quan, sẵn sàng chấp nhận thất bại và thoải mái đối diện với những rủi ro, chủ động, tìm kiếm các giải pháp cải thiện là điều mà trẻ cần tập làm quen. Khuyến khích trẻ thử lại lần nữa để biết giới hạn của mình đến đâu. Trẻ học được điều gì từ lỗi lầm của mình? Đồng thời, hãy dạy trẻ cách xem những lời chỉ trích, phê bình là cơ hội học tập, rút kinh nghiệm khi thất bại.
Kể cả khi bạn không phải là một doanh nhân, bạn vẫn có thể nuôi dạy và vun đắp tư duy kinh doanh, uốn nắn hành vi, rèn luyện kỹ năng cảm xúc cho con cái bạn ngay từ nhỏ để chúng có thể trở thành một doanh nhân sau này.
Hãy bồi dưỡng các phẩm chất doanh nhân cho trẻ ngay từ bé nếu bạn mơ ước con mình trở thành một doanh nhân trong tương lai. Những phẩm chất này cần được thể hiện hằng ngày trong gia đình và trong khi tương tác với trẻ. Hãy tin rằng chắc chắn bạn sẽ làm được.