Chuyển giao người kế nghiệp: Hãy thắp lửa, đừng tạo áp lực
(DNTO) - Trong câu chuyện chuyển giao kế nghiệp tại doanh nghiệp gia đình, theo ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Geleximco, cả sản nghiệp bố mẹ gầy dựng mấy chục năm mà nói chuyển giao là tạo áp lực cho thế hệ F2. Thắp lửa kinh doanh cho thế hệ F2 mới là điều quan trọng, khi ấy doanh nghiệp mới phát triển bền vững.
Muốn thành công phải sống trong thế giới con người, không phải thế giới ảo
Tại tọa đàm “Câu chuyện chuyển giao thế hệ - Thế và thời của thệ hệ nhận chuyển giao”, do Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ, Deloitte Việt Nam và Hội đồng doanh nghiệp gia đình Việt Nam, tổ chức hôm qua (30/10), ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, cho rằng, giai đoạn nhạy cảm đối với các doanh nghiệp gia đình thường là khi doanh nghiệp bắt đầu sự chuyển giao từ thế hệ sáng lập sang thế hệ kế cận. Thách thức lớn mà các doanh nghiệp gia đình gặp phải trong quá trình chuyển giao chính là việc dung hòa sự khác biệt trong hệ tư tưởng giữa thế hệ chuyển giao và thế hệ kế cận.
Ông Minh nhấn mạnh: Có 4 yếu tố giúp việc chuyển giao giữa các thế hệ thành công. Thứ nhất, chuyển giao tri thức thông qua những việc cử con đi học nước ngoài hoặc thông qua những công cụ riêng. Thứ hai, đào tạo tư duy ông chủ, thế hệ kế cận cần biết quản lý và phát huy tài sản, sử dụng con người, tập trung vào cách doanh nghiệp gia đình tạo ra giá trị. Thứ ba, giao tiếp chuyên nghiệp và đối xử công bằng giữa các thành viên. Yếu tố cuối cùng là cần có hệ thống quản trị gia đình và doanh nghiệp minh bạch.
Theo ông Minh, việc chuyển giao thế hệ là một quá trình, không phải là một thời điểm. “Doanh nghiệp gia đình cần lập kế hoạch chuyển giao từ sớm dưới dạng văn bản và có thể cập nhật hàng năm để tìm ra nhân sự phù hợp và tùy chỉnh theo biến động của thị trường. Công tác xây dựng và rà soát kế hoạch chuyển giao giúp theo dõi sự phát triển của thế hệ kế cận trên phương diện năng lực, quan điểm, tư duy, từ đó đánh giá mức độ phù hợp của thế hệ kế cận với vị trí chủ chốt sẽ nhận”, ông Minh chia sẻ.
Cũng theo ông Minh, mỗi doanh nghiệp gia đình cần nuôi dưỡng niềm tự hào, truyền cảm hứng về sự sáng tạo đột phá trong kinh doanh, cũng như chia sẻ những bài học thất bại, tầm nhìn về gia đình và doanh nghiệp cho những thế hệ kế cận.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FPT khẳng định, muốn thế hệ F2 thành công, phải có 5 điểm bổ sung đi kèm kiến thức được học ở trường. “Phải tạo điều kiện cho đam mê của con. Đam mê không phải ngẫu nhiên, mà phải chú ý những điều nhỏ nhất. Đồng thời, cần phải rèn luyện những kỹ năng con người thành công. Muốn thành công phải sống trong thế giới con người chứ không phải thế giới ảo. Phải có sự khác biệt; có kiến thức xã hội. Và cuối cùng, mối quan hệ là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp”, ông Bình bày tỏ.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Tuấn Hải, người sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam, một trong số ít các gia đình chuyển giao người kế nghiệp thành công, cho rằng, cách dạy con "mưa dầm thấm lâu" là một trong những yếu tố làm nên sự chuyển giao thế hệ thuận lợi.
Ra mắt Học viện đào tạo doanh nhân kế nghiệp
Ông Phạm Đình Đoàn, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp gia đình Việt Nam nhấn mạnh rằng, những người sáng lập doanh nghiệp gia đình luôn mong muốn thế hệ F2 sẽ có được sự đồng hành, hỗ trợ từ thế hệ F1.
“Không ít doanh nghiệp gia đình dù có F2 được đi học bài bản, song vẫn thiếu người kế nghiệp. Sự khác biệt trong tư tưởng giữa thế hệ chuyển giao và thế hệ kế cận là một trong những yếu tố cản trở quá trình chuyển giao thế hệ trong các doanh nghiệp gia đình. Hai thế hệ trong gia đình khó nói chuyện với nhau, "dao sắc không gọt được chuôi”. Do đó, để hỗ trợ cho thế hệ F2 kế nghiệp “trơn tru”, Học viện F2 Sao Đỏ (F2 Sao Do Academy) đã có chương trình đào tạo chéo từ thế hệ F1”, ông Đoàn cho hay.
Theo ông Đoàn, Hội đồng sẽ cùng với Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ tham gia thiết kế chương trình, dựa trên nhu cầu của các doanh nghiệp trong quá trình chuyển giao, để có những chương trình phù hợp với thực trạng của doanh nghiệp Việt Nam.
“Điểm thuận lợi là các học viên đầu tiên đều đã được đào tạo bài bản ở nước ngoài, tiếp cận nền tảng giáo dục, quản trị tiên tiến của thế giới. Điểm yếu của họ là thực tiễn Việt Nam. Đặc biệt, trong giai đoạn chuyển giao thế hệ tại các doanh nghiệp, việc tìm được tiếng nói chung giữa các thế hệ F1 và F2 cũng không dễ dàng. Đây là các vấn đề mà Học viện F2 sẽ tìm cách giải quyết”, ông Đoàn cho biết thêm.
Cũng tại tọa đàm, 20 học viên đầu tiên của Học viện F2 Academy (Học viện đào tạo doanh nhân kế nghiệp), đã được ghi danh. Phần lớn trong số này đang được định danh trở thành doanh nhân, người kế nghiệp doanh nghiệp của gia đình trong tương lai.
Với sự điều phối của Nguyễn Ngọc Mỹ (F2 của doanh nhân Nguyễn Tuấn Hải); các F2 như Mai Ngọc Hảo (con của doanh nhân Mai Hữu Tín); Vũ Thị Thu Quỳnh (F2 của doanh nhân Vũ Văn Tiền); Bùi Quang Minh (F2 của doanh nhân Bùi Minh Lực); Nguyễn Anh Sa (F2 của doanh nhân Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh); Phạm Nhật Thành (F2 của Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn)..., đã chia sẻ những suy nghĩ, tâm tư của mình. Qua đó, các F1 phần nào hiểu được tâm tư, tình cảm của con cái mình.
Qua câu chuyện mà các F2 chia sẻ, ông Vũ Văn Tiền cho rằng, cả sản nghiệp bố mẹ gầy dựng mấy chục năm mà nói giao cho F2 là tạo áp lực cho các con. Do vậy, hãy để các F2 được các bác, các chú F1 đào tạo dần.
Khóa đào tạo F2 Academy dự kiến kéo dài 2 năm, theo hình thức EduNext Platform. Giảng viên sẽ là các doanh nhân Sao Đỏ, là lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam và cũng chính là cha, chú của các học viên.
Ông Trương Gia Bình, người sáng lập Học viện F2 Academy trực tiếp tham gia quá trình đào tạo và bảo trợ cho chương trình cho biết, đây là khóa thử nghiệm đầu tiên của Học viên F2, trước khi nhân rộng mô hình đào tạo này.
“Các trường đào tạo quản trị nổi tiếng trên thế giới đều dạy về marketing, tài chính doanh nghiệp..., nhưng doanh nghiệp là con người, quản trị doanh nghiệp là quản trị con người, nên cần những con người có kỹ năng”, ông Bình nói.
Theo quan điểm của ông Bình, đó có thể là kỹ năng nói chuyện với bố mẹ, con cái, kỹ năng chia sẻ cho một mục tiêu và nhiều kỹ năng khác... “Dù con cái chúng ta đang chịu tác động của điện tử, đang dành nhiều thời gian trong thế giới ảo, nhưng con người muốn thành công thì phải sống trong thế giới của con người. Đó là điều chúng tôi sẽ trao đổi với các con, từ các trải nghiệm của chính mình”, ông Bình nhấn mạnh.
Được biết, 20 học viên đầu tiên của Học viện F2 Academy là những học viên đã qua vòng phỏng vấn của "lớp trưởng" Nguyễn Ngọc Mỹ về mong muốn và tính cam kết khi tham gia khóa học. Ông Trương Gia Bình khẳng định, Học viện không chỉ đào tạo cho các con, mà bố mẹ cũng bắt buộc phải học để hiểu con, đồng hành cùng con.