Vì sao doanh nghiệp logistics không mặn mà chuyển đổi số?
(DNTO) - Vốn mỏng và lo ngại rủi ro pháp lý, trình độ quản trị cũng như nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, là những lý do hàng đầu khiến doanh nghiệp logistics chưa mặn mà đầu tư chuyển đổi số.
Chuyển đổi số logistics sẽ tiết kiệm được gần 300 tỉ đồng mỗi năm
Tại tọa đàm “Chuyển đổi số: Nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, logistics cho các doanh nghiệp Việt”, tổ chức hôm nay (30/10), ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cho biết, hiện chưa có nhiều doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp có tính tích hợp cao. Theo khảo sát năm 2018 của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), mức độ ứng dụng khoa học công nghệ trong nước còn chưa cao, đa phần là các giải pháp đơn lẻ.
Chỉ ra lợi ích của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics khi ứng dụng chuyển đổi số, ông Tương cho biết, chuyển đổi sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực, mang lại chất lượng dịch vụ cao và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đặc biệt, áp dụng chuyển đổi số logistics sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí đáng kể. Theo khảo sát của VLA, chuyển đổi số logistics giúp doanh nghiệp tiết kiệm được gần 300 tỉ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, có một thực tế tại Việt Nam là không có nhiều doanh nghiệp mặn mà với việc chuyển đổi số logistics. Theo ông Tương, khó khăn lớn nhất là vấn đề tài chính, con người và công nghệ tích hợp“.
Chi phí đầu tư cho chuyển đổi số rất lớn, từ 200 triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng cho giải pháp logistics. Hiện chỉ có 4.000 doanh nghiệp hoạt động logistics, trong đó có tới 80% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mà doanh nghiệp nhỏ lại thiếu vốn, thiếu trình độ quản trị và nhân lực ứng dụng về công nghệ thông tin. Đây là một trong những khó khăn trong việc chuyển đổi số của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics”, ông Tương thẳng thắn chỉ ra.
Phân tích nguyên nhân thứ hai, theo ông Tương, các phần mềm tiêu chuẩn quốc tế chưa ứng dụng được nhiều tại Việt Nam. Bên cạnh đó, tâm lý doanh nghiệp chưa thực sự sẵn sàng, và tin tưởng (bảo mật, mức độ an toàn, khả năng thanh toán…).
Cùng với đó là thói quen ngại thay đổi của lãnh đạo doanh nghiệp và nhân viên. Vì vậy, theo ông Tương, muốn chuyển đổi số hiệu quả, trước hết cần giải quyết nhận thức và quyết tâm của doanh nghiệp.
Covid-19 là cú hích để doanh nghiệp logistics chuyển đổi số
Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp sụt giảm doanh thu từ 10 - 30% so với cùng kỳ năm trước cũng như buộc họ phải áp dụng những cách thức hoạt động mới, từ đó định vị lại vị trí của mình trong ngành logistics.
Ông Tương chia sẻ, khi Covid-19 bùng phát, đơn hàng ít và doanh thu giảm là các vấn đề khó khăn doanh nghiệp logistics phải đối mặt. Song đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp chuyển mình, tái cấu trúc và tận dụng lợi thế của công nghệ số tạo nên thay đổi lớn về sản lượng, năng suất. Điều này khiến các doanh nghiệp logistics truyền thống phải nhanh chân hơn và chỉ có duy nhất một con đường đó là vượt khó để tái cấu trúc lại doanh nghiệp, qua đó sẽ định vị được vị trí của doanh nghiệp trong ngành.
“Đây là lúc chúng ta có cơ hội nhìn lại nền tảng dịch vụ của các doanh nghiệp logistics và xem xét các cơ hội để cải thiện. Xem trong quá trình vận hành của doanh nghiệp có thể đáp ứng được những tình huống bất ngờ như thế nào, có dịch vụ nào có cơ hội nổi như logistics cho thương mại điện tử. Đây không chỉ là giải pháp tình thế mà còn là xu hướng phát triển của logistics. Có thể thấy rõ rằng, logistics cho thương mại điện tử là một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp logistics hiện nay”, ông Tương nói.
Cùng quan điểm, TS. Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, đại dịch Covid-19 là “cú hích” trăm năm để doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số.
“Trách nhiệm của doanh nghiệp là phải đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số, hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững, bao trùm”, ông Huân chỉ ra.
Đưa ra giải pháp giúp các doanh nghiệp logistics có cơ hội chuyển đổi số, ông Tương cho hay: “Các doanh nghiệp logistics đừng vì lý do không có vốn mà không chuyển đổi số. Vì Nhà nước hiện có chính sách khuyến khích chuyển đổi số, hỗ trợ về vốn vay và lãi suất vay ưu đãi cho các doanh nghiệp chuyển đổi số và cho các công ty khởi nghiệp về giải pháp công nghệ số. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp logistics có thể mua giải pháp hoặc thuê giải pháp các doanh nghiệp cung cấp phần mềm khi chưa có đủ năng lực tài chính”.
Ngoài ra, cơ quan Nhà nước sẽ hỗ trợ về mặt thông tin, nguồn vốn, có quỹ giúp doanh nghiệp dịch vụ logistics đào tạo về tin học.
Nói về vấn đề này, ông Duy Hồng, Phó Tổng giám đốc CTCP giải pháp chuỗi cung ứng Smartlog, cho biết: “Smartlog là doanh nghiệp tiên phong về các giải pháp quản trị logistics và chuỗi cung ứng. Với các doanh nghiệp logistics có nhu cầu chuyển đổi số mà chưa đủ kinh phí, chúng tôi sẽ tạo cơ hội “sống thử trước hôn nhân”, nghĩa là sẽ hỗ trợ các chương trình dùng thử. Sau khi trải nghiệm, thấy dịch vụ của chúng tôi hiệu quả, khi ấy hai bên sẽ bắt tay làm việc với tinh thần chúng tôi sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp những dịch vụ tốt nhất, mang lại hiệu quả và sức cạnh tranh cao”.