Nữ tướng ngành logistics Phạm Thị Bích Huệ: ‘Từng hai lần buông tay’
(DNTO) - Hơn 20 năm cầm lái logistics của chị Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý & Khai thác Cảng Quốc Tế Long An là hành trình nhiều thử thách, không ít chông gai và đôi lúc lúc cảm thấy đơn độc với chính mình.
Khoảng lặng sau thành công
Dù đang điều hành hàng loạt các trung tâm logistics từ Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Long An đến Bắc Ninh, Hà Nam thế nhưng sau vẻ can trường, mạnh mẽ của một nữ CEO vẫn là những khoảng lặng. Chị Phạm Thị Bích Huệ tâm sự, trong hơn 20 năm lập nghiệp, đã có ít nhất 2 lần chị từng buông tay.
Lần gần nhất là vào năm 2019, khi toàn bộ trung tâm logistics 30.000m2 hiện đại, chứa đầy 8 tầng kệ hàng hoá với tổng trị giá 50 triệu USD của Công ty Pan Pacific - một công ty vận hành trung tâm phân phối bị cháy rụi. Từng làn khói cuồn cuộn bốc lên như xoáy vào tim của chị Huệ.
Cũng trong làn khói mờ ảo bốc lên là những tháng ngày không ngủ của chị Huệ và cộng sự lang thang khắp trời Âu, tìm phương thức tối ưu để xây dựng trung tâm logistics đúng chuẩn quốc tế lại hiện về.
“Tôi đứng đó nhưng không nhìn thấy lửa, không nhìn thấy khói, chỉ có nước mắt chảy và nghĩ về những ngày đầu khởi nghiệp đơn độc, những chuỗi ngày một mình tha phương”, chị Huệ kể.
Cũng trong thời khắc đó, hình ảnh buổi chiều 13 năm về trước - khoảnh khắc đầu tiên chị Huệ nhắm mắt bất lực với chính mình cũng ùa về. Đó là lần đầu tiên công ty của chị được chọn làm đối tác cung cấp dịch vụ logistics cho tập đoàn Formosa khi tiến vào Việt Nam.
“Lúc đó có một siêu lô hàng, nhiều đêm cả nhóm phải thức trắng để lên kế hoạch và liên tục sau đó là những cuộc họp với đối tác kéo dài cả ngày. Tôi nhớ lúc 5g30 chiều hôm sau cùng, khi một mình phải lái xe từ khu công nghiệp lên cảng. Lần đầu tiên mình không thể điều khiển tuyến lái, cứ lái xe ra đường và mặc xe khác lao đến. Lúc đó thật sự bất lực, chỉ nhắm mắt buông tay chỉ chờ điều gì đến cứ đến”.
Chị Huệ cũng tâm sự, đằng sau sự thành công của những nữ CEO là những chuỗi ngày đơn độc và đôi khi phải hy sinh hạnh phúc của chính mình. Tuy vất vả là vậy nhưng đối với chị Huệ, hơn 20 năm khởi nghiệp vẫn là những chuỗi ngày hạnh phúc vì luôn được sống với đam mê.
Phụ nữ hãy tự tháo dây trói chính mình
Vị nữ tướng của ngành logistics cũng chia sẻ, không có bất kì một giới hạn nào ngăn cản phụ nữ tiến thân so với nam giới. “Mọi người thường nói ngành logistics không phù hợp với phụ nữ, tại sao có định kiến như vậy, biết đâu trong thị trường ngách này, phụ nữ mang sự mềm mại, cái đam mê và xúc cảm của phụ nữ sẽ thành công. Đó là lý do tôi đầu tư công ty về logistics”
Cũng theo chị Huệ, phụ nữ Á Đông nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng luôn bị ràng buộc bởi thiên chức làm mẹ nhưng lại không phân định rõ giữa thiên chức và nhân chức. Người phụ nữ có thể thực hiện thiên chức mang bầu, sinh con nhưng việc chăm con phải được sự chia sẻ của chồng và gia đình.
Nữ CEO Phạm Thị Bích Huệ cũng cho biết, thiên chức không công bằng với cả nam và nữ nhưng trong doanh nghiệp, sự tiến thân luôn bình đẳng. Vì vậy, nữ giới trong doanh nghiệp muốn được công nhận sự bình đẳng phải tự nhận vượt qua rào cản, định kiến mà chính bản thân họ đang áp đặt cho họ.
“Đừng lấy lý do vì gia đình để đẩy việc cho đồng nghiệp vì người ta có thể hỗ trợ bạn 3-5 lần nhưng không thể thường xuyên như vậy. Người sử dụng lao động cũng không thể nào chấp nhận một nhân viên suốt ngày nghỉ việc vì lý do con ốm. Vì vậy chúng ta phải biết sắp xếp công việc gia đình để làm tốt mọi việc”.
Doanh nhân Phạm Thị Bích Huệ cũng thấy rằng, nên có chiến lược để hỗ trợ người phụ nữ làm tốt thiên chức của mình nhưng cũng phải giúp họ phát huy được năng lực và hiệu quả làm việc. “Giai đoạn phụ nữ thực hiện thiên chức làm mẹ cũng là giai đoạn họ có khả năng phát triển sự nghiệp cao nhất, nếu phụ nữ không cân bằng được thì sẽ bị tụt hậu ra phía sau rất nhiều”.